Phát triển hạ tầng số hay cơ hội cởi trói các cột điện ở Việt Nam

Lâm Việt Tùng (Hà Lan) Chuyên gia tư vấn CNTT-Viễn Thông cho Vodafone Ziggo/ quehuongonline.vn
Chia sẻ
(VOV5) - Ý kiến đóng góp của kiều bào về phát triển hạ tầng số ở Việt Nam.

Đầu tuần này, có người đưa cái ảnh về cột điện ở Hà Nội lên FB của Hội hữu nghị Việt Hung và hỏi: Liệu ảnh này có thực không? Có rất nhiều người từ Hà Nội xác thực là có và đề tài trở nên nóng lên và làm nhiều người thất vọng…

Phát triển hạ tầng số hay cơ hội cởi trói các cột điện ở Việt Nam - ảnh 1

Cột điện - Nguồn: Internet

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đã viết về những sợi dây chằng chịt trên những cột điện trong bài “Hãy thoát khỏi mê hồn trận học hành”, nhưng giờ đây, trông nó khủng khiếp hơn nhiều: đủ loại dây, đủ màu, dây to, dây nhỏ, dây điện, dây loa phường, dây điện thoại, dây cáp truyền hình, dây cáp quang… của nhiều công ty khác nhau, tư nhân có, nhà nước có, và càng ngày càng nhiều. Mạnh ai, người đó làm, đơn vị này sửa, thì đơn vị kia cắt, phá lẫn nhau cũng có. Nhiều ý kiến cho rằng, những cây cột điện này làm xấu mỹ quan thành phố, cần phải chôn những đường dây này xuống như các nước châu Âu; càng thương và khâm phục những người thợ sửa chữa, trèo lên và khắc phục được sự cố, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng. Chưa tính đến nếu cột bị gẫy do dây nặng quá hay bão gió, có thể gây nguy hiểm chết người hay cháy do rò điện.

Tuy vậy, một số khu vực xây dựng mới, các đường dây mới đã được âm xuống nhưng một thời gian sau lại treo lủng lẳng vì những nhà mạng đưa dịch vụ Internet hay TV mới vào; vài nơi tổ chức “bó dây” vào cái vòng sắt chẳng có chức năng gì to tát, như để làm khó các nhà mạng, hay vùi tất cả dây xuống đất cho xong việc, không có vỏ bọc, cuối cùng dây chóng hỏng hơn vì không được bảo vệ do mưa và độ ẩm, nhiều nguy cơ rò điện, chưa kể đến các đường dây nhiễu lẫn nhau và khi có sự cố thì rất khó tìm lỗi… rồi kết luận xanh rờn: Treo vẫn tốt hơn chôn!

Chính phủ và chính quyền các tỉnh cũng đưa ra nhiều biện pháp giải quyết nhưng thực trạng vẫn không thay đổi do thủ tục pháp lý, tái cấu trúc bộ máy quản lý và các lợi ích kinh tế quá phức tạp. Cho nên, mô hình hiện tại vẫn là các nhà mạng tự xây mạng hoặc thuê lại của các nhà mạng khác, chưa có định hướng gì khác.

Giải pháp trên thế giới

Thường ở các nước phát triển, khi xây dựng thành phố, người ta đã quy hoạch đường dây điện, ga, nước, nước thải, Internet, cáp TV… vào các mương cáp riêng, được kết nối với các hố cáp hay hố ga… qua các ống nhựa mà dây có dễ dàng kéo từ hố cáp này sang hố cáp kia để dễ thay đổi nếu có sự cố xảy ra.

Phát triển hạ tầng số hay cơ hội cởi trói các cột điện ở Việt Nam - ảnh 2

Mương cáp và hố cáp - Nguồn: Internet

Ngoài ra, các nhà mạng dùng các phần mềm quản lý các thiết bị và kết nối mạng, thiết kế đường dây mới, tối ưu chỗ đặt các thiết bị truyền dẫn, tính được chi phí của dự án xây dựng mạng lưới… được phát triển trên nền tảng GIS và bản đồ số, gọi là PNI – Physical Network Inventory. Phần mềm còn giúp đánh giá ảnh hưởng đến mạng lưới, dịch vụ và khách hàng khi thay một đường dây hay thiết bị dựa trên các cấu trúc kết nối của mạng lưới được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu. Các thông tin về hiện trạng vật lý của mạng lưới luôn được cập nhật và được quy định “bắt buộc” bởi pháp luật. Cơ quan nào muốn đào lấp ở bất cứ đâu đều phải xin phép và thông báo tới tất cả cơ quan có đường dây ở khu vực đó để tránh những cãi vã không cần thiết kiểu “Tôi không biết đường dây của anh ở đó”.

Phát triển hạ tầng số hay cơ hội cởi trói các cột điện ở Việt Nam - ảnh 3

Ảnh hố cáp – MH và đường dây cáp quang trên phần mềm PNI

Mỗi năm, ở Hà Lan, trung bình có khoảng 300 ngàn thông báo được gửi đến các công ty viễn thông: Ngày DD, sẽ có xây dựng ở địa chỉ ABC, khu vực tọa độ: (X1, Y1…Xn, Yn)… Các công ty viễn thông bắt buộc phải kiểm tra nơi được thông báo có đường dây của mình không, nếu có họ phải thông báo lại để công ty xây dựng biết, để đừng cắt nhầm.

Thực ra, không phải chỉ có ở Việt Nam mà một số nước Đông Âu cũng treo như vậy. Ví dụ, như Rumani trước đây cũng chằng chịt dây, trông rùng mình. Nhưng năm 2015, khi đi công tác ở Bucarest, tôi không còn thấy sợi dây nào quấn trên những cột điện nữa. Tôi ngạc nhiên hỏi đồng nghiệp, anh ta giải thích, nhà nước cho công ty thiết kế các mương và hố cáp và quy định trong vòng 6 tháng tất cả các đường dây phải âm xuống không thì sẽ bị cắt. Rumani thành công, thành phố Bucarest trở nên đẹp hơn và thành điểm đóng phim hấp dẫn và rẻ tiền cho những phim “bom tấn” của Hollywood.

Phát triển hạ tầng số

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030, trong đó mục tiêu phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; phát triển hạ tầng cơ sở số cho Chính phủ số… là hạ tầng số không thể thiếu được trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia và phát triển nền công nghiệp & nông nghiệp thông minh trong tương lai.

Về Internet băng rộng, theo kiến trúc mới mà ở châu Âu đang triển khai gọi là DAA – Distributed Access Architecture, là dùng cáp quang thay cáp đồng đến tận cổng nhà, tăng vận tốc lên tới 10 Gbit/giây. Có thể dùng lại các hạ tầng cũ như các mương cáp và hố cáp, chỉ cần thay các thiết bị truyền dẫn mới hay cáp TV bằng cáp quang. Hy vọng các nhà mạng sẽ thiết kế và xây dựng lại, rồi hạ âm tất cả các dây cáp xuống đất như đã trình bày ở trên.

Còn mạng di động thứ năm - 5G là cuộc cách mạng công nghệ mới, giúp phát triển các lĩnh vực khác như Internet vạn vật (IoT), máy nối máy, thiết bị không người lái, phẫu thuật từ xa, nhà máy thông minh… cần giảm độ trễ xuống 1 mili giây (0.001 giây) và vận tốc lên 10 Gbit/giây, kết nối 1 triệu thiết bị IOT trong 1 km2. Mạng 5G cần các ăng-ten Macro với nhiều kênh lên/xuống (MIMO - multiple input, multiple output) và Small Cell cần kết nối với Local Server – máy chủ cục bộ gần nhất, và các máy chủ cục bộ này nối về Central Server - máy chủ trung tâm. Các kết nối này cần mạng Internet có tốc độ tối thiểu là 10G đến 50G ở những thành phố đông dân.

Phát triển hạ tầng số hay cơ hội cởi trói các cột điện ở Việt Nam - ảnh 4

Kiến trúc mạng 5G - Nguồn: Internet

Độc giả có thể tưởng tượng ra sẽ bao nhiêu dây mới sẽ quấn lên thêm trên những cột điện đáng thương nếu tiếp tục phát triển theo kiểu treo dây và bao nhiêu trạm BTS (Base Transceiver Station - Trạm thu phát sóng) Macro và Small Cell mới sẽ chen lấn và bao quanh các khu dân cư đông đúc.

Chúng ta có thể thấy, xây dựng mạng Internet mới rất tốn kém. Vậy thì giải pháp nào triển khai 5G ở châu Âu vì các máy chủ và các trạm BTS cần được kết nối qua mạng Internet có tốc độ cao? Các công ty di động chủ động mua các công ty có hạ tầng Internet tốt nếu giá rẻ và ngược lại công ty Internet mua lại công ty di động hay cùng liên doanh.

Ví dụ, năm 2018, Vodafone mua lại một loạt các công ty viễn thông trên cáp TV - UPC ở Đông Âu, rồi Unitymedia ở Đức từ Liberty Global, để chuẩn bị cho phát triển 5G. Nhưng ở Hà Lan, Vodafone lại liên doanh với Ziggo, công ty con của Liberty Global vì giá của Ziggo quá cao.

Một số lựa chọn cho Việt Nam.

Quay lại câu chuyện hạ tầng số và giải phóng “một cổ, nhiều tròng” của các cột điện ở Việt Nam, xin đề nghị 3 lựa chọn và phân tích các ưu và nhược điểm, kiến nghị chính phủ xem xét.

Lựa chọn thứ nhất - Mô hình Vodafone Ziggo: Sáp nhập công ty di động với công ty mạng Internet:

+ Ưu điểm: Có thể triển khai 5G nhanh, không tốn kém xây dựng thêm mạng lưới Internet, số trạm BTS giảm nhưng không đáng kể.

+ Nhược điểm: Mạng internet hiện tại có thể không đủ mạnh để triển khai 5G, vẫn phải xây dựng lại. Các nhà mạng phải liên doanh và tái tổ chức, nhưng số dây trên cột điện vẫn còn nguyên.

Lựa chọn thứ hai- Mô hình VTC cũ: Thành lập công ty truyền dẫn chung cho tất cả nhà mạng của nhà nước như mạng điện hiện nay: chỉ cần 2 đường trục bắc nam thay vì 6 đường như hiện tại, một mạng Metro internet cho mỗi tỉnh thành và các trạm BTS – thu phát chung nhưng vẫn thuộc về một nhà mạng quản lý.

+ Ưu điểm: Có thể triển khai 5G nhanh, không tốn kém xây dựng thêm mạng lưới Internet, có tiền để nâng cấp mạng Internet hiện tại, bảo mật tốt hơn cho Chính phủ điện tử, tiết kiệm chi phí hàng chục tỷ đô la mỗi năm cho nhân sự, thiết bị và vận hành hệ thống, số trạm BTS giảm xuống tới 60%, số dây trên cột điện sẽ giảm xuống đáng kể, có tiền để âm các đường xuống đất nhanh hơn, sử dụng ít năng lượng hơn, thành phố ít trạm BTS hơn và tốt cho môi trường.

+ Nhược điểm: Phải thành lập công ty mới và xây dựng khung pháp lý xung quanh để chia sẻ tài nguyên, tránh độc quyền và cam kết giải quyết sự cố, xử lý các lợi ích liên quan đến đầu tư của nhà mạng, các nhà mạng phải tái tổ chức. Tuy nhiên, các công ty tư nhân vẫn có thể dùng riêng hoặc thuê mạng Internet của nhà nước.

Lựa chọn thứ ba – Giữ nguyên các nhà mạng di động và tự họ xây dựng mạng Internet cho 5G:

+ Ưu điểm: Giữ nguyên tổ chức hiện tại.

+ Nhược điểm: Tốn kém xây dựng mạng Internet mới, triển khai 5G sẽ chậm, số dây trên cột điện và trạm BTS tăng lên rất nhiều, xấu mỹ quan thành phố, lãng phí tài nguyên, năng lượng và ảnh hưởng đến môi trường.

Kiến nghị:

Xét phần ưu và nhược của các lựa chọn, có lẽ lựa chọn thứ hai là tốt nhất để phát triển 5G, cũng như hạ tầng số cho đất nước. Tuy nhiên, không đơn giản chút nào vì các lợi ích riêng sẽ cản trở, có thể mất đến hàng năm để xử lý các lợi ích liên quan (mà có khi chưa xong), đặc biệt mất nguồn thu từ cho thuê cột điện có sẵn. Cho nên, thực sự phải có quyết tâm chính trị rất cao, các ban ngành phải cùng vào cuộc, chỉ đạo sát sao từ trên xuống, vì lợi ích chung, chấp nhận đương đầu phức tạp như phân chia tỷ lệ đầu tư hạ tầng giữa các nhà mạng, giải quyết tỷ lệ hoàn vốn các hạ tầng cáp đã đầu tư riêng lẻ..., xác định thời gian hợp nhất quản lý hạ tầng sẽ kéo dài hàng năm... Có thể học theo cách tổ chức, chia sẻ lợi ích đầu tư như trường hợp các tuyến cáp quang biển APG.

Nếu tất cả các đường dây được hạ âm xuống theo đúng quy trình thì các thành phố sẽ sạch đẹp hơn, hấp dẫn khách du lịch hơn, các cột điện sẽ được cởi trói, thở phào nhẹ nhõm và cảm ơn công cuộc chuyển đối số quốc gia.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu