Đối đầu Nga - Mỹ ở Syria

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) -  Những ngày gần đây, Mỹ và phương Tây liên tục cáo buộc Nga đang xây dựng một trung tâm quân sự ở Syria.

(VOV5) -  Những ngày gần đây, Mỹ và phương Tây liên tục cáo buộc Nga đang xây dựng một trung tâm quân sự ở Syria.

Trong khi đó, Nga cũng lần đầu tiên thừa nhận chưa bao giờ che giấu sự hiện diện quân sự tại quốc gia Trung Đông này. Syria thực sự đã trở thành một mặt trận đối đầu mới giữa Nga và Mỹ.


Đối đầu Nga - Mỹ ở Syria - ảnh 1
Các tay súng đối lập tại mặt trận ở khu vực al-Zahra, ngoại ô phía tây bắc Aleppo ngày 24/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/9, Mỹ tiếp tục chỉ trích Nga đã triển khai nhiều xe tăng đến một sân bay ở Syria, nhằm giúp chính quyền nước này chống lại tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trước đó, Lầu Năm Góc Mỹ xác nhận qua phân tích các hình ảnh vệ tinh cho thấy đã có ít nhất 7 máy bay vận tải khổng lồ Condor của Nga đã cất cánh từ Nga tới Syria, đi qua không phận Iran và Iraq. Ngoài ra có khoảng 6 xe tăng T-90, 15 pháo bức kích, 35 xe bọc thép, 200 lính thủy đánh bộ đã hiện diện tại một sân bay gần thành phố Latakia, thành trì của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Giới chức Mỹ cho rằng động thái này của Moscow là một phần của chiến dịch leo thang quân sự nhằm thiết lập một căn cứ quân sự chiến lược tại Syria.

Vết rạn mới trong quan hệ Mỹ-Nga

Mặc dù Mỹ liên tục hối thúc các nước gần Syria như Iraq và Iran cấm không cho Nga bay qua không phận, song dường như các yêu cầu này từ Washington bị các nước ngó lơ. Chuyến bay mới đây nhất của Nga hạ cánh an toàn tới Syria chở hơn 80 tấn hàng viện trợ nhân đạo cần thiết cho việc thiết lập một trại tị nạn ở đây, cho thấy dường như tiếng nói của Mỹ đang rơi vào hư không. Về phần mình, bất chấp những cáo buộc liên tiếp từ phía Washington, Moscow tuyên bố việc hỗ trợ quân sự cho chính quyền Damas là hoạt động bình thường, được thực hiện dựa trên hợp đồng đã ký kết từ nhiều năm nay giữa 2 nước. Trong khi đó, chính Syria cũng lên tiếng bác bỏ những cáo buộc của Mỹ về Nga là bịa đặt.

Thực tế, sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria đã có từ lâu. Từ năm 1971, Nga đã thuê một căn cứ hải quân nhỏ tại thành phố cảng Tartus của Syria và cho đến nay, đây là căn cứ hải quân duy nhất của Moscow trên bờ Địa Trung Hải. Hồi đầu năm, Mỹ và phương Tây không khỏi lo ngại khi Tổng thống Assad tuyên bố Nga có thể xây dựng một căn cứ quân sự lớn hơn ở Tartus.

Nga là quốc gia thân cận nhất với chính quyền của Tổng thống Assad trong thời kỳ đầy biến động của nước này suốt 4 năm rưỡi qua, khi chính quyền Syria phải đối mặt với phong trào nổi dậy đối lập và cả những tổ chức khủng bố. Vì vậy, hỗ trợ Syria trong cuộc chiến chống phiến quân IS đang hoành hành ở nước này thông qua hỗ trợ lực lượng quân sự, khí tài, là một phần trong kế hoạch hợp tác quân sự lâu dài Moscow và Damascus. Tuy nhiên, dưới quan điểm của Mỹ, bất cứ nỗ lực nào nhằm hỗ trợ cho chính quyền B.Assad cũng đều có thể gây ra bất ổn và rõ ràng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc can thiệp quân sự dưới vỏ bọc đẩy lùi IS.

Một liên quân chống IS mới do Nga đứng đầu sắp hình thành?

Lâu nay, Nga và Mỹ vẫn bất đồng sâu sắc về vấn đề Syria. Trong khi Nga ủng hộ chính phủ Syria và cung cấp vũ khí cho nước này thì Mỹ lại muốn loại bỏ Tổng thống B. Assad. Nhưng 4 năm đã trôi qua mà cuộc chiến ở Syria vẫn không có dấu hiệu kết thúc đã cho thấy sự bất cập của các cường quốc trong việc chấm dứt tình trạng bạo lực ở nước này. Đến nay, chính sách của Mỹ và phương Tây hòng lật đổ chính quyền B.Assad đã thất bại hoàn toàn mặc dù đã áp dụng đủ biện pháp trừng phạt kinh tế, không kích, huấn luyện lực lượng phe nổi dậy. Từ khi bắt đầu nổ ra nội chiến năm 2011, các cuộc xung đột ở Syria đã giết chết ít nhất 240.000 người. Bên cạnh đó, chính quyết tâm hạ bệ chính quyền B.Assad bằng được của Mỹ và phương Tây đã trở thành một trong những nguồn gốc gây nên cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II ở Syria. Hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Việc can thiệp quá sâu vào tình hình Trung Đông đã tạo ra một khu vực đầy bất ổn ngay sau lưng châu Âu. Nguy hiểm hơn, giờ đây người ta khó lòng phân biệt được đâu là lực lượng nổi dậy chống chính quyền, đâu là lực lượng IS ở Syria.

Mới đây, tại Diễn đàn Kinh tế Vladivostok, Moscow đã đề xuất thành lập một liên quân quốc tế mới chống IS, thay thế cho liên quân hiện nay do Mỹ dẫn đầu. Liên quân do Nga đề nghị sẽ bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Saudi, Jordan và nhất là có sự tham gia của chính quyền Damascus. Trong bối cảnh đó, việc Nga hỗ trợ mạnh tay cho Chính phủ Syria những ngày qua có thể là bước khởi đầu cần thiết để hình thành một liên quân chống IS hiệu quả ở nước này. 

Theo giới phân tích nhận định, sự hiện diện của Nga ở Syria sẽ không giúp đánh bại IS, nhưng có thể giúp bảo vệ chính quyền của ông BAssad, đồng thời giúp Moscow có thêm trường ảnh hưởng tại Trung Đông. Trong khi đó, Mỹ ngày càng tỏ ra yếu thế hơn trong cuộc đua thể hiện vị thế ở khu vực này. Việc chấp nhận sự tham gia của Nga vào cuộc chiến tại Syria không khác nào thừa nhận rằng nỗ lực lật đổ chính quyền ông BAssad của Washington đã thất bại. Vì vậy, sẽ khó có sự bắt tay hợp tác giữa hai cường quốc đối đầu nhau trong cuộc chiến chống IS tại Syria trong thời gian tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu