Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đang có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng đứng trước không ít thách thức, đặc biệt là mối hiểm họa từ những nguy cơ phi truyền thống. Một trong số nguy cơ phi truyền thống hiện nay chính là thông tin xấu độc trên không gian ảo, nhưng lại gây hậu quả thật, làm bất ổn về chính trị, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Các cơ quan chức năng đang đấu tranh có hiệu quả với loại hình tội phạm này.
Thời gian qua Bộ TT&TT đã quyết liệt đấu tranh với các thông tin sai trái trên mạng xã hội. |
Theo thống kê, Việt Nam xếp thứ 7 trên thế giới về số lượng người dùng mạng xã hội face book với trên 50 triệu người sử dụng, đó là chưa kể các tài khoản trên các nền tảng mạng khác. Không gian mạng trở thành một kênh quan trọng phổ biến để tiếp nhận thông tin.
Nhận diện tội phạm an ninh mạng
Bên cạnh sự tiện ích không thể phủ nhận, không gian mạng cũng đang là địa bàn lý tưởng để phát tán thông tin xấu độc. Trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Công an đã phát hiện, bắt và khởi tố trên 70 đối tượng, trong đó chủ yếu là các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để lập ra các nhóm phản động, như Triều Đại Việt, Việt Tân... Còn trong vụ việc bạo loạn tại Bình Thuận, biểu tình phản đối Dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng, thì tính đến đầu tháng 6 năm nay đã có 127 đối tượng tham gia biểu tình bị kết án tù. Có thể thấy, những vụ việc tuyên truyền, kích động quần chúng nhân dân trên mạng xã hội vẫn đang diễn ra từng ngày, từng giờ, khiến nhiều người lo ngại.
Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết: "Các cơ quan thù địch nước ngoài sử dụng Internet và mạng xã hội, công nghệ thông tin để chống phá chúng ta. Hai vụ biểu tình liên quan đến Formosa của Hà Tĩnh, vụ biểu tình bạo loạn ở Bình Thuận năm ngoái, chủ yếu là sử dụng mạng xã hội cũng như là Internet để kích động, lôi kéo. Các tổ chức phản động nước ngoài, các tổ chức khủng bố chủ yếu là tuyển dụng, huấn luyện, kiểm soát kể cả những hoạt động phá hoại là đều dùng mạng Internet. Rồi tội phạm buôn bán ma tuý, tội phạm buôn bán người sử dụng công nghệ cao hết sức phức tạp".
Cục An ninh mạng và Phòng chống Tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã thống kê, hiện có gần 2.500 trang mạng phản động chống đối đặt máy chủ tại nước ngoài, để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Trong đó có gần 30 trang mạng, gần 200 tài khoản facebook và 50 kênh youtube thường xuyên hoạt động chống phá chính quyền. Thiếu tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống Tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, cho biết: "Không gian mạng đang bị các thế lực phản động thù địch và tội phạm sử dụng để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt là hoạt động tuyên truyền chống phá chế độ, kích động, biểu tình, bạo loạn, thực hiện cách mạng màu, cách mạng đường phố nhằm thay đổi thế chế chính trị tại Việt Nam. Tình trạng tin giả, tin xấu độc, sai sự thật được đăng tải tràn lan trên không gian mạng".
Ảnh minh họa: laodong.vn |
Tăng cường hiệu lực đấu tranh
Việt Nam đang là quốc gia xếp thứ 20 trên thế giới bị tấn công bằng những phần mềm độc hại, đứng thứ 8 trong số 10 quốc gia hàng đầu trên thế giới về tình trạng lây nhiễm mã độc cục bộ. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 2.150 trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử trong nước có tên miền chấm vn bị tấn công chiếm quyền điều khiển. Trong số này, có 8 trang thuộc quản lý của các cơ quan nhà nước bị tấn công chiếm quyền điều khiển thay đổi, giao diện.Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia dự kiến tiếp tục nâng cao năng lực xử lý tin xấu độc mỗi ngày từ 100 triệu tin lên 300 triệu tin, để có thể hạn chế tối đa việc lan toả các thông tin xấu độc trên các trang mạng xã hội. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới vào Việt Nam là phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam. Công cụ, Luật pháp đã có, song đang cần được phối hợp, quan sát, để thực thi hiệu quả các quy định pháp luật này".
Luật An ninh mạng với nhiều quy định cụ thể, chi tiết về việc đảm bảo an toàn xã hội, an ninh quốc gia trên không gian mạng, có hiệu lực từ 1/1/2019, cũng đã tạo lập được hành lang pháp lý hữu hiệu để các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường các biện pháp thực thi pháp luật về an toàn trên không gian mạng trong thời gian tới.