Tăng cường các giải pháp khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế

Hồng Vân (tổng hợp)
Chia sẻ
(VOV5) - Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XIII (4 - 6/10), Trung ương đã nhất trí kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

Việt Nam đang ghi nhận những tín hiệu tích cực trong việc giảm đà lây lan từ đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch COVID - 19. Đây là thời điểm Việt Nam có thể bắt tay nhanh chóng vào khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế. Một loạt chỉ đạo mang tính định hướng của các cấp lãnh đạo được đưa ra trong những ngày qua cho thấy quyết tâm rất lớn của Việt Nam trong việc lấy lại đà tăng trưởng.

Tăng cường các giải pháp khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - ảnh 1Quang cảnh Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, sáng 4-10-2021. Ảnh: TTXVN   

Đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất

Trong Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID -19” do Chính phủ vừa ban hành ngày 11/10/2021, Chính phủ đặt mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.

Theo đó, các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID -19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; đảm bảo hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội.

Tăng cường các giải pháp khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - ảnh 2Ảnh minh họa: toquoc.vn

Chính phủ đã phân loại 4 cấp độ dịch: nguy cơ thấp (bình thường mới), nguy cơ trung bình, nguy cơ cao, nguy cơ rất cao. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự quyết định chuyển đổi cấp độ dịch trên địa bàn quản lý. Tùy theo từng cấp độ dịch ở địa phương, các hoạt động kinh doanh được mở lại tương ứng, trong đó có giao thông công cộng bằng đường bộ, đường sát, đường thủy nội địa và hàng hải.

Riêng với hoạt động lưu thông vận chuyển nội tỉnh, liên tỉnh đều được hoạt động ở cả 4 cấp độ, nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải.

Cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ đều được hoạt động ở cả 4 cấp độ dịch, song phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Nghị quyết cũng nêu rõ các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn cũng được hoạt động ở cả 4 cấp độ dịch trên cơ sở có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, riêng vùng nguy cơ rất cao phải hạn chế hoạt động.

Trước đó, phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 (ngày 2/10), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ: “Các địa phương căn cứ vào các quy định hiện hành, tình hình cụ thể tại địa phương để mà xem xét việc mở cửa, nhất là những nơi có vùng xanh thì phải mở ra nhưng kiểm soát làm sao cho tốt để nhân dân được sản xuất, nhân dân được đi lại, còn ngoài vùng xanh thì lại phải có kiểm soát về y tế theo quy định. Điều này phải rất linh hoạt”.

Không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới

Tại Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XIII (4 - 6/10), Trung ương đã nhất trí kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể. Trên cơ sở kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2022 và chủ trương, định hướng phòng, chống dịch trong tình hình mới, các đại biểu tham sự Hội nghị nhấn mạnh việc phải kịp thời điều chỉnh chính sách tài chính - tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, lao động, nhất là ở các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân. Cùng với đó là tháo gỡ các nút thắt và điểm nghẽn cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp đang bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19, như: Thương mại, dịch vụ, hàng không, du lịch,...để thích ứng với trạng thái bình thường mới, tạo nền tảng cho giai đoạn phục hồi các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp này từ năm 2022 trở đi. Trung ương cũng khẳng định không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Về phía các địa phương, nhiều hoạt động kinh tế cũng đã được tái khởi động. Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) vừa phát động Chương trình “Khôi phục du lịch nội địa khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19" . Từ ngày 10/10, các hãng hàng không trong nước cũng đã  khai thác trở lại đường bay nội địa. Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận định: “Việc khai thác thị trường du lịch nội địa trong bối cảnh du lịch quốc tế chưa được khơi thông là một hướng ưu tiên, là 1 cơ hội rất tốt. Về sản phẩm với tài nguyên du lịch, có thể triển khai loại hình du lịch sinh thái, du lịch thiên nhiên, du lịch biển, nông nghiệp, cộng đồng là những mô hình rất phù hợp với nhu cầu của du khách”.

Đại dịch COVID-19 không chỉ là thách thức, trong khó khăn, các doanh nghiệp, và người dân đã và sẽ tạo ra cơ hội để phát triển đất nước. Thực tế Việt Nam đang từng bước tận dụng những cơ hội này để khôi phục lại đà tăng trưởng trong thời gian tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu