Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn: đưa hợp tác 3 bên lên một tầm cao mới

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Hội nghị mở ra một cấp độ mới trong quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật - Hàn, đặt nền tảng cho sự hợp tác ba bên rộng hơn, sâu hơn và dày đặc hơn trong thời gian tới.

Hôm nay (18/8), tại trại David ở bang Maryland (Hoa Kỳ), diễn ra Hội nghị thượng đỉnh 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn. Đây là Hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên được tổ chức độc lập thay vì bên lề các sự kiện ngoại giao đa phương. Giới quan sát nhận định Hội nghị mở ra một cấp độ mới trong quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật - Hàn, đặt nền tảng cho sự hợp tác ba bên rộng hơn, sâu hơn và dày đặc hơn trong thời gian tới.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn:  đưa hợp tác 3 bên lên một tầm cao mới - ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong lịch sử, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã 12 lần tổ chức các cuộc gặp ba bên, bắt đầu từ Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào năm 1994. Tuy nhiên, các cuộc gặp đó đều diễn ra bên lề các sự kiện ngoại giao đa phương. Hội nghị thượng đỉnh tại trại David lần này là lần đầu tiên cuộc họp ba bên trở thành một sự kiện độc lập.

Thời điểm phù hợp

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng với người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Biden chào đón các nhà lãnh đạo nước ngoài đến Trại David, dinh thự đồng quê của Tổng thống Mỹ, kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2021.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn:  đưa hợp tác 3 bên lên một tầm cao mới - ảnh 2Điều phối viên phụ trách truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia, John Kirby. Ảnh: Reuters

Hội nghị được tổ chức theo đề xuất của Tổng thống Joe Biden khi 3 nhà lãnh đạo gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Nhật Bản hồi tháng 5 năm nay. Khi đó, 3 nhà lãnh đạo đã nhất trí đưa hợp tác 3 bên lên "cấp độ mới", tăng cường hợp tác chiến lược trước cái gọi là "mối đe dọa hạt nhân và tên lửa" của CHDCND Triều Tiên cũng như thúc đẩy một trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên luật lệ.

Giới phân tích cho rằng hội nghị diễn ra vào thời điểm phù hợp khi Hàn Quốc và Nhật Bản đã bình thường hóa trở lại quan hệ hợp tác song phương hồi đầu năm nay, tháo gỡ những bất đồng về lãnh thổ và lịch sử vốn ảnh hưởng đến quan hệ an ninh và thương mại. Ngoài ra, lãnh đạo 3 nước có quan điểm tương đồng về nhiều vấn đề ở khu vực Đông Bắc Á; đều đã đưa ra chiến lược riêng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bộ ba nhận thức được rằng sự liên minh, liên kết thật sự chặt chẽ và tin cậy sẽ là tiền đề thuận lợi nhất để hiện thực hóa thành công những mưu tính chiến lược trong thời gian tới.

Đặt nền tảng cho sự hợp tác sâu rộng

Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo thảo luận những vấn đề ưu tiên mà ba nước quan tâm, như: an ninh kinh tế, công nghệ mới nổi, hỗ trợ nhân đạo và các chương trình phát triển; đề cập đến cách thức nhằm “thể chế hóa hơn nữa” cơ chế khung về hợp tác an ninh giữa ba nước. Cơ chế này đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì an ninh và ổn định trong và ngoài khu vực châu Á.

Theo Điều phối viên phụ trách truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia, John Kirby, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn sẽ nâng quan hệ  hợp tác ba bên lên tầm cao mới. Trong khi đó, Điều phối viên Nhà Trắng phụ trách khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kurt Campbell nhìn nhận hội nghị nhằm đưa ra những sáng kiến đầy tham vọng để duy trì đà tiến triển trong quan hệ giữa ba đồng minh. Ông Kurt Campbell nêu rõ mục tiêu chính của hội nghị thượng đỉnh độc lập đầu tiên giữa ba quốc gia tại Trại David là làm cho hợp tác ba bên "rộng hơn, sâu hơn, dày đặc hơn".

Về phía đồng minh của Mỹ, trao đổi với báo giới cuối tuần trước, Phó cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Tae Hyo nhấn mạnh: Tham vấn ba bên giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản sẽ có một bản sắc riêng, rõ ràng, với tư cách một cơ quan hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, phát biểu trước khi lên đường tới Mỹ ngày 17/8, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định khi các chuẩn mực quốc tế được xây dựng dựa trên tự do và cởi mở đang bị lung lay, mối quan hệ song phương của Nhật Bản với Mỹ và Hàn Quốc, đang ở mức mạnh nhất, sẽ là nền tảng của cơ hội lịch sử để củng cố mối quan hệ chiến lược giữa ba nước.

Trại David, dinh thự đồng quê của Tổng thống Mỹ, là nơi từng diễn ra nhiều sự kiện nổi bật, như: các cuộc đàm phán lịch sử trong thời kỳ chiến tranh Thế giới thứ hai giữa lãnh đạo Mỹ và Anh hoặc đàm phán hòa bình giữa lãnh đạo Israel và các nước láng giềng Arab…. Và dư luận Mỹ, Nhật, Hàn tin rằng Trại David sẽ được ghi nhận như địa điểm lịch sử ngoại giao thế kỷ XXI, mở ra một chương mới cho hợp tác ba bên, đưa hợp tác Mỹ - Nhật – Hàn lên một tầm cao mới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu