Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng di cư?

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) vẫn chưa đạt được sự đồng thuận để đưa ra một chiến lược chung nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tồi tệ này.
(VOV5)- Lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) vẫn chưa đạt được sự đồng thuận để đưa ra một chiến lược chung nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tồi tệ này. 

Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng di cư? - ảnh 1
Cảnh sát Hungary đưa những người nhập cư trở lại nơi tập trung ban đầu. Ảnh: AP


Năm 2015, thế giới đã chứng kiến con số kỷ lục những người tị nạn phải chạy trốn khỏi đất nước mình vì bất ổn chính trị, chiến tranh, nghèo đói. Đã có nhiều cuộc họp khẩn, nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng cho đến nay, mọi nỗ lực dường như vẫn chỉ là “muối bỏ bể”. Lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) vẫn chưa đạt được sự đồng thuận để đưa ra một chiến lược chung nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tồi tệ này. 


Theo thống kê, số người nhập cư vào châu Âu trong năm 2015 đã vượt qua mốc 1 triệu người, đặt ra thách thức lớn về kinh tế-xã hội và nhất là mối lo ngại an ninh khi các phần tử khủng bố trà trộn vào dòng người nhập cư. Ước tính của Liên Hợp Quốc, trên toàn thế giới cứ 122 người thì có 1 người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa. Làn sóng người di cư khổng lồ này đã hướng về châu Âu với hy vọng có một cuộc sống tốt hơn, dẫn đến cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất tại lục địa này kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.


Loay hoay với các giải pháp
Năm 2015, châu Âu chao đảo trước làn sóng người nhập cư từ Trung Đông, Bắc Phi đổ về “lục địa già”. Trong bối cảnh các nền kinh tế còn chưa phục hồi sau khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp cao, vấn nạn người nhập cư đã trở thành “họa vô đơn chí”, tạo thêm gánh nặng cho châu Âu không chỉ về kinh tế, mà còn về các vấn đề an ninh, xã hội.


Dòng người di cư tràn qua biên giới các quốc gia cửa ngõ đã khiến nhiều quốc gia bất lực và châu Âu “rối như canh hẹ” trong việc giải quyết. Nhiều nước đã thực thi nhiều biện pháp mạnh để ngăn dòng người di cư tràn vào bằng cả đường thủy và đường bộ như đóng cửa biên giới, dựng hàng rào để ngăn dòng người tị nạn tràn vào. Các cuộc họp bất thường của EU liên tục được tổ chức song cuối cùng vẫn không thể đạt được đồng thuận để giải quyết vấn đề. 


Năm 2015, kế hoạch phân bổ 120.000 người nhập cư theo hạn ngạch lâm vào bế tắc do sự thiếu đồng thuận giữa các quốc gia. Bất đồng trong việc chia sẻ gánh nặng người di cư giữa các quốc gia thành viên khiến cho vấn đề càng gỡ càng rối. Trong khi các nước như Tây Âu như Đức, Pháp, Thụy Điển, sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn thì các nước Đông Âu lại kiên quyết phản đối. Điển hình như Hungary chỉ trích hệ thống phân bổ hạn ngạch này sẽ khuyến khích sư gia tăng di cư tới châu Âu. Những hàng rào thép gai dựng lên để ngăn cản người tị nạn đã trở thành những bức tường ngăn cách các quốc gia trong khu vực, đe dọa sự tồn tại của Hiệp ước Schengen mà 26 quốc gia thành viên đã kí kết. Sự lúng túng của khu vực này càng thể hiện rõ khi Đức, quốc gia đi đầu trong tiếp nhận người tị nạn, cũng phải vội vàng áp dụng các biện pháp cứng rắn bảo vệ biên giới quốc gia, sau vụ khủng bố ở Paris 13/9, mặc dù trước đó từng khiến thế giới cảm kích với những dòng chữ chào đón người tị nạn. 


Những rào cản, bất đồng khó vượt qua
Liên minh EU, một tổ chức vốn được biết đến thống nhất với nhiều giá trị chung đã thực sự bị chia rẽ bởi những dòng người tị nạn. Một nguyên nhân quan trọng khiến các quốc gia khó hòa hợp trong quyết sách, theo các nhà phân tích, đó là vấn đề văn hóa, tôn giáo. Đây là rào cản lớn nhất hiện nay. Bằng chứng là Slovakia tuyên bố chỉ tiếp nhận người nhập cư là Công giáo. Hungary thẳng thừng từ chối tiếp nhận người Hồi giáo, cho rằng bản sắc EU sẽ bị thay đổi bởi số lượng lớn người Hồi giáo nhập cư. Sự kiên quyết không chấp nhận người nhập cư của các quốc gia Đông Âu cũng có thể dễ dàng giải thích trên góc độ văn hóa. Đây vốn là những nước nhỏ, không có quá khứ thuộc địa. Các quốc gia này vốn là những nước đồng nhất về sắc tộc cho nên việc tiếp nhận người tị nạn với nền văn hóa ngoài châu Âu là điều khó vượt qua. Đối với các quốc gia khác trong EU như Đức, Pháp, điều này dễ dàng hơn bởi đây là những quốc gia nổi tiếng đông người nhập cư từ những năm 80 của thế kỷ 20. Chính vì thế, mức độ chấp nhận tính đa dạng văn hóa, đa sắc tộc đối với những quốc gia này dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, 1 rào cản không thể không nhắc đến đó là tâm lý bài Hồi giáo đang lan tràn trong các quốc gia Châu Âu, nhất là kể từ sau vụ khủng bố nước Pháp hôm 13/9/2015. Tâm lý sợ hãi trong dân chúng khiến cho các quốc gia EU càng khó chấp nhận người tị nạn.


Thách thức trong việc gìn giữ những giá trị chung 
Năm 2016, dù mỗi quốc gia Châu Âu đều đã công bố chính sách và kế hoạch tiếp nhận người di cư trong năm, nhưng với những tồn tại vừa phân tích ở trên, EU vẫn khó có thể tìm được đồng thuận để giải quyết để quản lý và kiểm soát tốt hơn cuộc khủng hoảng di dân tồi tệ nhất từ trước tới nay. Trong bối cảnh châu Âu được coi là "miền đất hứa" trong vòng nửa thế kỷ tới, dòng người di cư đổ về châu lục này sẽ là tất yếu. Tổ chức Di cư quốc tế cũng cho rằng rất khó để ước đoán số người tị nạn và di cư tới châu Âu vào năm 2016 khi mà các bên chưa tìm ra biện pháp giải quyết cuộc nội chiến Syria. EU đang đứng trong một thời kỳ hết sức khó khăn. Làm sao để duy trì những giá trị chung mà tổ chức này đã dày công gây dựng, làm sao để EU thực sự “thống nhất trong đa dạng”? Câu trả lời không hề dễ và dư luận đang trông đợi EU sẽ đoàn kết trước phép thử này trong năm 2016.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu