Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương diễn ra hôm qua theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Kết quả của Hội nghị đã cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc tiếp tục đổi mới quyết liệt và toàn diện.
Năm 2025, Việt Nam cần chủ động ứng phó với mọi tình huống, đặc biệt trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới và khu vực còn tiếp tục phức tạp, khó đoán định; khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ.
Những con số thuyết phục của năm 2024
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Năm 2024, 15/15 chỉ tiêu đã hoàn thành và vượt kế hoạch. Nổi bật là sự phục hồi tích cực của nền kinh tế với mức tăng trưởng cao; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát hiệu quả; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm vững chắc. An sinh xã hội được cải thiện rõ rệt, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Tăng trưởng kinh tế đạt trên 7%, cao nhất khu vực và thế giới trong bối cảnh khó khăn toàn cầu.
Tại Hội nghị ở điểm cầu Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương các thành phố lớn luôn giữ vị trí top đầu đóng góp vào tăng trưởng như TP HCM, Hà Nội... và các địa phương dù còn nhiều khó khăn nhưng vào các tỉnh có chỉ số tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách cao, như: Bắc Giang, Hòa Bình, Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Trà Vinh và Kiên Giang: "Những con số đầy thuyết phục nêu trong báo cáo của Chính phủ và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, có thể khẳng định các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024 đã hoàn thành trong hoàn cảnh đầy "sóng to, gió lớn, thậm chí có thời điểm là bão tố ở cả bình diện quốc gia, khu vực và quốc tế".
Cam kết thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra
Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Theo đó, ưu tiên hàng đầu hiện nay là tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả": "Điều này không chỉ là cắt giảm mà còn đòi hỏi cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, minh bạch hóa, đẩy mạnh phân quyền trong hành chính, kinh tế, tài chính - ngân sách, quản lý tài nguyên. hiện chính phủ đã trình đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo đúng định hướng của trung ương và tinh thần nghị quyết 18, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giảm bớt thủ tục hành chính".
Tổng Bí thư cũng yêu cầu thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế. Tư duy đổi mới phải khơi dậy sự năng động, sáng tạo, cũng như tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ quản lý các cấp.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, phải cải cách mạnh mẽ hệ thống tài chính, ngân hàng và tiền tệ. Hệ thống pháp luật cần được hoàn thiện để mỗi nội dung chỉ quy định tại một luật duy nhất: "Cần ưu tiên xây dựng hành lang pháp lý cho những mô hình kinh tế mới và thực thi hiệu lực, hiệu quả pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ để khuyến khích sự sáng tạo trong xã hội. Khả năng đạt tăng trưởng hai con số trong tương lai phụ thuộc nhiều vào quá trình đổi mới phát triển kinh tế của Việt Nam".
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ảnh: VOV |
Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% vào năm 2025, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ sẽ rà soát, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng cho các bộ, ngành, địa phương; tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); Xây dựng các chính sách tạo đột phá huy động các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân (phấn đấu khu vực này đóng góp khoảng 65-70% GDP)…. Cùng với đó, triển khai hiệu quả tổng kết Nghị quyết số 18; đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả": "Tập thể Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cam kết nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng và trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân; cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2025, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc".
Thực tiễn đã chứng minh càng khó khăn, Việt Nam càng đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng và vươn lên mạnh mẽ. Với sự quyết tâm, với thế và lực đã có, Việt Nam đủ tự tin để bước vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.