Châu Âu trước thách thức an ninh nghiêm trọng từ làn sóng di cư

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu đang mức đỉnh điểm khi ngày nào cũng có hàng ngàn người di cư đổ về khu vực biên giới các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
(VOV5) - Cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu đang mức đỉnh điểm khi ngày nào cũng có hàng ngàn người di cư đổ về khu vực biên giới các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Bất ổn cũng bắt đầu xuất hiện khi có hàng loạt cuộc đụng độ bạo lực. Trong lúc này, EU vẫn đang chia rẽ và bất đồng sâu sắc về hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư. Nhưng, nguy hiểm hơn là đã có hàng ngàn chiến binh của tổ chức khủng bố 'Nhà nước Hồi giáo' tự xưng (IS) thâm nhập EU dưới vỏ bọc của những dòng người tị nạn, đặt Châu Âu trước thách thức nghiêm trọng về an ninh.


Châu Âu trước thách thức an ninh nghiêm trọng từ làn sóng di cư - ảnh 1
Người di cư tại bờ biển Ventimiglia, Italy ngày 14-6 sau khi bị từ chối nhập cảnh vào Pháp. (Ảnh: TTXVN)

Các nước châu Âu đang đau đầu với bài toán di cư để ngăn chặn  những thảm kịch có thể xảy ra trên biển và trên sa mạc trong hành trình của người dân một số nước châu Phi mong muốn tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu. Bên cạnh nỗi lo về gánh nặng kinh tế, xã hội, làn sóng người nhập cư cũng đang đặt châu Âu trước những mối lo ngại về an ninh, khi lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lợi dụng xâm nhập vào khu vực.

Khủng bố đội lốt người tị nạn

Theo các nguồn tin tình báo quốc tế, các chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thời gian gần đây đã trà trộn vào dòng người di cư để tới châu Âu. Ước tính hiện có tới 4.000 chiến binh đã có mặt ở khắp các quốc gia thành viên EU. Chúng đã vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó nhờ sự trợ giúp của những kẻ buôn người địa phương để hòa vào dòng người di cư bất hợp pháp. Mục đích của IS là tấn công khủng bố và thiết lập “Vương quốc Hồi giáo” trên khắp thế giới. Trước đó, IS cũng từng đe dọa rằng sẽ khiến châu Âu tràn ngập người tị nạn Hồi giáo hoặc đưa ra tuyên bố sẽ biến đường phố Paris thành nghĩa địa ngập đầy xác chết.

Hiện nay, IS đang kiểm soát nhiều khu vực lớn của Iraq và Syria, mở rộng hoạt động sang Lybia khi các nhóm đối địch ở nước này đấu đá, tranh giành quyền lực. Từ lâu IS đã nung nấu ý định mở rộng mạng lưới hoạt động ở Châu Âu và cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất từ sau Thế chiến thứ hai này là cơ hội “vàng” để IS thâm nhập vào EU. Trong những ngày qua, hàng ngàn người di cư đã đổ về từ biên giới Serbia tới Hungary và rồi di chuyển sang Đức, Áo, Phần Lan. Trong số những người này có nhiều kẻ quá khích đã khơi mào các cuộc biểu tình, tuần hành phản đối chính quyền sở tại. Riêng ở Hungary, cảnh sát đã phải phong tỏa một đoạn đường cao tốc giáp với Serbia vì dòng người nhập cư đã trèo qua các hàng rào chắn để tràn vào con đường dẫn về thủ đô. Nhiều vụ xô xát giữa cảnh sát và người di cư cũng đã xảy ra. Cảnh sát tại khu vực phía Nam Đan Mạch cũng đã phải phong tỏa tuyến đường cao tốc khi các đoàn người di cư nối tiếp nhau tuần hành về phía biên giới với Thụy Điển, quốc gia có chính sách tị nạn khá nới lỏng. Trong dòng người di cư ùn ùn đó, cảnh sát châu Âu thật khó có thể phân biệt được ai là IS và ai là những người tị nạn thông thường. Và việc IS thâm nhập lãnh thổ châu Âu rất có thể là sự khởi đầu cho các hoạt động trả đũa những cuộc không kích mà Mỹ và các đồng minh quân sự châu Âu nhằm vào IS ở Trung Đông.

Châu Âu chia rẽ với vấn đề nhập cư

Nguy cơ các chiến binh IS trà trộn vào làn sóng người tị nạn đã khiến nhiều quốc gia châu Âu siết chặt quy chế tiếp nhận người tị nạn. Các nước EU không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này. Bất đồng và chia rẽ về vấn đề tị nạn và nhập cư ngày càng gay gắt trong EU, đặc biệt là giữa những nước điểm đến với các quốc gia cửa ngõ.

Ngày 9/9, Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch phân bổ 120.000 người tị nạn tại các thành viên EU theo hạn ngạch bắt buộc. Cụ thể, Đức tiếp nhận hơn 31 nghìn người, Pháp 24 nghìn người và Tây Ban Nha gần 15 nghìn người. Nhiều quốc gia khác như Phần Lan, Đan Mạch, cũng có nhiều động thái hỗ trợ, giúp đỡ dòng người di cư. Trong khi đó, nhiều nước châu Âu phản đối, cho rằng không nên có hạn ngạch về người nhập cư mà chỉ nên nhận người tị nạn trên cơ sở tự nguyện. Cộng hòa Czech kiên quyết không ủng hộ kế hoạch phân bổ hạn ngạch bắt buộc này. Hungary chỉ trích Đức khuyến khích dòng người nhập cư lậu tràn vào châu Âu, đồng thời siết chặt kiểm soát biên giới. Nước này cũng tuyên bố ngưng điều xe buýt chở người nhập cư đến biên giới với Áo và nỗ lực hoàn tất dựng hàng rào an ninh tại biên giới với Serbia. Bản thân Áo cũng đang lên kế hoạch chấm dứt việc mở cửa đón người nhập cư mắc kẹt tại Hungary. Anh thì cho rằng vì không tham gia Hiệp ước Schengen (Hiệp ước về tự do đi lại trong EU) nên nước này không liên quan đến kế hoạch phân bổ hạn ngạch người di cư của EU mà sẽ có kế hoạch riêng tiếp nhận người tị nạn. Nhiều nghị sĩ Anh cũng lên tiếng cảnh báo: không để lòng trắc ẩn gây nguy hiểm cho sự an toàn của chính nội khối.

Trong lúc các nước thành viên EU còn đang tranh cãi nảy lửa về hạn ngạch tiếp nhận người di cư, dòng người tị nạn vẫn lũ lượt đổ về Châu Âu, trong đó có cả những chiến binh IS trà trộn. Việc lực lượng IS có mặt khắp châu Âu đang chính là những quả “bom nổ chậm” đe dọa an ninh của toàn khu vực.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu