Việc Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên công bố cái gọi là“ khu Tây Sa” và “khu Nam Sa”, thuộc “thành phố Tam Sa” để quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông liên tục bị dư luận trong và ngoài nước cực lực phản đối, đồng thời khiến giới nghiên cứu lo ngại về những bước đi tiếp theo của Trung Quốc trên biển Đông.
Chuyên gia nghiên cứu Biển Đông ông Lucio Blanco Pitlo, nghiên cứu viên tại Tổ chức Con đường tiến bộ châu Á-Thái Bình Dương. |
Theo các nhà nghiên cứu, học giả quốc tế, với việc thành lập cái gọi là 2 khu mới Tây Sa và Nam Sa, Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược Tứ Sa mà họ công bố năm 2017. Thực chất, việc đưa ra chiến lược Tứ Sa chính là một hình thức mới thay thế cho chiến lược Bản đồ đường 9 đoạn đã bị Toà Trọng tài bác bỏ hồi năm 2016.
Toan tính của Trung Quốc bất chấp căn cứ pháp lý
“Hành động của Trung Quốc trên Biển Đông vừa nhằm đánh lạc hướng dư luận vừa nhằm đẩy mạnh chiến lược Tứ Sa đầy tham vọng”. Đó là nhận định của chuyên gia nghiên cứu Biển Đông ông Lucio Blanco Pitlo, nghiên cứu viên tại Tổ chức Con đường tiến bộ châu Á-Thái Bình Dương.
Theo ông Lucio, động thái này là cách Bắc Kinh tận dụng cơ hội đại dịch để củng cố kiểm soát các thực thể và những vùng biển đang tranh chấp ở khu vực Biển Đông: "Quyết định này của Trung Quốc cũng như các hành động ở cấp độ nhà nước tiếp theo mà Trung Quốc có thể thực hiện sẽ nhằm củng cố việc chiếm đóng hiệu quả các thực thể địa chất và vùng biển ở khu vực Biển Đông. Đối với Trung Quốc, một quốc gia có thềm lục địa, việc tuyên bố chủ quyền đối với những quyền được có trên biển bao gồm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và vẽ đường cơ sở xung quanh các thực thể ở Tứ Sa sẽ khó mang tính thuyết phục. Chính vì vậy, quyết định mới đây của Trung Quốc vẫn không thể củng cố những cơ sở hời hợt về những tuyên bố chủ quyền phi lý của họ ở khu vực Biển Đông."
Trung Quốc đã xây nhiều hạ tầng quân sự phi pháp trên bãi đá Chữ Thập. (Ảnh: Ảnh: Reuters/VOV. |
Toan tính của Trung Quốc thực chất không có gì mới so với tham vọng độc chiếm biển Đông mà Trung Quốc luôn tìm cách thực hiện. Thực chất, việc đưa ra chiến lược Tứ Sa chính là một hình thức mới thay thế cho chiến lược Bản đồ đường 9 đoạn đã bị Toà Trọng tài bác bỏ hồi năm 2016.
"Chiến lược Tứ Sa có thể là một bước tiến nhằm làm rõ hơn bản chất của tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông hơn là đường chín đoạn dựa trên quyền lịch sử mơ hồ. Tuy nhiên, bản chất của các thực thể này và thực tế Trung Quốc không phải là một quốc gia quần đảo vẫn để lại nhiều lỗ hổng lớn trong lý giải của Trung Quốc. "
Hành động bị lên án mạnh mẽ
Hành động của Trung Quốc đã reo rắc nghi kị và đi ngược nỗ lực của các nước trong và ngoài khu vực về mục tiêu quản lý tranh chấp và xây dựng khu vực an ninh, hòa bình, ổn định. Theo nhiều chuyên gia quốc tế, việc Trung Quốc thiết lập các căn cứ quân sự trên các bãi cạn nửa nổi nửa chìm rồi tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính trên các vùng biển rộng hơn lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào trong ASEAN là một hành vi vi phạm Luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) và vi phạm chủ quyền của các nước xung quanh Biển Đông, trong đó có Việt Nam. GS, TS Nguyễn Hồng Thao, Phó Chủ tịch Ủy ban Luật pháp quốc tế LHQ, nêu rõ:
"Hành vi này sẽ làm suy giảm lòng tin giữa các nước trong giai đoạn đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông COC. Hành động của Trung Quốc còn nhằm bác bỏ phán quyết của Toà Trọng tài năm 2016 và hạn chế quyền tự do đi lại của tầu thuyền các nước trên Biển Đông. Và không loại trừ bước tiếp theo, Trung Quốc sẽ bao vây buộc các nước phải rút khỏi các đảo và sẽ hợp pháp hoá ranh giới hành chính trên biển."
Cùng chung nhận định, ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp của Trung tâm chính sách châu Á – Thái Bình Dương thuộc Tập đoàn RAND (Research And Development), Hoa Kỳ, cho rằng dư luận đều nhìn thấu những toan tính của Trung Quốc đằng sau các hành động "bắt nạt" các nước láng giềng thời gian gần đây, Trong khi đó, Tiến sĩ James Rogers, Giám đốc Chương trình “Global Britain” thuộc Viện Henry & Jackson (London, Anh), nhấn mạnh các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế và các nước có vai trò lớn trong việc bảo vệ hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp cần tiếp tục lên án mạnh mẽ những hành động của Trung Quốc.
Ông James Rogers khẳng định những tuyên bố chủ quyền phi pháp và hành động quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông đang hủy hoại luật pháp quốc tế, gây mất ổn định an ninh khu vực.
Rõ ràng, việc Trung Quốc gần đây nhất ngang nhiên tuyên bố thành lập khu Tây Sa và Nam Sa, thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa" là hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, là cách hành xử không thể chấp nhận được trong thế giới văn minh hiện nay.