Việt Nam đang từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới. Đó là từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, tìm cách sống chung an toàn với dịch bệnh và khôi phục sản xuất kinh doanh dịch vụ, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, một tư duy mới về sống chung với dịch COVID - 19 dần được hình thành, đòi hỏi năng lực thích nghi mới của cả bộ máy quản lý, cộng đồng doanh nghiệp cũng như từng người dân.
Với sự cân nhắc rất thận trọng từ Chính phủ đến các địa phương trong tiến trình bình thường hóa đời sống xã hội sau khi cơ bản đẩy lùi được dịch COVID-19, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đang tập trung triển khai các giải pháp tổng thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Một Việt Nam đầy ứng biến
Ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, Chính phủ đã chọn mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa giữ tăng trưởng kinh tế. Đến lúc này, ở mặt trận phòng, chống dịch, Việt Nam đã kiểm soát được dịch COVID - 19 với những giải pháp ứng phó nhanh chóng, linh hoạt và quyết liệt. Còn trên mặt trận kinh tế, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chưa từng có trong lịch sử đã được ban hành như các gói giải pháp tiền tệ, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đơn vị, cá nhân ảnh hưởng bởi dịch COVID -19 hay việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xúc tiến xây dựng các kịch bản phục hồi kinh tế hậu COVID-19….
Đáng chú ý, một tư duy mới về sống chung với dịch bệnh cũng dần được hình thành. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: "Thế giới đang thay đổi, nền kinh tế Việt Nam đang thay đổi rất nhiều. Sau dịch bệnh, bộ mặt nền kinh tế, các vấn đề giao thương giữa con người với nhau, giữa các quốc gia với nhau thay đổi toàn diện. Việc tái đào tạo và đào tạo mới cho cán bộ nhân viên, nguồn lao động để đáp ứng nhu cầu cho nền kinh tế mới là vô cùng quan trọng".
Trong bối cảnh mới, sự linh hoạt thích ứng với thị trường với yêu cầu áp dụng công nghệ một cách nhanh nhạy, tăng cường hoạt động thương mại điện tử, thanh toán kỹ thuật số và làm việc từ xa; sắp xếp lại các chuỗi cung ứng toàn cầu và hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước sẽ giúp Việt Nam từng bước vượt qua đại dịch. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Chúng tôi phải xây dựng được một kế hoạch hành động để đưa nền kinh tế trở lại bình thường cũng như phấn đấu các mục tiêu phát triển của năm 2020. Riêng về công tác khơi thông thị trường, chúng tôi giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng để đánh giá lại các cơ hội cũng như các dư địa của thị trường, kể cả thị trường trong nước và ngoài nước để phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm của các ngành sản xuất – các ngành công nghiệp của Việt Nam, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp quan trọng như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, công nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến nông sản, thủy sản…".
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, việc ban hành những chính sách mới hỗ trợ có hiệu quả theo hướng tổng thể và đồng bộ để tạo sức bật cho những đầu tầu của nền kinh tế là các doanh nghiệp tiếp tục trụ vững và phát triển sau đại dịch là cần thiết.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết: "Nền kinh tế thế giới sau giai đoạn dịch bệnh sẽ có thay đổi tương đối căn bản. Các chuỗi giá trị được thiết lập lại, các dòng vốn đầu tư thương mại sẽ đảo chiều. Các mô hình kinh doanh mới sẽ nảy sinh và phải chuẩn bị một nền tảng thể chế nền tảng về cơ sở nhân lực thật tốt để các doanh nghiệp Việt Nam có thể thích ứng và tận dụng được những cơ hội mới cũng như đương đầu với thách thức. Để tận dụng được các dòng vốn đó, chúng ta phải sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cao về nhân lực, cơ sở hạ tầng cũng như thể chế".
Sự chủ động thích ứng của cộng đồng
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cùng với sự thích ứng với tình hình mới của bộ máy quản lý, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp sáng tạo hoàn thiện mô hình kinh doanh. Bởi, những tác động lớn như dịch COVID - 19 sẽ là kinh nghiệm điều hành kinh tế.
Theo ông Nguyễn Minh Phong: "Cần có sự điều chỉnh các kế hoạch sản xuất kinh doanh. Các kịch bản cho đa dạng hóa thị trường là cần thiết, tránh tập trung vào một thị trường lớn. Bên cạnh đó, cũng cần thực hiện những cái gọi là chớp thời cơ".
Trong khi đó, đại diện các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, 70% doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang chuyển mình theo công nghệ số.
Việt Nam đang từng bước mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, nới lỏng giãn cách xã hội. Việc Chính phủ, các bộ, ngành và cộng đồng nhìn ra những điều cần thay đổi để thích ứng trong điều kiện mới, sau những ngày chống dịch, là yếu tố quan trọng, để Việt Nam sẵn sàng cho thời kỳ phát triển mới.