Hội nghị Cấp cao lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 27 (APEC 27) diễn ra trực tuyến ngày 20/11, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Malaysia Muhyddin Yassin. Lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, đã thông qua Tuyên bố Putrajaya về Tầm nhìn APEC tới năm 2040. Tuyên bố này đã tạo tiền đề quan trọng để APEC cùng hợp tác, cùng phát triển 2 thập kỷ tới.
Tầm nhìn đến năm 2040 của APEC xác đinh sẽ xây dựng một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai. Các nhà lãnh đạo cam kết tiếp tục thực hiện sứ mệnh của APEC để đạt được Tầm nhìn này thông qua thúc đẩy 3 động lực kinh tế là Thương mại và Đầu tư; Đổi mới và Số hoá; Tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27 tại đầu cầu Hà Nội. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Thống nhất hướng phát triển trọng tâm
Về thương mại và đầu tư, để bảo đảm châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực kinh tế năng động và kết nối nhất thế giới, các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xây dựng một môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, công bằng và ổn định. Các nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định ủng hộ các quy định đã được thống nhất của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) nhằm thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó là việc tiếp tục thúc đẩy các Mục tiêu Bogor và liên kết kinh tế khu vực, trong đó có thực hiện chương trình nghị sự về xây dựng Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), góp phần củng cố các cam kết khu vực theo tiêu chuẩn cao và toàn diện.
Để giúp tất cả người dân và doanh nghiệp tham gia và phát triển trong một nền kinh tế toàn cầu được kết nối chặt chẽ, các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC cam kết sẽ thúc đẩy xây dựng môi trường thuận lợi, trong đó có việc bảo đảm định hướng thị trường và sự phát triển của kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Theo đó, sẽ tăng cường cơ sở hạ tầng số, đẩy nhanh chuyển đổi số, thu hẹp khoảng cách số, đồng thời hợp tác để tạo thuận lợi lưu chuyển dữ liệu và củng cố niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp đối với giao dịch số.
Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC khẳng định sẽ thúc đẩy tăng trưởng có chất lượng, tăng cường phát triển nguồn nhân lực toàn diện nhằm trang bị tốt hơn cho người dân các kỹ năng và tri thức cho tương lai để bảo đảm châu Á-Thái Bình Dương có khả năng chống chịu trước các cú sốc, khủng hoảng, đại dịch và các trường hợp khẩn cấp khác. Các nền kinh tế thành viên cũng sẽ thúc đẩy các chính sách, hợp tác và tăng trưởng kinh tế nhằm hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu trong giải quyết tổng thể mọi thách thức về môi trường vì một hành tinh bền vững.
Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27 diễn ra theo hình thức trực tuyến.
- Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ý kiến: "Trước hết APEC phối hợp hành động kiểm soát dịch COVID - 19 và thúc đẩy liên kết kinh tế bảo đảm các chuỗi cung ứng để châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là đầu tàu trong tiến trình phục hồi kinh tế. Là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã cùng các thành viên ASEAN thực sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ với nhiều đối tác cũng là thành viên của APEC chủ động thích ứng, hành động quyết liệt kịp thời kiểm soát được đại dịch, xử lý các hệ lụy về kinh tế - xã hội và từng bước phục hồi kinh tế, trong đó 15 nước đã ký hiệp định RCEP."
Việt Nam cam kết đồng hành cùng các nền kinh tế thành viên APEC
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ sự cần thiết phải cân bằng giữa hành động ngắn hạn và xử lý các thách thức trung và dài hạn. Vì thế hơn bao giờ hết, APEC cần đề cao tinh thần hợp tác quốc tế và tăng cường hợp tác đa phương. Trên tinh thần đó, tiếp tục thúc đẩy các gói kích thích kinh tế và tạo thuận lợi cho di chuyển thiết yếu của người dân, nhất là các doanh nhân đồng thời bảo đảm khả năng tiếp cận bình đẳng của người dân đối với vaccine và các sản phẩm y tế thiết yếu.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh APEC cần đi đầu đưa châu Á-Thái Bình Dương trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực số, đẩy mạnh kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, khoảng cách số…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Tôi nhất trí Hội nghị thông qua tầm nhìn APEC đến năm 2040. Bằng quyết tâm nỗ lực của mình, và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nền kinh tế thành viên APEC để biến những tầm nhìn và ước vọng thành trái ngọt của hòa bình, ổn định và hạnh phúc của mọi người dân trong khu vực."
APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực hàng đầu, khởi xướng và đi đầu thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại, đầu tư trong khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh thế giới phải đối phó với dịch COVID - 19 và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, việc các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có Việt Nam nhất trí về định hướng chiến lược phát triển trong thời gian tới là mắt xích rất quan trọng để APEC củng cố vị trí đầu tàu trên bản đồ kinh tế thế giới.