Chính phủ Việt Nam và nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh và hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng tốc chuyển đổi số chính là điểm sáng của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020.
Trong đại dịch Covid-19, rất nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã thay đổi phương thức hoạt động bằng cách ứng dụng công nghệ số để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.Trong quá trình chuyển đổi số, nhiều mô hình kinh tế chia sẻ đã phát triển nhanh, tạo nên sự đột phá về năng suất lao động, cải thiện năng lực quản trị, tối ưu hóa mô hình kinh doanh.
Bởi vậy, các mô hình kinh tế nền tảng số vẫn đứng vững, thậm chí vẫn phát triển không ngừng trong đại dịch Covid-19, như chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Trường, Cựu Giám đốc Dịch vụ Chuyển tiền Momo, đồng sáng lập AhaMove: "Trong đại dịch Covid thì có thể thấy là đa phần mọi người sẽ ở nhà làm việc. Vậy trên đường có ai? Một là tài xế Grab, nếu chở hàng Ahmove. Nền tảng số cơ bản nó khác biệt so truyền thống là đã tận dụng được sức mạnh công nghệ. Công nghệ giúp Công ty phát triển rất là nhanh trong thời gian ngắn. Ví dụ như mô hình của AhaMove, thì trong vòng 4 năm thôi tăng gấp khoảng vài chục lần. Đây là bức tranh công nghệ nền tảng tác động rất nhiều vào nền kinh tế, đã tạo ra những lao động mới."
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi tọa đàm “Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức” ngày 3/7/2020. - Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Công nghệ số đã hỗ trợ, thúc đẩy Chính phủ và người dân Việt Nam rất hiệu quả trong việc đẩy lùi đại dịch Covid-19. Trong thời gian này, ngành công nghệ thông tin đã thực hiện cuộc thao diễn thực chiến lớn với 1.000 kỹ sư từ các doanh nghiệp, phát triển hơn 20 ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt trong việc truy vết, giám sát cách ly, phòng chống dịch bệnh. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội ở mức độ 3, mức độ 4 cũng tăng cao trong giai đoạn này. Đặc biệt, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Y tế đã hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong hoạt động phòng chống dịch bệnh. Về mặt công nghệ, các kỹ sư Việt Nam chủ động đầu tư nghiên cứu sản phẩm, các thiết bị mạng 5G và thiết bị đầu cuối 5G. Dự kiến một số thiết bị 5G mang thương hiệu Việt Nam sẽ được thương mại hóa vào cuối năm nay.
Việt Nam đã và đang tập trung triển khai Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên triển khai trong toàn ngành thông tin và truyền thông nhằm đưa chuyển đổi số quốc gia tới mọi người dân, mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết: "Bộ xác định hạ tầng viễn thông thế hệ mới bao gồm hạ tầng siêu băng rộng, và hạ tầng viễn thông điện toán đám mây đây chính là hạ tầng quan trọng nhất từ nay đến hết năm 2020. Bộ sẽ hỗ trợ, hướng dẫn để 100% các địa phương phát triển hạ tầng viễn thông thế hệ mới trong đó nâng tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng lên đến khoảng 20%. ngay trong năm nay. Bộ cũng sẽ cho phép các doanh nghiệp viễn thông triển khai cung cấp dịch vụ 5G tại các khu công nghệ thông tin tập trung các cơ sở nghiên cứu , trường đại học và các trung tâm , tỉnh thành phố lớn."
Theo Chương trình chuyển đổi số Quốc gia, đến năm 2025, mục tiêu của Việt Nam là đạt 80% dịch vụ công trưc tuyến mức độ 4, sử dụng chủ yếu trên điện thoại di động, 90% hồ sơ điện tử cấp bộ, 80% hồ sơ điện tử cấp huyện…100% cơ sở dữ liệu quốc gia được hoàn thành. Đặc biệt, 50% hoạt động thanh kiểm tra, quản lý nhà nước được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Đây là một trong những mục tiêu nhằm nâng cao tính minh bạch, giảm tham nhũng, nâng cao hiệu quả thanh tra kiểm tra của quản lý nhà nước.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hoá trình bày báo cáo chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. -Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng: "Về phát triển kinh tế số chúng ta đặt mục tiêu kinh tế số chiếm tỷ trọng khoảng 20% GDP, hiện nay khoảng 8%. Chúng ta phấn đầu tỷ trọng kinh tế số nâng cao nồng độ kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực lên tối thiểu 10%, năng suất lao động từ năm 2023 tăng tối thiểu hàng năm 7%. Cuối cùng, xã hội số cụ thể hóa mục tiêu mỗi gia đình một đường cáp quang, người dân một điện thoại thông mình. Và coi đây là phương tiện truy cập chủ yếu của mọi người. vào thế giới số. và thanh toán điện tử không dùng tiền mặt chiếm 50% tổng lưu lượng thanh toán."
Chuyển đổi số làm cho đất nước phát triển nhanh hơn, xã hội ổn định hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn, phát huy nhiều hơn quyền làm chủ của nhân dân. Đặc biệt, công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam luôn lấy người dân làm trung tâm. Và vì thế, phát triển chính phủ điện tử hay tăng cường chuyển đổi số đều nhằm mục đích phục vụ nhân dân một cách hiệu quả.