Đoàn kết hợp tác ứng phó thách thức

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Diễn đàn năm nay là hội nghị quốc tế quy mô lớn đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trung Quốc.

Hôm nay (31/3), Diễn đàn Châu Á Bác Ngao bế mạc tại đảo Hải Nam, Trung Quốc sau 4 ngày họp (28- 31/03). Với chủ đề "Đoàn kết hợp tác ứng phó thách thức, mở cửa hòa nhập thúc đẩy phát triển trong thế giới không xác định", diễn đàn đã đưa ra nhiều khuyến nghị về các hướng phát triển trong thời kỳ hậu COVID-19 và tăng cường hợp tác trong cộng đồng quốc tế. 

Diễn đàn Châu Á Bác Ngao do Trung Quốc và 25 quốc gia khác trong khu vực thành lập năm 2000, nhằm hướng tới một diễn đàn Châu Á ngang tầm với Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ. Diễn đàn năm nay là hội nghị quốc tế quy mô lớn đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trung Quốc, kể từ khi nước này hạ cấp phòng, chống dịch COVID-19, từng bước mở cửa với thế giới.

Châu Á không nằm ngoài vòng xoáy bất ổn

Phát biểu tại diễn đàn, nhiều đại biểu đánh giá Châu Á là khu vực sôi động. Đây là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới và người châu Á ngày càng được hưởng nền giáo dục tốt hơn, tràn đầy năng lượng, ý tưởng và sự năng động. Tại châu Á, Trung Quốc là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới có thị trường tiêu dùng lớn, công nghệ phát triển nhanh chóng và lực lượng lao động ngày càng có tay nghề cao. Ấn Độ cũng đang phát triển ổn định với lợi thế dân số trẻ. Đông Nam Á cũng được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào cuối thập kỷ này.

 Đoàn kết hợp tác ứng phó thách thức - ảnh 1Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) năm 2023 khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc với chủ đề “Một thế giới không chắc chắn: Đoàn kết và hợp tác để phát triển giữa những thách thức”. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Tuy nhiên, giống như mọi khu vực khác, châu Á bị ảnh hưởng bởi môi trường toàn cầu đầy bất ổn và căng thẳng chiến lược. Đại dịch COVID-19 đã phá vỡ kết cấu xã hội, nền kinh tế và chuỗi cung ứng. Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, bất hòa giữa Mỹ và Trung Quốc về nhiều vấn đề, như: thương mại và đầu tư, chuỗi cung ứng, an ninh mạng, tự do hàng hải… ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định và hợp tác. Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đánh giá:Thế giới cảm nhận sâu sắc tác động của những căng thẳng này. Tiến độ giải quyết các vấn đề cấp bách, như: biến đổi khí hậu, năng lượng và an ninh lương thực, và chuẩn bị cho đại dịch đã bị cản trở nghiêm trọng. Các mệnh lệnh kinh tế đang bị lu mờ bởi những lo ngại về an ninh quốc gia. Các quốc gia đang theo đuổi sự tự lực và khả năng phục hồi bằng cách thiết lập kết nối chuỗi cung ứng. Và điều này đòi hỏi chi phí kinh tế khổng lồ, cũng như làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh và xích mích.

Hợp tác để ứng phó với thách thức

Trong bối cảnh đó, các đại biểu cho rằng châu Á cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế và quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, do Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các quốc gia ở châu Á. Sự hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á sẽ mạnh mẽ hơn nếu được củng cố bởi một mối quan hệ rộng lớn hơn, cùng xây dựng lòng tin để hướng tới sự ổn định trong khu vực. Điều này sẽ cho phép tất cả các quốc gia châu Á cùng tồn tại hòa bình, tìm ra con đường phát triển và thịnh vượng riêng.

Bên cạnh việc củng cố quan hệ với Trung Quốc, các nước châu Á cũng cần xây dựng một mạng lưới hợp tác và phụ thuộc lẫn nhau. Ngoài ra, châu Á phải luôn là một khu vực mở. Theo đó, các nước châu Á nên củng cố quan hệ với Mỹ, châu Âu và các khu vực khác trên thế giới. Mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ giữa các khu vực sẽ khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy đổi mới và quan hệ đối tác, giảm bớt căng thẳng  và tạo nên một khu vực ổn định và cân bằng hơn.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác và đoàn kết, Giám đốc điều hành Qũy tiền tệ thế giới (IMF), bà Kristalina Georgieva, tin tưởng các nước châu Á có thể vượt qua những thách thức phía trước. Tuy nhiên, để những lợi ích của toàn cầu hóa được chia sẻ đồng đều giữa các quốc gia hoặc mọi người dân, các nước châu Á cần phải đảm bảo an toàn và đa dạng chuỗi cung ứng. Nghiên cứu của IMF cho thấy với tư cách là một khu vực hội nhập cao, châu Á sẽ bị ảnh hưởng bất lợi nhất nếu không kết nối chuỗi cung ứng. Hơn thế nữa, tình đoàn kết không ở đâu quan trọng hơn là trong hành động chống biến đổi khí hậu, do châu Á có mật độ dân số đông và dễ bị tác động bởi các cú sốc khí hậu.

Các đại biểu cũng cho rằng những vấn đề song phương và khu vực cần được giải quyết, xử lý trên tinh thần thiện chí và hợp tác, hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, coi trọng quan điểm và lợi ích của tất cả các nước lớn và nhỏ. Điều quan trọng là các nước phải tiếp tục hợp tác kinh doanh với nhau. Tại Diễn đàn, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã cho rằng châu Á dựa trên các nguyên tắc quan trọng là tôn trọng lẫn nhau, đồng thuận thông qua đàm phán, cân nhắc đến sự thích ứng của các bên, tạo cơ sở cho sự phát triển hợp tác giữa các quốc gia. Theo ông, thế giới càng bất ổn, các nước càng cần phải quý trọng những điều này.

Với những nội dung thảo luận, Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023 đã gửi tới công luận thông điệp: các nước sẽ mạnh mẽ hơn khi đi cùng nhau, điều vốn rất quan trọng đối với châu Á cũng như hòa bình và sự thịnh vượng toàn cầu trong bối cảnh thế giới có nhiều căng thẳng và bất ổn hiện nay.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu