Khủng hoảng người di cư ở Châu Âu

Chia sẻ
(VOV5) - Hôm nay, Hội nghị thượng đỉnh khu vực Tây Balkan khai mạc tại thủ đô Vienna của Áo. Theo kế hoạch và thông lệ của Hội nghị, những người đứng đầu chính phủ, các bộ trưởng và Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) thảo luận sự hợp tác trong khu vực và triển vọng của những nước thuộc Tây Balkan muốn gia nhập EU. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu có nguy cơ làm chệch hướng hội nghị thượng đỉnh lần này. 

(VOV5) - Hôm nay, Hội nghị thượng đỉnh khu vực Tây Balkan khai mạc tại thủ đô Vienna của Áo. Theo kế hoạch và thông lệ của Hội nghị, những người đứng đầu chính phủ, các bộ trưởng và Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) thảo luận sự hợp tác trong khu vực và triển vọng của những nước thuộc Tây Balkan muốn gia nhập EU. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu có nguy cơ làm chệch hướng hội nghị thượng đỉnh lần này. 


Khủng hoảng người di cư ở Châu Âu - ảnh 1

Người di cư trên đảo Kos - Hy Lạp Ảnh: GREEK REPORTER

Những ngày gần đây, châu Âu chao đảo trước làn sóng người nhập cư từ Trung Đông, Bắc Phi và Tây Balkan đổ về “lục địa già” ngày càng nhiều. Trong bối cảnh nền kinh tế còn ốm yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao, vấn nạn người nhập cư đang trở thành “họa vô đơn chí”, tạo thêm gánh nặng cho châu Âu không chỉ về kinh tế, mà còn về các vấn đề an ninh, xã hội.

Cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất

Cuộc khủng hoảng người tị nạn mà châu Âu đang phải đối mặt là nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Theo thống kê của Cơ quan biên giới EU, từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 102.000 người di cư tràn vào EU qua Macedonia, Serbia, Bosnia-Herzegovina, Albania, Montenegro, Kosovo, Hungary, cao hơn nhiều so với con số 8.000 người cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt, Hungary đã thực sự trở thành điểm nóng mới trong cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ qua tại châu Âu, với việc phải tiếp nhận hàng chục ngàn người di cư mỗi ngày. Là một thành viên của khu vực 26 nước Schengen (Hiệp ước về đi lại tự do do một số nước Châu Âu) tự do đi lại mà không cần thị thực, Hungary đang trở thành đích đến số một của người di cư qua các nước vùng Balkan. Theo cảnh sát nước này, từ đầu năm đến nay đã có hơn 140 nghìn người tị nạn vượt qua biên giới Serbia để vào Hungary, gấp hơn ba lần so với con số của cả năm ngoái. Ngày 26/8, căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi cảnh sát nước này phải sử dụng hơi cay để ngăn cản người di cư muốn rời khỏi một trung tâm tiếp nhận người tị nạn gần biên giới với Serbia. Căng thẳng khu vực biên giới buộc chính phủ Hungary điều động thêm lực lượng quân đội hỗ trợ lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ. 

Dòng người tị nạn tràn qua biên giới đã khiến nhiều quốc gia bất lực và châu Âu đang “rối như canh hẹ” trong việc giải quyết vấn đề này. Nhiều nước đã thực thi nhiều biện pháp mạnh để ngăn dòng người di cư tràn vào bằng cả đường thủy và đường bộ. Tuần trước, Macedonia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa biên giới 3 ngày để đối phó dòng người tị nạn tràn vào từ Hy Lạp. Trong khi đó, chính quyền Budapest nhanh chóng hoàn tất dựng hàng rào bằng dây thép gai dài 175 km dọc biên giới với Serbia để ngăn dòng người di cư. 

Vì sao nên nỗi? 

Nguyên nhân khủng hoảng di cư được các nhà phân tích cho là do tình trạng nghèo đói ở các quốc gia Tây Balkan. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của tình trạng nói trên chính là những cơn địa chấn mang tên “Mùa xuân Arab” ở Trung Đông, Bắc Phi, hay các cuộc “Cách mạng hoa nhài” ở một loạt quốc gia như Lybia, Ai Cập, Syria. Các cuộc cách mạng này đã đẩy nhiều nước vào cảnh bạo loạn và tạo nên làn sóng di cư ồ ạt. Làn sóng di cư sang châu Âu tăng vọt trong năm 2014 do những xung đột và bất ổn liên tiếp nổ ra tại Syria, Iraq và một số quốc gia Bắc Phi. Thổ Nhĩ Kỳ phải tiếp nhận gần hai triệu người tị nạn, chủ yếu là người Syria đi tránh chiến sự, trong đó hàng nghìn người đã nhập cư bằng cách vượt biên giới nước này tới Bulgaria và Hy Lạp trái phép. Ngoài Địa Trung Hải là tuyến đường biển nguy hiểm nhất đối với người di cư, trong năm nay, đã có hơn 240 người thiệt mạng ở Biển Đỏ và Vịnh Aden trong số hơn 82 nghìn người di cư qua hành trình này, hầu hết xuất phát từ Ethiopia và Somali để tìm đường đến Yemen, Saudi Arabia hoặc các quốc gia Vùng Vịnh. Bên cạnh đó, các nguyên nhân gốc rễ khác như tình trạng kinh tế sa sút, vi phạm nhân quyền và an ninh tại các quốc gia có đông người di cư đã đẩy họ đến bước đường cùng, khiến họ phải tìm cách tha hương. 

Hệ lụy từ làn sóng nhập cư gia tăng

Vấn nạn di cư đang đặt ra thách thức to lớn cho không chỉ cho mỗi nước mà cả khu vực. Thực tế cho thấy, EU đang cùng lúc đối mặt hai cuộc khủng hoảng. Trong khi cuộc khủng hoảng kinh tế mới chỉ tạm lắng xuống và quả “bom nợ” Hy Lạp chưa hoàn toàn được tháo ngòi nổ, cuộc khủng hoảng nhập cư lại giáng thêm một đòn nặng ký, có thể gây bất ổn kinh tế, xã hội. Thế nhưng dù Đức và Pháp kêu gọi thống nhất lập trường chung trong EU về người tị nạn nhưng cách giải quyết vấn đề này cũng đang khiến nội bộ các nước EU lục đục. Mới đây, EC đã đưa ra một đề xuất gây tranh cãi là các nước thành viên EU phải tiếp nhận người tị nạn theo quy chế phân bổ hạn ngạch. Tuy nhiên, cho đến nay, Anh và một số nước vẫn phản đối kế hoạch này. Trong khi chưa có giải pháp chung, châu Âu vẫn đang giải quyết vấn đề theo kiểu "mạnh ai nấy làm". 

Tại Hội nghị thượng đỉnh Tây Balkan diễn ra hôm nay, nước chủ nhà Áo đề xuất kế hoạch hành động gồm 5 điểm, bao gồm triệt phá các băng nhóm buôn người, phân bổ công bằng hơn hạn ngạch người tị nạn trong khu vực EU, hợp tác an ninh rộng rãi hơn, việc hỗ trợ những nước là điểm xuất phát của dòng người di cư và một "chiến lược tị nạn liên châu Âu." Nhiều nhà phân tích cho rằng với EU bài toán nhập cư không chỉ nan giải ở góc độ kinh tế, việc làm và an ninh, mà còn đặt ra những vấn đề thuộc về thể chế. Tranh cãi cho một giải pháp được cả lý và tình, có lẽ vẫn sẽ là câu chuyện chưa có hồi kết.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu