Tổ chức Phóng viên không biên giới lại xuyên tạc thực tế tự do báo chí của VN

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporter without Borders  for press freedom- RSF) vừa trao cái gọi là “Giải Công dân mạng 2013” cho Blogger Huỳnh Ngọc Chênh. Cùng với Giải thưởng này, trong bản phúc trình nhân Ngày quốc tế chống kiểm duyệt Internet 12/3/2013, Tổ chức này rất thiếu khách quan khi gọi Việt Nam là “ kẻ thù của Internet”.
(VOV5) - Tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporter without Borders  for press freedom- RSF) vừa trao cái gọi là “Giải Công dân mạng 2013” cho Blogger Huỳnh Ngọc Chênh. Cùng với Giải thưởng này, trong bản phúc trình nhân Ngày quốc tế chống kiểm duyệt Internet 12/3/2013, Tổ chức này rất thiếu khách quan khi gọi Việt Nam là “ kẻ thù của Internet”.

Tổ chức Phóng viên không biên giới lại xuyên tạc thực tế tự do báo chí của VN - ảnh 1
Ảnh:radiovietnam.vn

Tổ chức Phóng viên không biên giới nói việc trao giải thưởng cho blogger Chênh là cách mà tổ chức này ghi nhận sự đóng góp của những nhà báo tự do tại Việt Nam cổ xúy cho quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, và tự do internet. Sẽ không có gì đáng nói nếu đây là việc nội bộ của riêng Tổ chức Phóng viên không biên giới, vì trao giải cho cá nhân nào đó, dù xứng đáng hay không, cũng là quyền của bất cứ tổ chức nào. Sự hổ thẹn là ở chỗ Tổ chức Phóng viên không biên giới đã xuyên tạc trắng trợn thực tế báo chí của Việt nam khi gọi Việt Nam là “kẻ thù của Internet” và xếp Việt nam ở mức 172/179 trong bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới của Tổ chức này. Ngoài ra, Tổ chức này còn cho rằng nhiều nhà cung cấp mạng ở Việt Nam đã giúp Chính phủ kiểm duyệt Internet.

 

Khi đưa ra luận cứ này, chắc hẳn Tổ chức phóng viên không biên giới đã cố tình quên đi thực tế rằng, kể từ năm 1997, khi Việt Nam tiếp cận với công nghệ hiện đại này, đến nay sự phát triển vượt bậc của Internet không chỉ thể hiện ở những con số về tốc độ tăng trưởng, loại hình dịch vụ, số lượng truy cập mà còn thể hiện qua việc người dân có thể truy cập Internet ở mọi lúc, mọi nơi. Thực tế này khẳng định sự quan tâm và cơ chế mở của Đảng và Nhà nước Việt Nam để tạo điều kiện cho Internet phát triển. Đài Tiếng nói Việt Nam từng dẫn lời ông Phạm Quốc Nhật, Giám đốc Công ty phần mềm Nhật Cường, cho rằng từ khi Việt Nam được kết nối với mạng Internet toàn cầu đến nay, người dân Việt Nam không gặp bất cứ một khó khăn, trở ngại nào khi truy cập mạng. Ông Phạm Quốc Nhật nhấn mạnh: Việt Nam là một quốc gia có tốc độ phát triển công nghệ thông tin rất mạnh, trong đó có Internet đã về tận thôn bản. Điều này đã được các nước trên thế giới thừa nhận. Chúng ta có thể có tất cả những thông tin trên internet nếu chúng ta muốn. Vì vậy, nói Internet Viêt Nam bị hạn chế là không đúng.

 

Nếu đúng như Tổ chức Phóng viên không biên giới nói “Việt Nam là kẻ thù của Internet”, thì chắc hẳn trong hơn 16 năm qua, đã  không thể có con số 27 triệu người sử dụng Internet, chiếm gần 31% dân số Việt Nam tại thời điểm hiện nay. Và nếu đúng như Tổ chức Phóng viên không biên giới nói “nhiều nhà cung cấp mạng đã giúp Chính phủ Việt nam kiểm duyệt Internet” thì những người nước ngoài sinh sống, làm việc hoặc đi du lịch Việt Nam chắc chắn đã gặp phải trường hợp này.Thực tế khác rất xa những vu khống nói trên của Tổ chức Phóng viên không biên giới. Hãy nghe những trải nghiệm của bà Yaima, một người Cu Ba từng nhiều năm sinh sống tại Việt Nam: Từ khi có mặt tại Việt Nam đến nay, tôi không gặp một khó khăn nào khi tiếp cận dịch vụ Internet. Tại Việt Nam,  tôi vẫn kết nối với người thân ở nhà. Tôi nghĩ mọi quốc gia đều có những quy định riêng trong xây dựng, phát triển Internet theo nguyện vọng, lợi ích của quốc gia đó.

 

Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng Internet nhanh nhất khu vực và nằm trong số các quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới, khác xa với những vu khống của Tổ chức Phóng viên không biên giới. Mấu chốt của sự phát triển vượt bậc đó là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung, Internet nói riêng. Song, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam có những quy định trong sử dụng Intenet để không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, an ninh quốc gia… Vì thế, Tổ chức Phóng viên không biên giới thật hồ đồ khi cho rằng Việt nam kiểm duyệt Internet, như cái gọi là phúc trình mà Tổ chức này đưa ra hôm 12/3/2013 mới đây.

 

Tổ chức Phóng viên không biên giới còn tỏ ra thiếu khách quan khi trao giải Công dân mạng năm 2013 cho blogger Huỳnh Ngọc Chênh là người Việt Nam. Trong phát biểu khi nhận giải thưởng này, Huỳnh Ngọc Chênh đã quên rằng nhờ có sự phát triển nhanh chóng của Internet ở Việt Nam mà các công dân mạng mới có thể giao lưu, bày tỏ quan điểm về mọi vấn đề của quốc gia và quốc tế một cách dân chủ và tự do. Rõ ràng, Tổ chức Phóng viên không biên giới đã trao giải cho một cá nhân không xứng đáng, phục vụ cho những ý đồ không khách quan của Tổ chức này./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu