Thúc đẩy quan hệ song phương, đa phương Việt Nam- Châu Âu

Nguồn BNG/ Ánh Huyền BT
Chia sẻ
(VOV5) -EU luôn là một trong những nhà tài trợ lớn cho Việt Nam (EU là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang có chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM) lần thứ 12 tại Brussel, Bỉ, dự Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và các Mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) và thăm chính thức Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Đan Mạch, thăm làm việc tại Liên minh châu Âu (EU). Chuyến công tác tại châu Âu của Thủ tướng nhằm tạo ra những điểm nhấn, động lực quan trọng thúc đẩy các quan hệ song phương tại châu Âu, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam

Chuyến thăm, làm việc tại châu Âu theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Cộng hòa Áo Sebastian Kurz, Thủ tướng Vương Quốc Bỉ Charles Michel, Thủ tướng Vương quốc Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen.

Thúc đẩy hợp tác đa phương.

Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 12 (ASEM 12) có chủ đề “Châu Á và Châu Âu: Quan hệ đối tác toàn cầu nhằm ứng phó với với các thách thức toàn cầu”.

Từ năm 1996, qua hơn 2 thập kỷ tham gia ASEM, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm, ghi những dấu mốc ý nghĩa trong chặng đường phát triển của ASEM. Việt Nam tham gia đề xuất thúc đẩy hai lần mở rộng ASEM (ASEM 5 năm 2004 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 năm 2009); cùng các thành viên thông qua nhiều văn kiện và quyết định quan trọng mang tính định hướng trong tiến trình hợp tác ASEM như “Tuyên bố Hà Nội về Quan hệ Đối tác Kinh tế ASEM chặt chẽ hơn”, “Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh”, “Khuyến nghị về cải tiến phương thức hoạt động ASEM” (năm 2004).

Đến nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực của Diễn đàn với đề xuất 24 sáng kiến và đồng bảo trợ 27 sáng kiến về những lĩnh vực thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân như: Văn hóa, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, tăng trưởng xanh, an sinh xã hội, tăng trưởng bao trùm, kinh tế số…Việt Nam là một trong những nước đi đầu khởi xướng và duy trì cơ chế hợp tác đầu tiên trong ASEM về quản lý nguồn nước là “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững”, trong đó tập trung hợp tác tiểu vùng các nước ven sông Mekong - Danube).

Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và các Mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) diễn ra tại Copenhaghen (Đan Mạch). Hội nghị lần này sẽ đề ra tầm nhìn, định hướng lớn, các biện pháp, hành động cụ thể về thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.

Đẩy mạnh các hợp các song phương

Bên cạnh dự 2 hội nghị quốc tế, Thủ tướng sẽ thăm chính thức Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Đan Mạch, thăm làm việc tại EU nhằm đẩy mạnh hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và EU. 

Với Cộng hòa Áo, quan hệ giữa Việt Nam với Áo không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là thương mại song phương giữa hai nước phát triển tích cực những năm gần đây. Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt hơn 4 tỷ USD (tăng 42% so với năm 2016) và Áo trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam ở châu Âu.

Đối với Bỉ, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/3/1973. Quan hệ hai nước phát triển tích cực sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và trong các khuôn khổ hợp tác ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp (liên bang, vùng và cộng đồng). Đối với Đan Mạch, năm 2018 là năm kỷ niệm 5 năm (2013-2018) hai nước Việt Nam - Đan mạch thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Hai bên phối hợp chặt chẽ, hiệu quả các diễn đàn đa phương, nhất là Liên Hợp Quốc, ASEM, ASEAN - EU. Trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, Đan Mạch là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam với mức tài trợ lên tới 40 triệu USD cho “Chương trình thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu” (Hai bên đã ký Hiệp định hợp tác vào tháng 12/2008 tại Hà Nội).

Trong khi đó, quan hệ Việt Nam-EU đang phát triển hết sức tích cực. Năm 2017, EU là đối tác thương mại lớn ba (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Hoa Kỳ) của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt khoảng 50,46 tỷ USD, (tăng 11,9% so với năm 2016). EU luôn là một trong những nhà tài trợ lớn cho Việt Nam (EU là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất).

Trong bối cảnh đó, Chuyến công tác tại châu Âu của Thủ tướng không chỉ nhằm thúc đẩy các quan hệ song phương tại châu Âu, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, mà còn thể hiện vai trò tích cực của Việt Nam vào việc đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, tham gia hiệu quả, đóng góp giải quyết các thách thức toàn cầu tại các tổ chức đa phương.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu