Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) lần thứ 12 tổ chức tại Brussels trong 2 ngày 18-19/10, với sự tham dự của những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ của 51 quốc gia thành viên. Với chủ đề "Châu Á và Châu Âu: Quan hệ đối tác toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu", các nhà lãnh đạo trao đổi về các cơ hội và thách thức mà 2 châu lục phải đối mặt trong một thế giới đang biến đổi nhanh chóng và phức tạp và đưa ra các định hướng lớn nhằm tăng cường đối thoại, hợp tác và kết nối Á-Âu ứng phó với các thách thức chung.
Ảnh minh họa: Đức Anh/VOV5 |
ASEM lần thứ 12 diễn ra trong bối cảnh các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt hơn và tình hình thế giới đầy những khó lường. Hội nghị năm nay hướng đến mục tiêu đề ra biện pháp nhằm phát huy vai trò ASEM trong việc thúc đẩy hợp tác đa phương, kết nối Á - Âu và đề cao luật pháp quốc tế nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.
ASEM - 22 năm hình thành, phát triển
Chính thức ra đời năm 1996, sau 22 năm, ASEM đã trở thành một cơ chế đối thoại và hợp tác hàng đầu, có quy mô lớn nhất nhằm tạo dựng mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa châu Á và châu Âu cũng như tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai châu lục.
Cơ chế hoạt động của ASEM gồm Hội nghị Cấp cao, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, 10 kênh Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành điều phối hoạt động trong các lĩnh vực và Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM). Mục tiêu của ASEM là tạo dựng "mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa Á - Âu vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn" và “tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng”.
Sự lớn mạnh nhanh chóng của ASEM từ chỗ 26 thành viên ban đầu lên tới 53 thành viên hiện nay, trong đó chủ yếu là các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) cùng Ban Thư ký ASEAN và Ủy ban châu Âu, đã khẳng định sức hấp dẫn, tiềm năng hợp tác cũng như vị thế ngày càng gia tăng của ASEM. Những đóng góp hiệu quả của ASEM trong thời gian qua đối với các vấn đề quan tâm chung của khu vực và quốc tế đã đóng góp đáng kể vào các nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy hợp tác phục hồi kinh tế, hướng tới tăng trưởng bền vững, cân bằng, đồng đều, bảo đảm thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững cũng như ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Năng động và gắn kết hơn trước những thách thức mới
Tuy nhiên, cũng như nhiều định chế hợp tác khác trên thế giới, lãnh đạo các nước ASEM đang đứng trước thách thức phải chứng tỏ cơ chế hợp tác này vẫn hiệu quả, trong bối cảnh cả 2 châu lục phải đối mặt trong một thế giới đang biến đổi nhanh chóng và phức tạp. Hàng loạt vấn đề quan trọng với châu Âu và châu Á được thảo luận tại Diễn đàn này. Từ các hồ sơ an ninh lớn như hạt nhân Triều Tiên, vấn đề hạt nhân Iran, đến các triển vọng hợp tác kinh tế Á-Âu. Tuy nhiên, tăng cường hợp tác và nối kết Âu-Á trong bối cảnh xu thế bảo hộ mậu dịch gia tăng có lẽ là thách thức hàng đầu của thượng đỉnh ASEM lần này.
Khung cảnh nổi bật của thượng đỉnh ASEM lần thứ 12 này là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khởi sự từ vài tháng nay, với quyết định tăng thuế nhập khẩu song phương, với tổng số hàng trăm tỉ đô la hàng hóa. Do vậy, bảo vệ định chế Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là ưu tiên tại hội nghị lần này. Điều đáng mừng, đây là điều mà các nước châu Âu và châu Á đều có chung quyền lợi, cho rằng WTO vẫn là định chế duy nhất có sức sống, có khả năng mang lại một cơ chế dựa trên luật pháp để xử lý các tranh chấp thương mại toàn cầu.
Ngoài nhấn mạnh cam kết chung với thương mại rộng mở, tự do, ASEM còn đặt mục tiêu ưu tiên thúc đẩy kết nối và phát triển bao trùm, ủng hộ các hệ thống đa phương và hợp tác trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran, cuộc chiến chống khủng bố, an ninh biển, vấn đề di dân…Ủy Ban Châu Âu mới đây vừa công bố một thông cáo làm rõ chiến lược mới kết nối giữa Châu âu và Châu á xác lập một khuôn khổ cho phép Liên Hiệp Châu Âu thúc đẩy các dự án kết nối khu vực với các quốc gia châu Á trong nhiều lĩnh vực, như giao thông vận tải, năng lượng đến kinh tế kỹ thuật số. Điều này khẳng định quyết tâm của các nước Á-Âu trong chiến lược kết nối hai khu vực, hướng tới sự năng động và gắn kết hơn của cơ chế hợp tác này trong thời gian tới.