Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Lê Phương
Chia sẻ

(VOV5) - Một yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước là nguồn nhân lực phải có sức khỏe và tiếp thu nhanh kiến thức khoa học, công nghệ mới, có kỹ năng làm việc trong môi trường công nghệ, kỹ thuật ngày càng đổi mới và phát triển. Phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 giải pháp đột phá chiến lược góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh nguồn nhân lực và phát triển kinh tế xã hội.

 

(VOV5) - Một yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước là nguồn nhân lực phải có sức khỏe và tiếp thu nhanh kiến thức khoa học, công nghệ mới, có kỹ năng làm việc trong môi trường công nghệ, kỹ thuật ngày càng đổi mới và phát triển. Phát triển nguồn nhân lực là một trong ba giải pháp đột phá chiến lược góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh nguồn nhân lực và phát triển kinh tế xã hội. 

 Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - ảnh 1
Ngành than Việt Nam cần có một đội ngũ công nhân trình độ caođể tiếp thu những công nghệ mới. - Ảnh: nld.com.vn


Ngành công nghiệp than Việt Nam được xem là một ngành mũi nhọn trong định hướng phát triển công nghiệp của Việt Nam, than được mệnh danh là “lương thực của nền công nghiệp”. Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam hiện có khoảng 138.000 cán bộ công nhân, trong đó chủ yếu là công nhân mỏ làm việc tại Quảng Ninh, với số lượng khoảng 113.000 người. Những công nhân này đều có trình độ bậc 3, bậc 4 trở lên và được trang bị những kiến thức chuyện môn để phục vụ công việc, đảm bảo hạn chế rủi ro trong quá trình khai thác. Với sự phát triển mạnh mẽ và nhu cầu tiêu thụ than lớn như hiện nay, trong tương lai ngành than Việt Nam có kế hoạch mở rộng theo hướng sản xuất, khai thác than, điện hầm lò, khống chế khí độc, vận tải, khí hóa than… Điều này đặt ra yêu cầu phải có một đội ngũ công nhân có trình độ cao hơn để tiếp thu những công nghệ mới, phục vụ yêu cầu phát triển ngành. Tiến sỹ Lê Thành Hà, Phó Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, cho rằng: Muốn xây dựng được đội ngũ công nhân mỏ đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành thì đòi hỏi đầu tiên là phải nâng cao chất lượng những trường dạy nghề của Tập đoàn than khoáng sản nói riêng cũng như của ngành than khoáng sản nói chung. Muốn nâng cao được trình độ công nhân thì phải nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên dạy nghề, trang bị thêm các giáo cụ. Giáo cụ ở đây là những máy móc lớn, máy xúc có công suất lớn… để cho học viên tiếp xúc ngay được với công nghệ mới và khi ra trường, vào hầm mỏ họ có thể làm được ngay. Máy móc mới công suất cao, hiện đại hơn cần phải có tay nghề, kiến thức và các kỹ năng điều khiển những máy móc mới đó. Cho nên vai trò của công nhân kỹ thuật bậc cao là rất quan trọng và đây là hướng mà ngành than nói riêng và các trường đào tạo công nhân kỹ thuật nói chung cần phải hướng đến.

 

Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa 10, đã xác định: “Trí thức hóa công nhân là một nhiệm vụ chiến lược; cần xây dựng thế hệ công nhân trẻ có học vấn chuyên môn và kỹ năng nghề cao”. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng trong tiến trình đưa Việt Nam hội nhập với sự phát triển chung của thế giới. Hiện nay, khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi một đội ngũ nhân lực trình độ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật và công nghệ thông tin. Tại Việt Nam, những năm gần đây, nhóm ngành này nhận được nhiều sự đầu tư từ Nhà nước và Chính phủ. Trong đó phải kể tới việc thành lập trường Đại học FPT theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, trường Đại học FPT đã đào tạo cho thị trường lao động một đội ngũ chuyên viên, lập trình viên trẻ, có trình độ chuyên môn cao. Đây là cơ sở được nhận danh hiệu Trường đại học đào tạo công nghệ thông tin thành công nhất năm 2012 do hội, hiệp hội công nghệ thông tin Việt Nam (ICT) trao tặng. Phó Hiệu trưởng trường Đại học FPT, ông Nguyễn Xuân Phong cho biết: Chúng tôi xây dựng các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế bằng tiếng Anh, đồng thời gắn kết chặt chẽ các chương trình đào tạo cũng như hoạt động với doanh nghiệp, mời các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tham gia giảng dạy, đặc biệt là tham gia giảng dạy những môn mang tính thực hành cao hoặc những môn đòi hỏi kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn. Chúng tôi cũng có chương trình đưa toàn bộ sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp trong thời gian từ 4 đến 8 tháng, nhờ đó, sinh viên FPT ra trường có đủ kiến thức, kỹ năng theo chuẩn quốc tế, đồng thời có những kinh nghiệm thực tế làm việc trong các doanh nghiệp cũng như kinh nghiệm làm những dự án thực. Như vậy sẽ đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài.

 

Hiện nay, bên cạnh các hệ đào tạo trung cấp, cao đẳng, chính quy, tại Việt Nam có khoảng trên 1300 trường dạy nghề. Trước yêu cầu phát triển thời kỳ mới của đất nước, chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở dạy nghề càng được chú trọng hơn bao giờ hết bởi đây là nơi cung cấp một số lượng lớn nguồn nhân lực cho thị trường lao động. Do đó, mục tiêu tổng quát trong chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020, nằm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt năm 2012 nêu rõ:“Đến năm 2020, dạy nghề đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”. Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết: Việt Nam có số lượng lao động trẻ đông, nhưng lao động trình độ cao chưa nhiều. Vì vậy, Chính phủ đã có một chiến lược về dạy nghề và trong đó có quan tâm đến dạy nghề cho thanh niên để tạo điều kiện cho thanh niên dễ tìm việc làm và tìm việc làm có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn hiện nay. Trong quá trình đào tạo này có sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nơi đào tạo. Đặc biệt là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đào tạo người lao động ngay tại đơn vị đó để người lao động được nâng cao tay nghề, nâng cao kỹ năng nghề, đáp ứng được nhu cầu lao động mà đơn vị, doanh nghiệp yêu cầu cũng như yêu cầu phát triển chung của đất nước về nhu cầu nâng cao kỹ năng nghề cho đội ngũ lao động, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta. 

 

Lực lượng lao động Việt Nam hiện nay được các chuyên gia quốc tế và khu vực đánh giá là rất năng động, học hỏi nhanh, có khả năng bắt kịp trình độ thế giới ở một số lĩnh vực nghề nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi và cũng là ưu điểm mà đội ngũ công nhân Việt Nam thời kỳ mới sẽ tiếp tục duy trì và phát huy để đảm bảo yêu cầu phát triển của đất nước./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu