Ưu đãi và chăm sóc người có công luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy ngày 27/7 là ngày Thương binh - Liệt sĩ. Trong hơn 70 năm qua, hệ thống pháp luật, chính sách ưu đãi người có công được triển khai toàn diện, không chỉ thể hiện sự đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người có công mà còn góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước.
Cùng với các hoạt động bề nổi như thăm hỏi, động viên, trao quà tình nghĩa cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng trong dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ 27/7, thời gian qua hệ thống pháp luật, chính sách về người có công luôn từng bước được hoàn thiện. Đối tượng chính sách và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng từng bước được mở rộng, tiến tới đảm bảo quyền lợi xứng đáng với những gì họ đã đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước
Chính sách, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng không chỉ mang tính chính trị, kinh tế, xã hội, mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Theo Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, trong hơn 10 năm trở lại đây, việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về ưu đãi người có công luôn được chú trọng, đã có trên 100 văn bản được ban hành của cơ quan hành chính Nhà nước dưới các dạng Nghị định, Quyết định, Thông tư. Đến nay, có 12 diện đối tượng người có công được quy định tại Pháp lệnh người có công. Toàn quốc đã xác nhận trên 9 triệu người có công, trong đó có trên 1,2 triệu liệt sỹ, 127.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 800.000 thương binh....
Ảnh minh họa : qdnd
|
Việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các chính sách, pháp luật ưu đãi người có công sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa,” đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của toàn xã hội đối với công tác này. Hiện, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xúc tiến sửa đổi Pháp lệnh người có công một cách toàn diện, quy định rõ hơn về đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi, không để sót đối tượng; kết hợp việc bố trí tăng ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công với cách mạng.
Trao đổi với báo chí, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục người có công, cho biết: Bộ lao động đã hoàn thiện hồ sơ, đăng website chính phủ, đăng cổng thông tin điện tử của Bộ, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Điểm mới của pháp lệnh lần này là từng điều quy định về điều kiện tiêu chuẩn và các chế độ ưu đãi, đặc biệt chuẩn hóa lại điều kiện xác nhận người có công để phù hợp với điều kiện hiện nay. Năm nay Chính phủ cũng ban hành Nghị định điều chỉnh trợ cấp cho người có công với cách mạng, thực hiện từ 1/7/2019 và Nghị quyết số 46 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện hỗ trợ đối với người có công còn khó khăn về nhà ở. Những chính sách này tiếp tục thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, nhà nước đối với người có công.
Đảm bảo quyền lợi cho người có công
Theo Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, cần thêm nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nhằm góp phần chăm sóc ngày càng tốt hơn người có công với cách mạng và gia đình họ. Với phương châm trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công và chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh ở cấp tỉnh trên cả nước. Qua hơn 3 năm triển khai, cả nước đã rà soát, xem xét trên 6.000 hồ sơ tồn đọng, qua đó xác nhận hơn 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh. Dịp kỷ niệm 27/7 năm nay, Bộ lao động, thương binh và xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công cho gần 500 liệt sĩ. Cục trưởng Cục người có công Đào Ngọc Lợi cho biết: Hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ trưởng, chúng tôi tiếp tục rà soát hồ sơ tồn đọng ở các cấp, các ngành và mở rộng tới cấp huyện, xã. Khó khăn nhất là hồ sơ rất phức tạp. Các giấy tờ liên quan và các thông tin của nhân chứng rất hạn chế. Do vậy tổ công tác phối hợp rất chặt chẽ với các địa phương để nắm tình hình cũng như là rà soát các thông tin trong hồ sơ, thông tin trong nhân dân, của các lão thành cách mạng, và các lãnh đạo địa phương.
Chính sách người có công là một trong những chính sách quan trọng nhất của Đảng và Nhà nước. Ngành lao động, thương binh và xã hội phấn đấu đến năm 2020 sẽ giải quyết cơ bản số hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng, thực hiện được mục tiêu 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Những nỗ lực này chính là hành động thiết thực nhất, ý nghĩa nhất của thế hệ đi sau đối với sự hy sinh to lớn của anh hùng liệt sĩ, các thương binh đã cống hiến vì độc lập, tự do của Tổ quốc hôm nay.