Nhanh chóng khôi phục thị trường lao động là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2021 của Chính phủ Việt Nam để khôi phục sản xuất. Đây cũng là điều kiện để các doanh nghiệp sớm đạt 100% công suất, tạo thuận lợi cho sự phục hồi của nền kinh tế.
Dịch COVID -19 đã khiến 1,3 triệu lao động dịch chuyển từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh.
Lao động đang quay trở lại, sản xuất dần ổn định
Những ngày gần đây, lao động đang dần quay trở lại một số tỉnh, thành. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước cho biết, trong tháng 10/2021, khoảng 70% người lao động trên địa bàn tỉnh đã quay lại làm việc. Nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn công nhân.
Tại khu công nghệ cao Quận 9, TP Hồ Chí Minh, số công nhân quay trở lại làm việc cũng đạt khoảng 70%, dự kiến đến tháng 11 sẽ có thể trở lại 100%. Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp Thành phố HCM, cho biết:TPHCM có 18 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao, với hơn 320 ngàn lao động, 1.500 nhà máy. Hiện, 91% các doanh nghiệp của 18 khu đã hoạt động lại trong điều kiện bình thường mới – trong điều kiện sống chung với dịch. Và 70% lao động đã trở lại làm việc, tức là khoảng 200 ngàn lao động đã trở lại. Tất cả lao động trở lại TpHCM đều được tiêm vaccine mũi 2.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: VOV |
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu, hiện các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trên địa bàn đã phục hồi sản xuất và không xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động: Các doanh nghiệp sử dụng lao động ngoài tỉnh chủ yếu không thiếu nhiều lao động, chỉ khoảng 4-5%. Những ngày tới số lao động này (ở Cẩm Mỹ, Đồng Nai) sẽ quay lại. Hiện số doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã phục hồi sản xuất, ổn định 100%.
Tại tỉnh Bắc Giang, đến thời điểm này, kinh tế - xã hội của tỉnh đã hồi phục đạt mức độ tương đương và cao hơn trước thời điểm dịch bùng phát. Đến nay, toàn bộ các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã hoạt động trở lại. Trong 6 khu công nghiệp đã có 385 doanh nghiệp đang hoạt động với gần 192.000 lao động (tăng 23 doanh nghiệp và trên 41.000 lao động so với thời điểm trước khi bùng phát dịch COVD-19); đặc biệt, các doanh nghiệp quy mô lớn phục hồi sản xuất nhanh, đã sử dụng lao động ở mức tương đương, thậm chí nhiều hơn lao động so thời điểm trước dịch.
Tạo mọi điều kiện đón người lao động
Để khôi phục lại chuỗi lao động bị đứt gãy, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết đang xây dựng 2 phương án cung ứng lao động qua đào tạo, góp phần bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thời kỳ hậu COVID-19: Để giúp các doanh nghiệp cấp tốc có được nguồn lao động kịp thời, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp dự kiến 2 phương án. Phương án thứ nhất là đưa học sinh, sinh viên đi thực tập, thực hành tại doanh nghiệp. Phương án thứ 2 là đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiêp. Cả hai phương án đều có thể huy động được số lượng học sinh, sinh viên tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nếu có nhu cầu. Nó cũng tăng cường kết nối nhà trường và doanh nghiệp, tạo điều kiện để học sinh, sinh viên của các trường tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với các quy định về tổ chức đào tạo.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Leoch Battery (Việt Nam), Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước. Ảnh minh họa: baobinhphuoc.com.vn |
Trong khi đó, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết: với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, đơn vị sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, tạo hiệu quả trong việc kết nối doanh nghiệp và người lao động: Có thể cuối tháng 10 và tháng 11, khi dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, chúng tôi sẽ đề xuất tổ chức các phiên chuyên đề, gắn với một số lĩnh vực, ngành nghề đã bị ảnh hưởng trong thời gian dịch bệnh, kể cả nhóm lao động tự do và lao động thuộc khu vực phi chính thức. Bên cạnh đó, cùng với một số địa phương và thành phố sẽ tổ chức những phiên giao dịch việc làm lưu động tại từng địa bàn theo khu vực, phần nào hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là dấu hiệu phục hồi sau thời gian giãn cách, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sau làn sóng người lao động về quê, hiện tại, nhiều người đã bắt đầu quay trở lại làm việc. Trong thời gian tới, với việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng, đảm bảo an sinh xã hội, tạo những điều kiện thuận lợi, thì số người lao động quay trở lại thị trường sẽ nhiều hơn, tạo thuận lợi cho sự phục hồi của nền kinh tế.