Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Với sự ra đời của các văn bản trên, Nhà nước đã tạo ra một công cụ pháp lý về thực hiện dân chủ ở cơ sở, trao cho nhân dân ở cơ sở những quyền dân chủ thực sự.

Trên nghị trường Quốc hội, hôm nay, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây là lần đầu tiên, dự Luật được trình trước Quốc hội để các đại biểu thảo luận, cho ý kiến một cách tổng thể, toàn diện, góp phần hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Ở Việt Nam, ước vọng về dân chủ và thực hiện dân chủ được thể hiện rõ trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là tư tưởng về một nền dân chủ đích thực, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, xem dân chủ như là phương cách hữu hiệu để đem lại tự do, hạnh phúc, cơm ăn, áo mặc cho người dân, đem lại sự phát triển phồn vinh và ổn định cho đất nước…Tiếp nối tư tưởng của Người, Đảng cộng sản Việt Nam cũng luôn nhất quán quan điểm về việc xây dựng chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa và đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân.

Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở - ảnh 1Quang cảnh phiên họp sáng 31/5. Ảnh: quochoi.vn

Không ngừng hoàn thiện pháp luật dân chủ ở cơ sở

Cụ thể hóa những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, các bản Hiến pháp của Việt Nam đều theo xu hướng đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ luật pháp để thực thi trong thực tế về quyền dân chủ của nhân dân, nhằm đảm bảo việc thực hành dân chủ ở cơ sở ngày càng tốt hơn. Trên cơ sở của Hiến pháp, Bộ Chính trị, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các Chỉ thị, Pháp lệnh, Nghị quyết, Nghị định về việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cụ thể là ở xã, phường, thị trấn, khẳng định phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Với sự ra đời của các văn bản trên, Nhà nước đã tạo ra một công cụ pháp lý về thực hiện dân chủ ở cơ sở, trao cho nhân dân ở cơ sở những quyền dân chủ thực sự, như: quyền được biết các nội dung liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân ở cơ sở; quyền được bàn và quyết định trực tiếp, bàn và biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định đối với những vấn đề quan trọng của địa phương; quyền giám sát đối với tất cả các nội dung mà nhân dân được công khai để biết, được tham gia ý kiến và quyết định trực tiếp…

Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở - ảnh 2Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: "Các văn bản nêu trên đã quy định tương đối đầy đủ các nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị - xã hội."

Tuy nhiên trước những yêu cầu của hội nhập và đổi mới mạnh mẽ các lĩnh vực của đời sống xã hội, việc xây dựng một đạo luật về dân chủ ở cơ sở với phạm vi rộng hơn, đối tượng điều chỉnh cụ thể hơn và hiệu lực đối với các thiết chế dân chủ ngày càng phù hợp là cần thiết để bảo đảm cho các thiết chế dân chủ được thực hiện hiệu quả trên thực tế.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng: "Ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân” với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và “thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở” được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng;  tiếp tục cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, trên cơ sở đó góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam."    

Bảo đảm cho các thiết chế dân chủ được thực hiện hiệu quả

Trong dự thảo Luật, phạm vi điều chỉnh được mở rộng khi quy định việc thực hiện dân chủ cơ sở đối với 03 loại hình cơ sở chính, gồm: xã, phường, thị trấn và cộng đồng dân cư trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; doanh nghiệp. Dự thảo bổ sung nhiều quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở như quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm.

Về thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết:  Dự thảo Luật mở rộng phạm vi công khai thông tin ở cấp xã phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật hiện hành; đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã, bổ sung một số hình thức mới như đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử; thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân;; mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; quy định về sáng kiến đề xuất của Nhân dân;

Trong thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện tại doanh nghiệp; quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục người lao động kiểm tra và người lao động giám sát.

Phát huy dân chủ là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với tiến trình phát triển đất nước. Việc Quốc hội tập trung thảo luận dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng, góp phần cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu