Kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh hơn dự báo

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Dự kiến, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiến hành đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào ngày 06/06. 

Các số liệu được nhiều tổ chức kinh tế, tài chính lớn toàn cầu công bố trong thời gian qua cho thấy kinh tế toàn cầu đang phục hồi nhanh hơn dự báo, nhờ động lực tăng trưởng của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và sự cải thiện rõ rệt từ châu Âu.

Hôm 25/05, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển  - G7 ra Thông cáo khẳng định nền kinh tế toàn cầu đang cho thấy khả năng phục hồi cao hơn dự kiến trong bối cảnh có nhiều thách thức.

Phục hồi ấn tượng

Nhận định của G7 phù hợp với đánh giá tương đối lạc quan của nhiều tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế trong thời gian qua về tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Trước đó, trong các báo cáo về triển vọng kinh tế công bố gần đây, Liên hiệp quốc (LHQ), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đều nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong cả năm.

Kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh hơn dự báo - ảnh 1 Container hàng hóa tại cảng Busan, Hàn Quốc. Ảnh minh họa Yonhap/TTXVN 

Cụ thể, trong báo cáo hôm 16/05, Vụ các vấn đề kinh tế và xã hội (DESA) của LHQ cho rằng một số nền kinh tế lớn và mới nổi tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng trong những tháng qua đã tạo động lực đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi nguy cơ suy thoái, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm nay lên mức 2,7%, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo của DESA hồi tháng 1.

Đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, DESA dự báo Mỹ có thể tăng trưởng 2,3% trong năm nay. Đặc biệt, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc có sự phục hồi nhanh hơn dự báo. DESA dự báo Trung Quốc năm nay tăng trưởng 4,8%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đầu năm. Hôm 29/05, đến lượt IMF điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm nay lên mức 5%, cao hơn đến 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó của IMF.

Kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh hơn dự báo - ảnh 2Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ sở cho việc điều chỉnh dự báo của IMF là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý I năm nay đã vượt kỳ vọng, đạt tốc độ tăng trưởng 5,3%, nhờ kết quả kinh doanh quý đầu tiên tốt hơn dự kiến và một số biện pháp chính sách bổ sung của Chính phủ Trung Quốc. Trước IMF, các nhà phân tích từ các ngân hàng lớn, như: BNP Paribas, Goldman Sachs và Citi Bank cũng đã điều chỉnh nâng dự báo đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Cùng với Mỹ và Trung Quốc, triển vọng tăng trưởng những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác, như: Ấn Độ, Brazil, Nga, Indonesia… cũng được đánh giá tích cực.

Bà Kristallina Georgieva, Giám đốc điều hành IMF, nhận định: "Kinh tế thế giới đã chứng tỏ sự vững vàng đáng chú ý, bất chấp các tác động lớn từ COVID-19, xung đột tại Ukraine, sự leo thang lạm phát dẫn đến việc gia tăng lãi suất. Chúng ta đang chứng kiến các thành tích kinh tế tốt hơn so với kỳ vọng cách đây 1 năm”.

Theo IMF, sự phục hồi tốt hơn dự kiến của kinh tế toàn cầu còn thể hiện ở việc ngay cả những nền kinh tế lớn châu Âu gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua cũng bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc. Trong báo cáo công bố hôm 28/05 tại Berlin (Đức), IMF dự báo kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 1-1,5% trong giai đoạn 2025-2026, cao hơn đáng kể so với hiện nay. Đây là đánh giá tích cực hiếm hoi về kinh tế Đức trong thời gian qua bởi nền kinh tế lớn nhất châu Âu tăng trưởng âm trong năm ngoái và dự báo sẽ chỉ tăng nhẹ 0,2% trong năm nay.

Tương tự Đức, kinh tế Anh cũng bắt đầu được cải thiện. Số liệu được Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 10/5 cho thấy GDP Anh tăng 0,6% trong 3 tháng đầu năm nay, sau 2 quý liên tiếp suy giảm trong nửa cuối năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất mà kinh tế Anh đạt được kể từ quý IV/2021.

Kịch bản hạ cánh mềm

Lạc quan về tốc độ phục hồi tích cực của kinh tế thế giới nhưng nhiều tổ chức, chuyên gia kinh tế vẫn tiếp tục đưa ra các cảnh báo thận trọng, Theo Giám đốc điều hành IMF, bà Kristallina Georgieva, các yếu tố, như: lạm phát cao dai dẳng, căng thẳng địa chính trị leo thang, rủi ro biến động giá năng lượng, áp lực phân mảnh kinh tế và công nghệ… vẫn có thể đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, người đứng đầu IMF cũng khuyến nghị các nước cần thực thi các chính sách tiền tệ chủ động trong vấn đề lãi suất: “Chúng tôi đã dự báo về một sự hạ cánh mềm nhưng cho đến này việc này vẫn chưa diễn ra. Các ngân hàng trung ương cần phải cân nhắc thận trọng, dựa trên dữ liệu, về việc khi nào bắt đầu cắt giảm lãi suất, cắt giảm bao nhiêu và họ không thể tìm cảm hứng hành động từ các ngân hàng trung ương khác bởi các quốc gia hiện đang trong các bối cảnh rất khác nhau”.

Theo các chuyên gia kinh tế, một câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là khi nào thì các nền kinh tế lớn, như: Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Anh… bắt đầu cắt giảm lãi suất. Dự kiến, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiến hành đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào ngày 06/06. Theo chuyên gia kinh tế trưởng của ECB, ông Philip Lane, việc duy trì lãi suất cao trong một thời gian quá dài có thể đẩy lạm phát xuống dưới mức mục tiêu mà ECB đặt ra là 2% và khi đó ECB có thể sẽ phải thực hiện việc cắt giảm lãi suất với nhịp độ nhanh hơn so với dự kiến. Do đó, đây có thể là thời điểm thích hợp để ECB bắt đầu việc cắt giảm lãi suất sau hơn 2 năm. Thận trọng hơn ECB, dự kiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ duy trì lãi suất cao trong thời gian lâu hơn và đa số giới phân tích dự đoán FED sẽ chỉ cắt giảm lãi suất 1 lần vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, bất chấp các e ngại về việc lãi suất cao ở các nền kinh tế lớn tác động tiêu cực đến tăng trưởng, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas vẫn cho rằng rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm nay đã được hạn chế ở mức rất thấp và kịch bản tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,2% năm nay như dự báo của IMF là hoàn toàn khả thi.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu