Nước Anh hậu bầu cử: Brexit “sáng cửa” nhưng chưa phải tất cả

Bá Thi
Chia sẻ

(VOV5) - Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố rằng Brexit không còn là một quyết định gây tranh cãi của người dân Anh nữa.

Với việc giành được được 365 trong tổng số 650 ghế tại Hạ viện Anh sau cuộc tổng tuyển cử ngày 12/12 vừa qua, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có được đa số áp đảo cần thiết để tự thành lập Chính phủ, đồng thời rộng đường thực hiện tiến trình đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), theo đúng kỳ hạn mới là ngày 31/1/2020. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả.

Số ghế mà đảng Bảo thủ giành được (365 ghế) nhiều hơn tới 39 ghế so với số ghế cần có theo quy định để tự thành lập Chính phủ mới mà không cần liên minh với các lực lượng chính trị khác (326 ghế). Nhưng quan trọng hơn, số ghế này đảm bảo một thế đa số áp đảo tại Hạ viện, cho phép Thủ tướng Johnson và đảng Bảo thủ thực thi các kế hoạch tham vọng của mình, đứng đầu là Brexit, cuộc “ly hôn” khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã gặp rất nhiều trở ngại suốt hai năm qua.

Rộng đường thông qua Brexit tại Quốc hội Anh      

Ngay sau khi các kết quả kiểm phiếu khẳng định đảng Bảo thủ chắc chắn giành đa số ghế áp đảo tại Hạ viện, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố rằng Brexit không còn là một quyết định gây tranh cãi của người dân Anh nữa.

Còn nhớ, trước cuộc tổng tuyển cử ngày 12/12, do bị mất thế đa số tại Hạ viện (sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tháng 6/2017), đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson đã thất bại hoàn toàn trong việc thuyết phục Quốc hội Anh phê chuẩn thỏa thuận Brexit đã đạt được với Liên minh châu Âu và buộc phải xin EU gia hạn Brexit thêm một lần nữa (lần thứ 3). Trước đó, vì cùng lý do, Chính phủ của nữ Thủ tướng Theresa May (cũng của đảng Bảo thủ), thậm chí hứng chịu tới 3 lần thất bại trong nỗ lực thông qua thỏa thuận Brexit với EU tại Quốc hội, dẫn đến kết cục là Thủ tướng May phải từ chức. Trước thời điểm tổng tuyển cử ngày 12/12, nhiều nhà phân tích khẳng định tiến trình Brexit đang trong tình trạng “bế tắc hoàn toàn”.   

Bởi vậy, với việc đảng Bảo thủ giờ đây có được đa số ghế áp đảo 365/650 tại Quốc hội, khả năng rất cao là bất kỳ thỏa thuận nào về Brexit mà Chính phủ Anh sẽ đạt được với EU trong thời gian tới, cũng sẽ được thông qua.

Trở ngại và thách thức

Việc đảng Bảo thủ giành thắng lợi lớn cũng là một kết quả mà giới lãnh đạo EU mong đợi. Vấn đề không phải vì EU ủng hộ đảng Bảo thủ, mà vì chiến thắng của đảng Bảo thủ đồng nghĩa với triển vọng Brexit trở nên rõ ràng hơn. Ngoài ra, EU còn kỳ vọng với việc giành chiến thắng áp đảo, Thủ tướng Johnson có thể lấn át những tư tưởng hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ, và xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với châu Âu. Đây được coi là một thuận lợi của Thủ tướng Johnson trong quá trình thương thảo về thỏa thuận Brexit mới với EU.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tiến trình Brexit năm 2020 sẽ diễn ra hoàn toàn "thuận buồn xuôi gió." Bởi lẽ, EU luôn tỏ rõ quan điểm kiên quyết không để cho Anh dễ dàng tiếp cận thị trường EU, nếu Thủ tướng Johnson nhất quyết theo đuổi kế hoạch xây dựng các quy định thương mại, môi trường khác biệt nhiều so với những quy định, tiêu chí hiện hành của EU.

Nước Anh hậu bầu cử: Brexit “sáng cửa” nhưng chưa phải tất cả - ảnh 1 Ảnh minh họa: TTXVN

Ngoài ra, xét về mặt thời gian, Thủ tướng Anh muốn kết thúc đám phán thương mại với EU trong tháng 11/2020, để bắt đầu từ năm 2021, quan hệ Anh-EU thực sự bước sang một trang mới. Theo nhiều chuyên gia và chính giới chức EU, việc hai bên đạt được thỏa thuận tự do thương mại trong vòng chưa đầy một năm nữa, là điều không thể. Do vậy, London có nguy cơ không đạt được thỏa thuận tự do thương mại với EU, hoặc sẽ chỉ đạt được một thỏa thuận có giới hạn. Nếu kịch bản đó xảy ra, rắc rối sẽ lại nổi lên, trở thành một thách thức thực sự với Brexit

Bên cạnh đó, giới phân tích cũng cho rằng, phe phản đối Brexit tại nước Anh sẽ không dễ dàng bỏ cuộc. Bằng chứng mới nhất là ngày 14/12 vừa qua, Thủ hiến vùng Scotland thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh Nicola Sturgeon cảnh báo, Thủ tướng  Boris Johnson cần phải “chú trọng vào thực tế” và công nhận rằng đảng Dân tộc Scotland (SNP) đã được ủy thác để thực hiện một cuộc  trưng cầu dân ý về nền độc lập lần thứ hai. Rất có thể, đây chính là phát pháo hiệu mở đầu cho những nỗ lực mới chống lại tiến trình Brexit mà Thủ tướng Johnson và đảng Bảo thủ đang cố công theo đuổi.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu