Nỗ lực vượt thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động hơn, linh hoạt, hiệu quả hơn là yêu cầu quan trọng để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp.

6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã vượt lên trên những tác động tiêu cực của dịch Covid - 19 để đạt mức tăng trưởng 1,81%, một trong số ít quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng dương. Đây là nỗ lực đáng tự hào, được quốc tế đánh giá cao. 6 tháng còn lại của năm 2020, Chính phủ Việt Nam xác định nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn. Việt Nam sẽ phải tiếp tục tận dụng cơ hội để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Nỗ lực vượt thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng - ảnh 1

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Hải Phòng - Ảnh: qdnd.vn

Trong điều kiện Việt Nam đang thực hiện tốt mục tiêu kép: vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, 6 tháng cuối năm, cán cân thương mại dự kiến tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ có những bước đột phá, lãi suất tiếp tục ổn định hoặc có thể giảm nhẹ… Đây là những yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế Việt Nam.

Tận dụng cơ hội phục hồi phát triển kinh tế-xã hội

Điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động hơn, linh hoạt, hiệu quả hơn là yêu cầu quan trọng để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp. Đồng thời cũng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là yếu tố quan trọng để tạo lập nền tảng và duy trì lòng tin của cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước vào môi trường và sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết: "Hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế, sẽ điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có các biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô. Trong trường hợp cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ có các giải pháp mạnh hơn về chính sách tiền tệ như tái cấp vốn cho các dự án công trình có tác động lan toả để hỗ trợ cho các khu vực kinh tế trọng điểm, cũng như hỗ trợ tăng trưởng từ nay đến cuối năm".

Ngoài chính sách tài khóa, Việt Nam sẽ tập trung rà soát nhằm phát huy mọi dư địa tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm.

Nỗ lực vượt thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng - ảnh 2

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 2/7. Ảnh VGP

Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng: "Ngành công nghiệp chủ động thực hiện hoặc tham gia vào quá trình phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới. Tiếp tục triển khai mạnh Chương trình kích cầu du lịch nội địa, khẩn trương đưa Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động; phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường trong nước. Thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tranh thủ, khai thác tối đa cơ hội, lợi ích của các Hiệp định thương mại tự do đã ký. Chủ động thúc đẩy các FTA với các đối tác quan trọng, có lợi cho an ninh và phát triển đất nước".

Chủ động từ các đầu tàu kinh tế

Trong bức tranh phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam 6 tháng qua, các đầu tàu kinh tế như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… ghi dấu ấn rất quan trọng. Các tỉnh, thành này đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để nhanh chóng bước vào trạng thái bình thường mới, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội cho 6 tháng cuối năm. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết: "Hà Nội đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm để chỉ đạo, điều hành, phấn đấu tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng của cả nước; thu đủ ngân sách theo dự toán Chính phủ giao…Hà Nội cắt giảm thêm 5% chi thường xuyên, khởi công một số công trình lớn, có sức lan tỏa trên địa bàn. Thành phố cũng sẽ chuẩn bị từ 10 đến 15 khu vực để bố trí khu bán hàng, mời doanh nghiệp các tỉnh có mặt hàng nông, lâm, thủy/hải sản tới bán hàng và miễn toàn bộ phí thuê gian hàng để kích cầu tiêu dùng nội địa".

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, thành phố quyết tâm cao nhất để đạt các mục tiêu phát triển, vì sự chậm lại của thành phố sẽ tác động trực tiếp đến kết quả tăng trưởng chung của cả nước. 

"Thành phố kiên trì theo đuổi nhiệm vụ kép để giữ vững phát triển kinh tế. Trình Hội đồng nhân dân thành phố điều chỉnh chương trình kích cầu đầu tư, nâng mức lãi suất hỗ trợ cho mỗi dự án từ 100 tỷ lên 200 tỷ, đẩy mạnh thu hút đầu tư giữa các thành phần kinh tế trong nước mà trước hết là đầu tư tư nhân, tận dụng cơ hội hiệp định EVFTA để tăng xuất khẩu phần mềm. Thành phố xác định thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và đặt mục tiêu hết tháng 10, tỷ lệ giải ngân phải trên 80% kế hoạch" - ông Nguyễn Thành Phong nói.

6 tháng đầu năm, Việt Nam đã thành công trong khống chế dịch Covid - 19 và phục hồi kinh tế. Những động lực quan trọng này cùng với sự quyết tâm trong 6 tháng cuối năm, hy vọng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đạt thành quả tốt hơn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu