Giỗ Tổ Hùng Vương vun đắp truyền thống đại đoàn kết dân tộc

Nhóm PV VOV5
Chia sẻ
(VOV5)- Từ hàng nghìn năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương luôn được nhân dân Việt Nam tổ chức thường niên đúng 10/3 Âm lịch. Hoạt động thờ cúng Hùng Vương vì  thế trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hoá của dân tộc.
(VOV5)- Từ hàng nghìn năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương luôn được nhân dân Việt Nam tổ chức thường niên đúng 10/3 Âm lịch. Hoạt động thờ cúng Hùng Vương vì  thế trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hoá của dân tộc. Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương do Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức, với sự tham gia của 4 tỉnh Bắc Ninh, Quảng Bình, Vĩnh Long và Long An, kết nối sự tham gia của cộng đồng, vun đắp truyền thống đoàn kết của dân tộc.

Giỗ Tổ Hùng Vương vun đắp truyền thống đại đoàn kết dân tộc - ảnh 1

Giỗ Tổ là hoạt động chính của Lễ hội Đền Hùng năm 2014, hướng đến việc tuyên truyền, quảng bá rộng rãi di sản “Hát Xoan ở Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”. Hoạt động trọng tâm là lễ dâng hương đúng ngày hôm nay, 10-3 Âm lịch. Trước đó, ngày 6-3 Âm lịch, Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm 2014 thay mặt đồng bào cả nước thành kính tổ chức Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, người sinh thành ra cộng đồng dân tộc Việt, có công mở mang bờ cõi, khởi dựng cơ đồ, giúp nhân dân trồng lúa nước, chăn tằm, dệt vải, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Người dân, chủ thể của hoạt động thờ cúng vua Hùng
Các nghi lễ và hoạt động văn hoá trong ngày Giỗ Tổ nói riêng và Lễ hội Đền Hùng nói chung diễn ra trong không gian rộng lớn. Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng năm Giáp Ngọ 2014, cho biết: Lễ hội chủ yếu là tại Khu di tích Lễ hội Đền Hùng và thành phố Việt Trì. Việc tổ chức Lễ hội Đền Hùng, chúng tôi tập trung cho việc thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trong đó tạo điều kiện cho người dân tham gia nhiều hơn trong việc giỗ Tổ, nhất là tổ chức rước kiệu của nhân dân về Đền Hùng để dâng lên vua Hùng. Các hoạt động văn hóa văn nghệ sẽ trải dài từ thành phố Việt Trì lên đền Hùng.

Theo ông Hà Kế San, Lễ hội đền Hùng càng ngày càng được xã hội hóa, theo đó Nhà nước chủ yếu là xây dựng chương trình, hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự, môi trường thuận lợi cho để người dân, chủ thể của lễ hội, thực hành các nghi thức tưởng nhớ Vua Hùng. Lễ hội đền Hùng cũng không chỉ diễn ra ở khu vực di tích Đền Hùng, Phú Thọ mà còn diễn ra ở những nơi có di tích thờ cúng Vua Hùng trên địa bàn cả nước. Cùng với việc nhân dân Phú Thọ thay mặt nhân dân cả nước thực hành những nghi lễ thờ cúng vua Hùng, nghi lễ giỗ Tổ năm nay còn có sự tham gia của nhân dân các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Bình, Vĩnh Long và Long An. Đặc biệt, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm nào cũng có đoàn đại biểu tham gia lễ Giỗ Tổ các vua Hùng.

Vun đắp truyền thống đại đoàn kết dân tộc
Việc có ngày Giỗ Tổ và thực hành thờ cúng Hùng Vương ngay từ giai đoạn sơ khai của lịch sử dựng nước và giữ nước, cho đến nay, đã chứng tỏ dân tộc Việt Nam sớm có ý thức về cội nguồn và liên tục bồi đắp, trao truyền các giá trị văn hoá, tinh thần của dân tộc, trong đó có truyền thống đại đoàn kết, thông qua các hoạt động này. Tiếp nối truyền thống của dân tộc, hàng triệu người Việt Nam đã hội tụ về đền Hùng mỗi năm để tưởng nhớ tổ tiên, với nghi lễ lớn nhất là Giỗ tổ Hùng Vương diễn ra trong khoảng 1 tuần, kể từ đầu tháng 3 Âm lịch cho đến ngày chính hội là 10/3, như một sự củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong một lễ nghi văn hoá. Bà Tô Thị Tôn, du khách hành hương đến đền Hùng trong mùa lễ hội năm nay, cho biết: Năm nay tôi 70 tuổi, năm nào tôi cùng về giỗ tổ đền Hùng để thắp một nén hương nhớ đến tổ tiên, cội nguồn. Tôi luôn mong muốn đời sau luôn luôn nhớ đến tổ tiên, cội nguồn về thắp hương, giỗ tổ Hùng vương. Vì có Vua Hùng mới có con cháu chúng ta ngày hôm nay, chúng ta phải làm cho giàu có và đây chính là di sản văn hóa của dân tộc.

Giỗ Tổ Hùng Vương và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, ngày 10/3 hằng năm, được gần 90 triệu đồng bào trong nước và 4,5 triệu kiều bào Việt Nam ở nước ngoài cùng chung hướng nguyện tổ chức, với niềm tự hào về những giá trị riêng biệt đã làm nên sức mạnh của dân tộc Việt nam qua bao thời đại. Với  ngày Giỗ Tổ này, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lại tiếp tục được trao truyền, mãi nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ Việt Nam, vun đắp truyền thống đại đoàn kết và các giá trị Việt Nam trong thời đại mới./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu