Doanh nghiệp khởi nghiệp tích cực tham gia lĩnh vực chuyển đổi số

Hiếu Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Tại Việt Nam, đã có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Viettel, FPT, CMC… tham gia vào công cuộc chuyển đổi số.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế số đang phát triển như vũ bão tại nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ xây dựng chính phủ điện tử, hoàn thiện hạ tầng số, khuôn khổ pháp lý, bản thân cộng đồng doanh nghiệp Việt cũng đang tích cực áp dụng công nghệ để bứt phá trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Doanh nghiệp khởi nghiệp tích cực tham gia lĩnh vực chuyển đổi số - ảnh 1Chuyển đổi số góp phần tích cực giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động.
 -Ảnh Đầu tư online

Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao, nhất là các lĩnh vực: Tiếp thị, truyền thông, giáo dục, tài chính và tự động hóa chu trình làm việc. Theo đánh giá, Việt Nam đang có sự bứt phá nhanh trong lĩnh vực chuyển đổi số này. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Bùi Thế Duy nhận định:"Xếp hạng về năng lực Đổi mới sáng tạo năm 2019, chúng ta lên thứ 42 trong 129 nền kinh tế và đứng thứ 3 ASEAN, sau Singapore và Malaysia. Và Việt Nam hiện nay năng lực đổi mới sáng tạo đứng đầu trong số các quốc gia có cùng mức thu nhập, đó là tín hiệu đáng mừng vì chúng ta nghèo nhưng có tiềm năng về đổi mới sáng tạo".

Các chuyên gia nhận định, xu hướng người dân sử dụng điện thoại thông minh ngày càng lên ngôi dẫn đến thay đổi thói quen tiêu dùng và tạo sức ép đối với doanh nghiệp, tổ chức trong việc đổi mới cách thức cung cấp các sản phẩm, dịch vụ. Tại Việt Nam, đã có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Viettel, FPT, CMC… tham gia vào công cuộc chuyển đổi số và có được những kết quả tích cực bước đầu. FPT đã triển khai chiến lược dài hạn về xây dựng năng lực, dịch vụ và sản phẩm số, thúc đẩy chuyển đổi số gắn liền với tăng cường năng lực công nghệ mới chuyên sâu và không ngừng sáng tạo.

Tuy nhiên, để nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi số và tận dụng được cơ hội phát triển trong thời gian tới, yếu tố chính là nằm ở nỗ lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi đây mới là nhóm doanh nghiệp lớn nhất trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc,  Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khẳng định: "Một doanh nghiệp siêu nhỏ cũng phải đặt trên nền tảng chuyển đổi số và phát triển bền vững. Đó là đôi cánh để doanh nghiệp và nền kinh tế có thể bay lên. Bây giờ nguồn tài nguyên lớn nhất là sự sáng tạo và nguồn lực sáng tạo là vô tận nên sự chia sẻ, hợp tác cùng có lợi là hoàn toàn có thể diễn ra. Khi hợp tác chúng ta cùng lớn lên cùng mở rộng cùng phát triển và đấy là công thức chúng ta có thể làm được trong kỷ nguyên số, trong đổi mới sáng tạo".

Yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh hiện nay là cần có sự chuẩn bị kỹ và phải bắt đầu ngay từ hạ tầng đến các ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện của mình. Bên cạnh đó, cần chú trọng việc trình hóa, số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh quan trọng của doanh nghiệp, tạo ra môi trường kết nối, an ninh, an toàn. Từ đó áp dụng được các ứng dụng thông minh, tiện ích hơn của internet vạn vật, điện toán đám mây, robot. Đồng thời, phải nhìn nhận vai trò quan trọng của đổi mới về công nghệ đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ cũng như khả năng của doanh nghiệp.

Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết: "Việc bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi là phù hợp với xu thế khách quan và yêu cầu đặt ra với Việt Nam. Ở cấp độ vĩ mô chúng ta đang thay đổi mô hình tăng trưởng chuyển từ chiều rộng dựa vào lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên sang mô hình theo chiều sâu dựa vào hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ. Ở cấp độ quy mô doanh nghiệp , chúng ta phải thay đổi tư duy để tham gia vào quá trình chuyển đổi số, số hóa và kinh doanh trên nền tảng số."

Kinh tế số đang dần dần trở thành con đường chủ đạo của phát triển kinh tế. Việc chuyển đổi số vào phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty, sẽ mang lại nhiều tiện ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù có nhiều lợi ích và đang trong xu thế phát triển mạnh mẽ, nhưng doanh nghiệp Việt Nam hiện mới ở giai đoạn khởi đầu của chuyển đổi số. Bởi vậy, nếu doanh nghiệp Việt không tự chuyển mình, thay đổi cách làm việc, thay đổi mô hình kinh doanh và thích ứng kịp, sẽ đi chệch xu hướng mới, bị tụt hậu và đánh mất lợi thế cạnh tranh cả ở sân nhà và sân chơi toàn cầu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu