Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các nước phương Tây phải giải quyết nhiều thách thức lớn từ các xung đột địa chính trị và kinh tế trên thế giới, đồng thời nguyên thủ một số nước G7 gặp các khó khăn lớn ở chính trường quốc nội.
Với tư cách là nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của G7 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia, Canada và Nhật Bản), chính phủ Italia đã mời thêm Giáo hoàng Francis cùng lãnh đạo nhiều nước và tổ chức quốc tế, như: Brazil, Argentina, Ấn Độ, Liên hiệp quốc (LHQ), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Đầu tư châu Phi… cùng dự Hội nghị.
(Từ trái sang) Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Borgo Egnazia, Italy, ngày 13/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ưu tiên lớn cho châu Phi
Diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp với sự gia tăng của xung đột vũ trang, đối đầu địa chính trị, cạnh tranh kinh tế, cùng các thách thức đan xen của biến đổi khí hậu và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Thượng đỉnh G7 năm nay gánh vác trách nhiệm nặng nề trong việc truyền đi một thông điệp hành động rõ ràng và có tầm nhìn của phương Tây. Là quốc gia nằm ở điểm kết nối giữa châu Âu và châu Phi, nước chủ nhà Italia đặt châu Phi là trọng tâm thảo luận hàng đầu tại Thượng đỉnh G7 năm nay. Phát biểu trong phiên khai mạc chiều 13/06 tại Borgno Egnazia, Thủ tướng Italia, bà Giorgia Meloni khẳng định việc Italia chọn tổ chức Thượng đỉnh G7 ở một thị trấn miền Nam Italia chính là để thể hiện quyết tâm đối thoại với thế giới phương Nam, đặc biệt là châu Phi: “Trên cương vị Chủ tịch G7, Italia muốn dành không gian lớn hơn cho các châu lục khác có tầm vai trò thiết yếu với tương lai của tất cả chúng ta, và đó là châu Phi, với tất cả những khó khăn và cơ hội của châu lục này, đang đòi hỏi chúng ta có một cách tiếp cận khác với những gì đã thể hiện trong quá khứ”.
Nhằm cụ thể hóa các ưu tiên hành động cho châu Phi, ngay từ đầu năm nay, chính phủ Italia đã đề xuất “Kế hoạch Mattei”, với khoản tài chính ban đầu là 5,5 tỷ euro (hơn 5.9 tỷ USD) nhằm thúc đẩy các mô hình hợp tác bền vững về năng lượng, giáo dục, y tế, nông nghiệp, môi trường tại các quốc gia châu Phi. Sáng kiến này của Italia nhận được sự phản hồi tích cực từ các bên. Theo Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres, sự quan tâm dành cho châu Phi là xứng đáng bởi châu lục này sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ, có vai trò cực kỳ quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng trên thế giới nhưng hiện mỗi năm chiếm chưa đến 1% công suất lắp đặt năng lượng tái tạo của thế giới. Vì thế, G7 cần phải gia tăng sự trợ giúp tài chính và công nghệ cho châu Phi, cũng như các quốc gia đang phát triển khác, trong việc ứng phó biến đổi khí hậu: “Chúng tôi cần cam kết rõ ràng từ G7 về việc tăng gấp đôi nguồn tài chính dành cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu trong năm tới, đồng thời thu hẹp khoảng cách tài chính trong lĩnh vực này”.
Bên cạnh các thảo luận về phát triển châu Phi, chương trình nghị sự của Thượng G7 năm nay còn có các phiên họp về biến đổi khí hậu, tình hình ở khu vực Trung Đông, xung đột ở Ukraine, di cư, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và một phiên họp đặc biệt tập trung vào trí tuệ nhân tạo và năng lượng. Đáng chú ý, trong lần đầu tiên dự Thượng đỉnh G7, Giáo hoàng Francis có bài tham luận về những hứa hẹn và rủi ro mà AI đem lại.
Hành động khẩn cấp
Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres. Ảnh: THX/TTXVN |
Khác với các năm trước, Thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra trong bối cảnh tương đối khác biệt, khi các vấn đề đối nội của một số quốc gia thành viên đang đe dọa lấn át các chủ đề lớn tại Hội nghị. Tổng thống Mỹ, Joe Biden, Thủ tướng Canada, Justin Trudeau và Thủ tướng Nhật, Fumio Kishida hiện đều đang có tín nhiệm thấp trong nước, riêng ông Biden phải đối mặt thêm nhiều áp lực từ chiến dịch tranh cử Tổng thống và rắc rối cá nhân liên quan đến vụ xét xử người con trai Hunter Biden. Đặc biệt, tại châu Âu, Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, hứng chịu thất bại lớn tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, khiến uy tín chính trị suy giảm. Tổng thống Pháp, Macron cùng với Thủ tướng Anh, Rishi Sunak, cũng sắp bước vào các cuộc bầu cử hết sức rủi ro trong 3 tuần tới, là tổng tuyển cử sớm tại Anh hôm 04/07 và bầu cử lập pháp tại Pháp (30/06 và 07/07). Vì thế, theo Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Trường Đại học Luiss (Italia), ông Raffaele Marchetti, Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay mang tính chất khẩn cấp hơn so với trước đây và nguyên thủ các nước G7 đều đẩy nhanh nhiều kế hoạch táo bạo liên quan đến các xung đột địa chính trị (Ukraine, Gaza), cạnh tranh kinh tế, quản lý AI, quan hệ với Trung Quốc…, trước khi có các thay đổi lớn trên chính trường quốc nội. Giáo sư Marchetti nhận định: “Đây là một Thượng đỉnh G7 đặc biệt vì một số nhà lãnh đạo G7 có thể sẽ không còn tại vị vào năm tới, đồng thời các quốc gia G7 nhiều khả năng sẽ có các bối cảnh chính trị rất khác trong năm sau. Do đó, các lãnh đạo G7 cần đưa ra các quyết định và gia tăng sự gắn kết, bởi năm sau có thể các vấn đề sẽ được xử lý theo một cách khác”.
Chia sẻ quan điểm này, nhà nghiên cứu Riccardo Alcaro, thuộc Viện Quan hệ quốc tế Italia, cho rằng tầm ảnh hưởng của G7 đang đối mặt với nhiều thách thức khi nhóm này không còn giữ thế thống trị trong việc thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu. Do đó, các lãnh đạo G7 phải thể hiện quyết tâm hành động mạnh mẽ và nhanh chóng hơn trong thời điểm hiện nay.