G20 xây dựng tương lai bền vững, bao trùm

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Đại dịch COVID-19 là cú sốc chưa từng có, ảnh hưởng tới toàn bộ thế giới chỉ trong thời gian ngắn, khiến cho nền kinh tế và xã hội toàn cầu bị thiệt hại nặng nề.

Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa kết thúc sau 2 ngày họp trực tuyến, dưới sự chủ trì của Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud. Với chủ đề “Hiện thực hóa cơ hội của thế kỷ 21 cho tất cả mọi người”, Hội nghị Thượng đỉnh G20 tập trung thảo luận các biện pháp đưa kinh tế thế giới vượt qua những ảnh hưởng sâu rộng bởi dịch COVID-19 và tiếp tục phát triển.

Thời gian qua đã chứng minh G20 không chỉ là diễn đàn của các cam kết chính trị, mà còn là nơi thúc đẩy các sáng kiến hành động thực chất và hiệu quả, với các mục tiêu rõ ràng. Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này tập trung vào việc bảo vệ người dân và hồi phục tăng trưởng để giải quyết những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra cũng như đặt nền tảng cho một tương lai tốt đẹp hơn.

G20 xây dựng tương lai bền vững, bao trùm - ảnh 1  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị G20 theo hình thức trực tuyến - Ảnh TTXVN 

Chia sẻ trách nhiệm chung

Đại dịch COVID-19 là cú sốc chưa từng có, ảnh hưởng tới toàn bộ thế giới chỉ trong thời gian ngắn, khiến cho nền kinh tế và xã hội toàn cầu bị thiệt hại nặng nề. Đại dịch COVID-19 đã kéo lùi thành quả phát triển của thế giới hàng thập kỷ, đẩy hàng chục triệu người rơi vào nghèo đói. Trong bối cảnh đó, G20 càng khẳng định cam kết nỗ lực hết mình vượt qua cuộc khủng hoảng này thông qua hợp tác.

G20 đã thực hiện các biện pháp chưa từng có để hỗ trợ kinh tế các nước thành viên bằng cách dành 11.000 tỷ USD hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cá nhân. Các nhà lãnh đạo G20 cũng khẳng định nỗ lực tạo điều kiện cung cấp vaccine COVID-19 một cách bình đẳng và công bằng cho tất cả mọi người. Cùng lúc đó cũng phải chuẩn bị tốt hơn cho các đại dịch có thể bùng phát trong tương lai. Hội nghị G20 cũng nhất trí mở cửa lại nền kinh tế các nước cũng như mở cửa lại biên giới để tạo điều kiện cho giao thương và đi lại, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển để có thể duy trì được thành quả phát triển của những thập kỷ qua. Hội nghị thượng đỉnh G20 đưa ra kế hoạch về nền kinh tế carbon tuần hoàn, coi đây là một kế hoạch để đạt được mục tiêu về khí hậu và đảm bảo bền vững về năng lượng, tạo ra năng lượng bền vững hơn, sạch hơn, giá cả hợp lý hơn”. Đặc biệt, các nước G20 đã đạt được nhất trí về việc cùng tìm kiếm phương án hỗ trợ di chuyển giữa các quốc gia cho những nhân lực thiết yếu như doanh nhân. 

G20 xây dựng tương lai bền vững, bao trùm - ảnh 2Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, được tổ chức trực tuyến ngày 21/11. - Ảnh: AFP/TTXVN 

Xây dựng tương lai bền vững

Cơ chế hợp tác G20 được thành lập từ năm 1999 sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ Châu Á 1997 – 1998. Thành viên bao gồm: G7 (Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Canada, Italia), BRIC (Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ), Các nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn (Australia, Agentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Nam Phi, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ) và EU. Quy mô của G20 chiếm 2/3 dân số thế giới, 90% GDP toàn cầu và 80% thương mại quốc tế. Hơn 20 năm qua, G20 ngày càng chứng minh là diễn đàn hàng đầu để có thể đối mặt với các thách thức toàn cầu.

Trong bối cảnh, đại dịch COVID-19 trở thành tâm điểm của các diễn đàn toàn cầu, Hội nghị thượng đỉnh G20 đã nhấn mạnh vào các nỗ lực giải quyết tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý suy thoái môi trường, phát triển bền vững…; thúc đẩy thực hiện đúng thời hạn Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; tăng cường hơn nữa trao quyền cho phụ nữ và thanh niên, bao gồm việc nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy phát triển tài chính bao trùm, thu hẹp khoảng cách số.

Với cơ chế hợp tác quy tụ các quốc gia hàng đầu thế giới, G20 đã từng bước chứng minh khả năng và thực lực trong việc trở thành “đầu tàu” dẫn dắt nền kinh tế thế giới, kiến tạo nền tảng phát triển bền vững.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu