Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga: Dấu mốc mới trong quan hệ Nga-Trung

Hồng Vân TH
Chia sẻ
(VOV5) - Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc tái khẳng định bản chất đặc biệt của quan hệ đối tác Nga - Trung, vốn được xây dựng trên sự tin tưởng, tôn trọng chủ quyền và lợi ích của nhau. 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới Liên bang Nga (từ 20-23/3) theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình kể từ khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba với tư cách nguyên thủ quốc gia Trung Quốc. Điều này thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Trung Quốc đối với Nga trong thế giới hiện đại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga: Dấu mốc mới trong quan hệ Nga-Trung - ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Điện Kremlin ngày 20/3 - Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Chuyến công du của ông Tập Cận Bình nhằm tăng cường hơn nữa sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nga, là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi sâu rộng về hợp tác song phương, các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Bản chất đặc biệt của quan hệ đối tác Nga - Trung

Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc tái khẳng định bản chất đặc biệt của quan hệ đối tác Nga - Trung, vốn được xây dựng trên sự tin tưởng, tôn trọng chủ quyền và lợi ích của nhau. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, một thập kỷ đã trôi qua, kể từ chuyến thăm Nga lần đầu tiên của ông Tập Cận Bình trên cương vị Chủ tịch Trung quốc (năm 2013), thế giới đã có nhiều thay đổi nhưng tình hữu nghị Nga - Trung vẫn bền chặt. Quan hệ song phương đã đạt mức cao nhất trong lịch sử và tiếp tục được củng cố.

Trong quan hệ cá nhân, sự thân thiện và tin cậy đặc biệt được hình thành giữa các nhà lãnh đạo hai nước. Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau khoảng 40 lần, dưới nhiều hình thức trong những năm gần đây. Những cuộc tiếp xúc này “luôn hiệu quả và rất hữu ích cho quan hệ song phương” như lời khẳng định của Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov.

Một thành tố quan trọng của quan hệ Nga - Trung là hợp tác thương mại và kinh tế. Kể từ năm 2010, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Liên bang Nga. Năm ngoái, kim ngạch thương mại Nga - Trung đạt mức kỷ lục 185 tỷ USD, đưa Nga và Trung Quốc tiến rất gần đến mục tiêu mà chính phủ hai nước đặt ra trước đó là đạt 200 tỷ USD vào năm 2024. 2 tháng đầu năm nay, đà tăng trưởng thương mại hai nước vẫn duy trì tốc độ nhanh, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 33,7 tỷ USD, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hợp tác năng lượng, một trong những động lực chính của hợp tác thương mại Nga - Trung, ghi nhận bước tiến mới khi cuối năm ngoái Nga đứng thứ hai về nguồn cung cấp dầu cho Trung Quốc và thứ tư về cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Thông qua đường ống dẫn khí "Sức mạnh Siberia", năm ngoái, nguồn cung khí đốt của Nga cho Trung Quốc tăng gấp 1,5 lần so với năm trước đó và đạt mức cao kỷ lục 15,5 tỷ mét khối.

Moscow và Bắc Kinh cũng hợp tác trong ngành công nghiệp hạt nhân. Với sự tham gia của Nga, bốn tổ máy của Nhà máy điện hạt nhân Tianwan và một lò phản ứng hạt nhân neutron nhanh CEFR đang được xây dựng tại Trung Quốc.

Mức độ tin cậy cao đã góp phần phát triển hợp tác quân sự song phương. Vào tháng 11 năm ngoái, lần đầu tiên máy bay quân sự Nga hạ cánh xuống một sân bay của Trung Quốc và máy bay quân sự Trung Quốc hạ cánh xuống lãnh thổ Liên bang Nga. Cũng trong năm ngoái, hai bên tiến hành tuần tra chung trên biển Thái Bình Dương lần thứ hai.

Đáng chú ý, cách tiếp cận của Nga và Trung Quốc đối với các vấn đề cơ bản của trật tự thế giới hiện đại và các vấn đề quốc tế quan trọng là trùng khớp hoặc gần gũi. Nga và Trung Quốc cùng hoạt động tích cực tại các nền tảng đa phương, như: Liên hợp quốc, nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Nhóm năm nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) hay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)…

Hiện nay, Trung Quốc được cho là đang thúc đẩy vai trò trung gian đàm phán nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Tháng trước, Bắc Kinh đã đưa ra kế hoạch hòa bình nhấn mạnh đến vấn đề tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, ngăn chặn sử dụng vũ khí hạt nhân. Moscow đã hoan nghênh đề xuất này.

Đưa ra một tầm nhìn mới cho quan hệ Nga – Trung

Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chuyến thăm Nga là hành trình của hữu nghị, hợp tác và hòa bình. Ông mong muốn cùng Tổng thống Putin vạch ra một tầm nhìn mới, kế hoạch chi tiết mới và các biện pháp mới cho sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Nga trong thời gian tới.

Theo lịch trình, trong chuyến thăm, hai bên ký hơn 10 văn kiện hợp tác, trong đó có Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược bước vào kỷ nguyên mới và Tuyên bố chung về kế hoạch phát triển các lĩnh vực hợp tác kinh tế quan trọng giữa Nga và Trung Quốc đến năm 2030.

Trong bài báo viết cho Nhân dân Nhật báo trước chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với nhan đề: “Nga và Trung Quốc: Quan hệ đối tác hướng tới tương lai”, Tổng thống Putin đặt nhiều kỳ vọng vào các cuộc hội đàm lần này và tin rằng, chúng sẽ tạo động lực mới mạnh mẽ cho toàn bộ phạm vi hợp tác song phương.

Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov cho biết tất cả các chủ đề hợp tác chính đều được thảo luận tại các cuộc gặp song phương. Tuyên bố chung về kế hoạch phát triển các lĩnh vực hợp tác kinh tế quan trọng được lên kế hoạch ký kết là một động lực mới cho sự phát triển của quan hệ thương mại và kinh tế. Trong khi đó, đại sứ Trung Quốc tại Liên bang Nga Trương Hán Huy (Zhang Han-hui) nhận định hợp tác kinh tế và thương mại Trung - Nga sẽ có bước phát triển mới.

Chuyến thăm cấp nhà nước đến Liên bang Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay sau khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba đã thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Trung Quốc đối với Nga trong thế giới hiện đại. Kết quả của chuyến thăm sẽ củng cố quan điểm: phát triển quan hệ Nga – Trung là lựa chọn chiến lược, chiếm vị trí ưu tiên trong chính sách ngoại giao và đối ngoại tổng thể của mỗi bên.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu