RSP và CPJ lại diễn chiêu bài “tự do báo chí”

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), vừa đưa ra cái gọi là “báo cáo Chỉ số tự do Báo chí toàn cầu năm 2014”, trong đó xếp hạng Việt Nam nằm trong số các nước đứng cuối bảng.
(VOV5) - Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), vừa đưa ra cái gọi là “báo cáo Chỉ số tự do Báo chí toàn cầu năm 2014”, trong đó xếp hạng Việt Nam nằm trong số các nước đứng cuối bảng. Cùng lúc, đại diện cấp cao của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) ở Đông Nam Á, Shawn Crispin cũng đưa ra thông tin Việt Nam giam cầm nhiều ký giả. Tự cho mình cái quyền được phán xét người khác, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam này, đã và đang bôi xấu thực tế tự do báo chí, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.


RSP và CPJ lại diễn chiêu bài “tự do báo chí” - ảnh 1
Bức tranh sống động của báo chí Thủ đô Hà Nội và cả nước cùng hội tụ trong ngày hội xuân (Ảnh: Hà Nội mới)


RSP có trụ sở tại Pháp, được thành lập năm 1985, với tôn chỉ bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ.Trong khi đó, CPJ có trụ sở tại Mỹ, thành lập năm 1981, với tôn chỉ ban đầu là "thúc đẩy tự do ngôn luận trên toàn thế giới thông qua hoạt động bảo vệ quyền đưa tin và nền tự do báo chí”. RPS hằng năm công bố cái gọi là “Chỉ số tự do báo chí”, thực tế là một danh sách xếp hạng tự do báo chí trên thế giới. CPJ cũng đưa ra những bản phúc trình về tình trạng đàn áp ký giả trên thế giới hằng năm. Điều đáng nói là hai tổ chức thiếu thiện chí này thường xuyên đưa ra những thông tin bịa đặt, vu khống Việt Nam thiếu tự do báo chí nhằm phục vụ những mưu đồ chính trị.


Những luận điệu xuyên tạc không mới

Trong báo cáo Chỉ số tự do báo chí năm 2014, RSF rất thiếu thực tế khi nhận định rằng Việt Nam gia tăng đàn áp và kiểm duyệt thông tin. Còn CPJ lại tỏ ra hồ đồ khi cho rằng Việt Nam đang duy trì chính sách kiểm duyệt truyền thông gắt gao nhất châu Á.CPJ tiếp tục xuyên tạc Nghị định 72 của Chính phủ Việt Nam về quản lý, cung cấp và sử dụng Internet, cho đó là luật lệ cấm đoán tự do ngôn luận, chế ngự môi trường blog và mạng Internet. Đây là những luận điệu không mới, đã nhiều lần được RSF và CPJ dùng trong các báo cáo, phúc trình tự do báo chí toàn cầu hằng năm. Những cáo buộc mà RSF và CPJ đưa ra hoàn toàn sai trái, bất chấp hình ảnh từ thực tiễn kinh tế, xã hội của Việt Nam về tự do báo chí, dân chủ, nhân quyền.


Tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam là thực tế không thể phủ nhận

Theo số liệu của cơ quan chức năng, đến tháng 3-2013, Việt Nam có 812 cơ quan báo chí in với 1.084 ấn phẩm; gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ; một hãng thông tấn, 67 đài phát thanh, truyền hình, 101 kênh truyền hình, 78 kênh phát thanh; 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động. Ðài Tiếng nói Việt Nam phủ sóng 99,5% diện tích lãnh thổ, qua vệ tinh tới nhiều nước trên thế giới. Hiện hơn 90% hộ gia đình Việt Nam đã sử dụng sóng truyền hình của Ðài Truyền hình Việt Nam. Người dân Việt Nam được tiếp xúc với 75 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có các kênh nổi tiếng như CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg,... 20 cơ quan báo chí quốc tế đã có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo, tạp chí in bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài được phát hành rộng rãi. Trong lĩnh vực xuất bản, Việt Nam có 64 nhà xuất bản với hàng trăm triệu ấn phẩm hằng năm. Với hơn 31,3 triệu người sử dụng Internet, chiếm 35,58% dân số, Tổ chức Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) đang xếp Việt Nam đứng thứ ba tại Ðông - Nam Á, thứ 8 tại châu Á về số người sử dụng Internet... Sự phát triển của hệ thống truyền thông gồm báo chí, phát thanh truyền hình, internet… không chỉ để giúp nhân dân thỏa mãn nhu cầu văn hóa, mở mang và trau dồi tri thức, mà đó còn là diễn đàn với nhiều hình thức phong phú, sinh động để các tổ chức xã hội, mọi người dân có tiếng nói lành mạnh, đóng góp ý kiến, thậm chí phản biện, đối với các chủ trương, chính sách của Nhà nước, và của các cấp chính quyền, nâng cao dân chủ, bảo vệ và phát huy các giá trị của nhân quyền. Như vậy, rõ ràng là ở một xã hội mà quyền con người được khẳng định và Nhà nước luôn tạo điều kiện để bảo đảm sự phát triển của quyền con người như ở Việt Nam, tự do báo chí và tự do ngôn luận đã có những bước tiến không thể phủ nhận.


RSF và CPJ cần tôn trọng các quyền của dân tộc Việt Nam

Trên thế giới ngày nay, tự do ngôn luận và tự do báo chí là các yếu tố hết sức quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của mỗi quốc gia, đồng thời là biểu hiện trực tiếp của quan niệm, chính sách nhân quyền ở quốc gia đó. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc đều khẳng định các quyền cơ bản này và Nhà nước Việt Nam đã luôn nghiêm túc tuân thủ các cam kết để đảm bảo nhân quyền. Điều này được chứng minh qua việc Việt Nam, với những thành tựu nhân quyền nổi bật, đã trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và vừa bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR trước Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc lần thứ hai.Việc RSF và CPJ  bất chấp các thành tựu này, tiếp tục bịa đặt Việt Nam "không có tự do ngôn luận, tự do báo chí", vu cáo Nhà nước Việt Nam "vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí", là hành động xuyên tạc, can thiệp vào công việc nội bộ và xâm phạm quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam, như Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền đã khẳng định: "Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết”. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã và đang khẳng định thành tựu nhân quyền của mình để hội nhập mạnh mẽ vào cộng đồng quốc tế./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu