Chuyến công du đầu tiên đến nước Mỹ của ông Rishi Sunak trên cương vị Thủ tướng Anh hôm giữa tuần qua (7-8/6) đã thu được kết quả đáng chú ý khi 2 bên ký tuyên bố Đại Tây Dương. Tuyên bố không chỉ định hình hợp tác kinh tế giữa 2 quốc gia trong thời gian tới mà còn là minh chứng cho thấy quan hệ Anh - Mỹ đang nồng ấm trở lại sau 1 thời gian dài bị ảnh hưởng bởi chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump và quá trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Mỹ đang là đối tác thương mại lớn nhất của Anh (chiếm tới 16,3% tổng giao dịch ngoại thương). Ngược lại, Anh là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ. Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Anh và Mỹ năm ngoái đạt là gần 280 tỷ bảng (tương đương 350 tỷ USD).
Những thỏa thuận kinh tế nhỏ
Với Tuyên bố Đại Tây Dương, Anh và Mỹ nhất trí thúc đẩy quan hệ thương mại trong các lĩnh vực chủ chốt, như: trí tuệ nhân tạo (AI), viễn thông 5G và 6G, máy tính lượng tử, chất bán dẫn và công nghệ sinh học, với cam kết nới lỏng những rào cản bảo hộ, thắt chặt hơn nữa quan hệ quốc phòng và hợp tác trong bảo vệ dữ liệu. Ngoài ra, được coi là một nhượng bộ của Mỹ, nội dung Tuyên bố Đại Tây Dương cũng đề cập đến việc giảm thiểu tác động của Luật giảm lạm phát được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành tháng 8 năm ngoái. Thông qua một thỏa thuận về khoáng sản quan trọng, Mỹ cho phép các nhà sản xuất ô tô điện của Anh sử dụng pin do Anh sản xuất hoặc sản phẩm có nguồn gốc từ các quốc gia mà Mỹ có thỏa thuận về khoáng sản quan trọng, được hưởng khoản tín dụng thuế trị giá 3.750 USD/xe, giúp chuỗi cung ứng xe điện của Anh được hưởng lợi. Bên cạnh đó, Tổng thống J.Biden cũng cam kết yêu cầu Thượng viện Mỹ phê duyệt Anh là "nguồn nội địa" theo Luật mua sắm quốc phòng của Mỹ, giúp thúc đẩy hợp tác nhanh và hiệu quả hơn về công nghệ quân sự giữa hai nước.
Theo giới phân tích, Tuyên bố Đại Tây Dương không khác gì một loạt thỏa thuận kinh tế nhỏ. Tuy nhiên, tính biểu tượng của tuyên bố này rất quan trọng. Thủ tướng Anh Sunak đã ca ngợi Tuyên bố này là “quan hệ đối tác kinh tế mới cho một thời đại mới, một loại hình chưa từng có trước đây”. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định thỏa thuận này sẽ mang lại lợi ích cho các công ty của Anh, đáp ứng những cơ hội và thách thức cụ thể mà đất nước này phải đối mặt ở hiện tại và trong tương lai.
Cơ hội làm mới mối quan hệ đặc biệt
Tuyên bố Đại Tây Dương được nhìn nhận là thỏa thuận mang tính bước ngoặt, đưa Anh vào quỹ đạo kinh tế của Mỹ và đánh dấu sự hồi sinh quan hệ song phương sau nhiều sóng gió. Tuyên bố được đưa ra sau khi Anh từ bỏ hy vọng về một thỏa thuận thương mại tự do toàn diện với Mỹ. Theo các quan chức Anh, cách tiếp cận mới này nhằm phản ứng tốt hơn trước những thách thức kinh tế toàn cầu. Nhìn chung, giới quan sát tại Anh đánh giá khá tích cực về “Tuyên bố Đại Tây Dương” mà ông Rishi Sunak có được sau chuyến thăm Mỹ, coi đây là một thắng lợi về đối ngoại của chính phủ Anh.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: The Guardian |
Tất nhiên, cũng có những chỉ trích gay gắt từ phía các đảng đối lập tại Anh về việc “Tuyên bố Đại Tây Dương” không đủ sức nặng kinh tế, chính trị, không xứng tầm với quan hệ đồng minh truyền thống đặc biệt giữa Anh và Mỹ. Tuy nhiên, vào thời điểm mà mọi chính sách của chính quyền Mỹ hiện nay đều được xây dựng trên cơ sở đặt lợi ích của Mỹ trên hết thì việc Anh được trao cho những đặc quyền nhất định trong quan hệ kinh tế với Mỹ cũng có thể xem là một điều không dễ dàng có được; cho thấy Mỹ vẫn rất coi trọng quan hệ với Anh trong tương quan với nhiều đồng minh khác của Mỹ.
Kết quả của chuyến thăm Mỹ cũng khẳng định tuyên bố của Thủ tướng Anh R.Sunak rằng: mối quan hệ Anh - Mỹ là quan hệ đồng minh không thể thiếu khi hai nước cùng chia sẻ niềm tin, theo đuổi cùng mục đích và hành động cùng lý tưởng. Mỹ là đồng minh thân cận nhất của Anh và hai nước là đối tác ưu tiên hàng đầu của nhau trong mọi lĩnh vực, từ bảo đảm an ninh cho người dân đến phát triển kinh tế. Nhà lãnh đạo Anh tin tưởng bằng cách kết hợp các nguồn lực kinh tế rộng lớn và chia sẻ chuyên môn, hai nước sẽ phát triển kinh tế, tạo ra việc làm và bảo đảm an toàn lâu dài cho người dân. Trong khi đó, Tổng thống J.Biden khẳng định mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước đang thực sự tốt đẹp và không có quốc gia nào gần gũi với Mỹ hơn Anh.
Quan hệ đồng minh Anh – Mỹ từng trải qua sóng gió dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump và quá trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Song giờ đây, với kết quả chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Anh R.Sunak, Washington và London đã chứng minh rằng mối quan hệ Mỹ - Anh vẫn mạnh mẽ, sẽ có những bước phát triển mới trong một thế giới đang ngày càng nhiều biến động.