Liệu thỏa thuận ngừng bắn Nga-Mỹ có đem lại hòa bình cho Syria?

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) -  Ngày 22/2), sau rất nhiều nỗ lực, Mỹ và Nga công bố thỏa thuận ngừng bắn tại Syria và thỏa thuận này chính thức có hiệu lực từ ngày 27/2 tới. Dư luận quốc tế đã gọi thỏa thuận ngừng bắn này là một “tín hiệu hy vọng” mới, mở đường cho  quá trình chuyển giao chính trị, thành lập một chính phủ đáp ứng được nguyện vọng của người dân Syria.

(VOV5) -  Ngày 22/2), sau rất nhiều nỗ lực, Mỹ và Nga công bố thỏa thuận ngừng bắn tại Syria và thỏa thuận này chính thức có hiệu lực từ ngày 27/2 tới. Dư luận quốc tế đã gọi thỏa thuận ngừng bắn này là một “tín hiệu hy vọng” mới, mở đường cho  quá trình chuyển giao chính trị, thành lập một chính phủ đáp ứng được nguyện vọng của người dân Syria.

Liệu thỏa thuận ngừng bắn Nga-Mỹ có đem lại hòa bình cho Syria? - ảnh 1
Tổng thống Nga Vladimir Puti nói rằng thỏa thuận ngừng bắn giúp ngắn chặn đổ máu ở Syria


Theo thỏa thuận, thời điểm chấm dứt chiến sự bắt đầu lúc 00:00 (giờ Damascus) ngày 27/2/2016, tuy nhiên không bao gồm các hoạt động chống khủng bố. Các hoạt động quân sự khác như cuộc không kích của Syria, Nga và liên minh do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, al-Nusra Front và các nhóm khủng bố do Liên Hiệp Quốc chỉ định vẫn sẽ được tiến hành. Theo thỏa thuận, Moscow và Washington cũng thiết lập một đường dây nóng để trao đổi thông tin về Syria. Các bên tham gia chiến đấu ở Syria phải đưa ra quan điểm đồng tình hay không đồng tình với thảo thuận giữa Nga và Mỹ, muộn nhất là vào ngày 26/2.

 

Nhiều cơ hội hòa bình cho Syria đã bị bỏ lỡ

Thỏa thuận ngừng bắn đưa ra chỉ một ngày sau khi những kẻ thánh chiến gây ra một loạt vụ nổ bom gần Damacus, khiến 134 người, hầu hết là dân thường, thiệt mạng. 5 năm qua, quốc gia này chìm trong hỗn loạn. Bằng chứng là các cuộc đánh bom dường như xảy ra hàng ngày và không ngày nào con số người thương vong không ngừng được cập nhật trên các phương tiện truyền thông quốc tế.

 

Thời gian qua, tuy đã có nhiều nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn tại Syria, nhưng các nỗ lực này đều thất bại. Mới đây nhất là thỏa thuận đạt được giữa 17 quốc gia trong nhóm quốc tế ủng hộ Syria, bao gồm cả Mỹ và Nga. Có nhiều lý do để các thỏa thuận này không được thực thi. Các nhóm nổi dậy tại Syria luôn hoài nghi về các thỏa thuận. Trong khi lực lượng quân đội tự do Syria, lực lượng chống Chính phủ và hiện được phương Tây hậu thuẫn, nêu lí do các cuộc không kích chống IS của Nga tại Syria vẫn tiếp tục thì nhiều nhóm khác khẳng định chỉ ngừng giao tranh khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực.

 

Trong khi đó, Tổng thống Assad một mặt lên tiếng ủng hộ đàm phán hòa bình cũng như các giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria, song cam kết sẽ giành lại quyền kiểm soát đất nước và kiểm soát toàn vẹn lãnh thổ Syria là mục tiêu mà chính quyền Damascus luôn hướng tới. Vì vậy, việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn cho Syria không hề đơn giản. Thậm chí, giữa các nước vẫn tồn tại những bất đồng chưa thể hóa giải. Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn giữ nguyên định kiến về các cuộc không kích của Nga tại Syria cũng như tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

 

Bài toán khó

Hiện, vẫn chưa có phản ứng tức thời nào từ Damascus về thỏa thuận ngừng bắn vừa được công bố, ngoài việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố cuộc bầu cử quốc hội nước này sẽ diễn ra ngày 13/4 tới. Các nhóm đối lập chính ở Syria thì cho biết họ “đồng ý có phản ứng tích cực với những nỗ lực quốc tế nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn”. Trong khi đó, Mỹ và Nga tích cực các hoạt động ngoại giao con thoi mong tìm một thỏa thuận ngừng bắn thật sự cho Syria. Mỹ và Nga đang xúc tiến đưa các điều khoản trong thỏa thuận ra bàn với các nước liên quan đến nội chiến Syria. Theo đó, Nga bàn về thỏa thuận này với chính phủ Syria và Iran, trong khi đó Mỹ chịu trách nhiệm bàn với phe đối lập và các nước thuộc Nhóm quốc tế hành động vì Syria. Sau đó, hai bên nhất trí các chi tiết cuối cùng của thỏa thuận trước khi nó được thực hiện.

 

Tuy nhiên, dù lạc quan về khả năng thỏa thuận ngừng bắn tạm thời này sẽ được các bên nghiêm túc thực hiện nhưng Mỹ vẫn bảo lưu quan điểm sẽ không có một giải pháp chính trị nào giải quyết hiệu quả nội chiến Syria nếu ông Bashar al-Assad quyết giữ ghế tổng thống. Một trở ngại lớn nữa có thể cản trở thỏa thuận ngừng bắn được thực thi, theo các nhà phân tích, là làm sao đạt được thống nhất giữa Mỹ và Nga về những nhóm nào ở Syria bị coi là "khủng bố". Lâu nay, các quan chức Mỹ tố 70% các cuộc không kích Nga nhằm vào những nhóm nổi dậy ôn hòa, một vài trong số này được Mỹ hậu thuẫn. Nhưng Nga luôn bác bỏ và cho rằng tất cả các cuộc không kích của họ đều nhằm vào những kẻ khủng bố.

 

Vì vậy, tìm kiếm một giải pháp chính trị tại Syria vẫn sẽ là một bài toán khó trong thời điểm hiện nay. Hàng loạt vụ đánh bom đẫm máu vừa xảy ra ở Syria có lẽ là hồi chuông cảnh báo cho tất cả các bên đang tham gia vào cuộc nội chiến Syria rằng đã đến lúc phải dẹp bỏ những lợi ích, toan tính để thiết lập một nền hòa bình thực sự ở Syria. “Liệu thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được có đem lại hòa bình cho Syria?” là điều dư luận đang quan tâm.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu