Bình minh của hòa bình Syria nhen nhóm?

Hùng Cường
Chia sẻ
(VOV5) - Trước thềm cuộc đàm phán, dường như những bất đồng giữa các bên liên quan đã được thu hẹp phần nào và điều này nhen lên hy vọng chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài suốt gần 5 năm qua tại Syria.
(VOV5) - Vòng đàm phán do quốc tế làm trung gian giữa chính phủ Syria và phe đối lập dự kiến diễn ra ngày 25/1, tại Geneva, Thụy Sĩ, song bị lùi lại đến ngày 29/01 do các bên chưa đi đến thống nhất về một số vấn đề. Tuy nhiên, trước thềm cuộc đàm phán, dường như những bất đồng giữa các bên liên quan đã được thu hẹp phần nào và điều này nhen lên hy vọng chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài suốt gần 5 năm qua tại Syria.

Bình minh của hòa bình Syria nhen nhóm? - ảnh 1
Quân Chính phủ Syria hiện diện ở thị trấn Salma(Ảnh: Getty)


Trước thềm đàm phán hòa bình, quân Chính phủ Syria giành lợi thế lớn

Trong bối cảnh cuộc đàm phán tìm kiếm hòa bình cho Syria do Liên hợp quốc bảo trợ chuẩn bị diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, quân đội Chính phủ Syria cùng với các dân quân địa phương giành được quyền kiểm soát thị trấn Rabia sau khi giao tranh ác liệt với quân nổi dậy. Đây là chiến thắng có ý nghĩa chiến lược của lực lượng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad chỉ trong chưa đầy 2 tuần, sau khi tái chiếm thị trấn Salma từ lực lượng phiến quân hôm 12/1. Theo giới chuyên gia phân tích Rabia nằm ở ngã tư của tuyến đường vận chuyển chính trong khu vực. Bằng cách kiểm soát con đường này, quân đội Syria có thể ngăn chặn phong trào nổi dậy hướng tới phía Nam. Và từ đó quân đội sẽ sử dụng Rabia như “bàn đạp” để khởi động chiến dịch trên mặt đất, đánh vào các thị trấn đang bị phiến quân nổi dậy chiếm giữ ở phía Đông tỉnh Idlib.

 

Trong khi đó, báo cáo của Đài quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cho biết, chiến thắng này của quân Chính phủ Syria có sự hỗ trợ đắc lực từ các cuộc không kích của máy bay Nga. Kể từ ngày 30/9/2015, Nga bắt đầu chiến dịch không kích các căn cứ của lực lượng khủng bố ở Syria theo yêu cầu của Chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Theo Bộ Quốc phòng Nga, từ đó đến nay, máy bay Nga đã thực hiện hơn 5.600 phi vụ dội bom và bắn gần 100 quả tên lửa hành trình từ các tàu chiến nhằm vào các mục tiêu khủng bố ở Syria. Sự can thiệp của Nga đã làm đảo ngược thế trận, giúp quân đội Syria giành được lợi thế đáng kể trên thực địa, trong đó có Latakia (một tỉnh phía Tây Syria), qua đó nâng cao vị thế của Tổng thống Assad.

 

Bất đồng vẫn tồn tại



Cuộc đàm phán hòa bình Syria được lên kế hoạch tổ chức ngày 25/1 nhưng đã bị hoãn lại do các bên vẫn chưa thể thống nhất về việc ai sẽ đại diện cho các đoàn đại biểu đối lập. Theo quan điểm của Đức, cuộc đàm phán bao gồm cả các phiến quân Hồi giáo, tuy nhiên thành phần này sẽ không phải “những kẻ khủng bố cực đoan”. Trong khi đó, Ủy ban đàm phán cấp cao của liên minh do Saudi Arabia đứng đầu, cho biết đã gửi danh sách 3 đại biểu tham gia đàm phán. Tuy nhiên, danh sách này bị chỉ trích mạnh mẽ vì đề tên Mohamed Alloush, lãnh đạo của nhóm nổi dậy Quân đội Hồi giáo làm trưởng đoàn. Chính phủ Syria vẫn thường xuyên cho rằng Quân đội Hồi giáo và một số nhóm vũ trang khác là “khủng bố”, lực lượng mà họ không bao giờ đàm phán. Bên cạnh đó, Chính phủ Syria kêu gọi mở rộng thành phần đại diện của phe đối lập cho các nhóm vũ trang người Kurd. Phía Nga cũng lên tiếng bác bỏ đề xuất của Saudi Arabia và yêu cầu cuộc đàm phán phải có sự tham dự của cựu phó Thủ tướng Syria Qadri Jamil cũng như lãnh đạo lực lượng người Kurd ở Syria.


Hy vọng được nhen nhóm

Cho đến thời điểm này, dường như một sự thỏa hiệp đã đạt được, theo đó, hai đoàn đại biểu đối lập riêng biệt có thể tham dự hội nghị hòa bình ở Geneva, Thụy Sĩ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định đến nay các bên đạt đồng thuận cao về việc ngay sau khi hoàn thành vòng đầu tiên của cuộc đàm phán hòa bình Syria, nhóm hỗ trợ quốc tế Syria được triệu tập bởi không ai muốn tiến trình này bị gián đoạn. Tuy nhiên, ông Kerry cũng thừa nhận những thách thức vẫn còn đang ở phía trước. Việc tìm lời giải cho bài toán Syria không hề đơn giản và sẽ cần rất nhiều thời gian.

Một vấn đề khác được cho là có ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình hòa bình Syria, đó là tương lai của Tổng thống Assad. Đây không phải là vấn đề mới nhưng tiếp tục là đề tài gây tranh cãi giữa Nga và Mỹ. Trong khi những diễn biến trên chiến trường là lời khẳng định mạnh mẽ nhất cho lập trường của Moscow về tương lai chính trị của ông Assad thì Mỹ vẫn tiếp tục giữ quan điểm cuộc chiến ở Syria không thể kết thúc bởi vì ông Assad chẳng khác nào thỏi nam châm thu hút khủng bố, bạo lực và các chiến binh thánh chiến, những người sẽ tiếp tục chiến đấu nếu ông ấy còn tại vị. Tuy nhiên, trong một nỗ lực được cho là để tìm kiếm sự thỏa hiệp, Mỹ đã không còn nêu yêu cầu buộc ông Assad phải ra đi như một điều kiện tiên quyết của quá trình chuyển đổi chính trị ở Syria.


Những diễn biến trên có thể được coi là tia hy vọng cùng với những nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng quốc tế giải quyết xung đột ở Syria. Hơn ai hết, người dân Syria chính là những người đang mòn mỏi ngóng trông “buổi bình minh của hòa bình” trên đất nước vốn đã chìm trong “đêm tối của chiến tranh” suốt gần 5 năm qua.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu