Bản phúc trình của EU phản ánh sai lệch về nhân quyền ở Việt Nam

Nhóm PV/VOV
Chia sẻ
(VOV5) - Cũng như mọi quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam có hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ quyền con người, chống lại những hành vi xâm hại quyền con người.

Ngày 29/5 vừa qua, Liên minh Châu Âu (EU) đã công bố báo cáo thường niên về nhân quyền và dân chủ trên thế giới năm 2023.   Báo cáo mặc dù đã phản ánh một số thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người nhưng đáng tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai lệch và không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam.

Trong bản báo cáo, EU cho rằng không gian xã hội dân sự ở Việt Nam ngày càng bị thu hẹp. Đồng thời, kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận.

Những nhận định thiếu khách quan

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hùng Hải, Phó Viện trưởng Viện Quyền Con người, ở Việt Nam không hình thành đội ngũ những nhà hoạt động nhân quyền, mà mọi công dân Việt Nam đều có nghĩa vụ tích cực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người. Cũng như mọi quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam có hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ quyền con người, chống lại những hành vi xâm hại quyền con người. Theo đó, mọi hành vi xâm hại quyền con người phải được xử lý theo đúng pháp luật. Việt Nam ủng hộ các hành vi tôn trọng, bảo vệ quyền con người. Do đó, nếu nói rằng ở Việt Nam đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền là không đúng thực tế, không phù hợp với quá trình bảo đảm quyền con người ở Việt Nam hiện nay.

Bản phúc trình của EU phản ánh sai lệch về nhân quyền ở Việt Nam - ảnh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: VOV5

Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí cho mọi công dân. Nhưng các quyền này đều phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Pháp luật không cho phép dùng quyền tự do ngôn luận để xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng, nhấn mạnh:   Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Việt Nam và Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới sự  và của công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Việt Nam luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống và quyền thụ hưởng các quyền và tự do cơ bản của con người được ghi nhận Hiến pháp, pháp luật và được bảo đảm tôn trọng trên thực tế. Các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận rộng rãi và đánh giá cao

Thực tế sinh động

Trên thực tế, những hành động cụ thể thực thi quyền con người ở Việt Nam đã thể hiện theo những công ước mà Việt Nam đã ký kết. Tính đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế. So với nhiều nước, Việt Nam không thua kém về số lượng các công ước đã ký kết. Ngay cả nước Mỹ hiện nay vẫn là nước duy nhất trên thế giới chưa phê chuẩn Công ước quốc tế về trẻ em năm 1989. Quốc gia này cũng chưa phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966.

Tại Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà sát định kỳ phổ quát chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ trong tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cũng đã khẳng định: Từng nằm trong nhóm các nước nghèo nhất thế giới, nhưng Việt Nam đã trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Trong giai đoạn từ 1989 tới 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 40 lần. Trong vòng 2 thập kỷ, kể từ năm 1993, hơn 40 triệu người đã thoát cảnh đói nghèo. Sự phát triển nhanh chóng của truyền thông đại chúng, Internet và mạng xã hội ở Việt Nam đã giúp tăng cường tự do báo chí, tự do ngôn luận, và quyền tiếp cận thông tin. Hiện nay, số lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam đã đạt hơn 78 triệu người, mạng 4G đã bao phủ xấp xỉ 99,8% dân số Việt Nam.

Những nỗ lực bảo đảm quyền con người của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5, Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới  Pallab Sengupta nhận xét: Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe tiếng nói của người dân để đáp ứng nhu cầu và cải thiện cuộc sống mỗi người. Tôi nghĩ Việt Nam đang làm những điều tốt nhất để đảm bảo nhân quyền. Tôi đánh giá cao những nỗ lực này của Việt Nam. Cũng sẽ có những thách thức, nhưng rõ ràng, Đảng và Nhà nước Việt Nam đang rất cẩn trọng và nỗ lực giải quyết, khắc phục những khó khăn này. 

Nhân quyền là vấn đề mang tính phổ quát của toàn cầu. Mỗi quốc gia, dân tộc, tuỳ theo đặc điểm văn hoá, lịch sử đều có những tiêu chuẩn, quy định riêng. Việc áp đặt tiêu chí của nước này vào nước khác là không phù hợp và đó cũng là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, không đúng với quy định của Liên hợp quốc. Thật đáng tiếc khi EU vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định thiếu khách quan, dựa trên những thông tin sai lệch, không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu