Thế giới năm 2023: thách thức và hy vọng

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - “Khó khăn và thách thức nhiều hơn thuận lợi” là nhận định chung của nhiều chuyên gia, nhà phân tích quốc tế về tình hình thế giới năm 2023.
Năm 2022 khép lại với nhiều biến động phức tạp, khó lường, tác động sâu sắc tới nhiều mặt đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, năng lượng và lương thực của nhiều quốc gia, cộng đồng trên toàn thế giới. Bước vào năm 2023, thế giới được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, xen lẫn hy vọng.
Thế giới năm 2023: thách thức và hy vọng - ảnh 14 thách thức định hình cục diện thế giới năm 2023 - Ảnh: Reuters

“Khó khăn và thách thức nhiều hơn thuận lợi” là nhận định chung của nhiều chuyên gia, nhà phân tích quốc tế về tình hình thế giới năm 2023. Trong đó, hầu hết các yếu tố chính tác động tới cục diện thế giới năm 2022 tiếp tục hiện hữu và chi phối gam màu chủ đạo trong bức tranh toàn cảnh thế giới năm 2023.  

Một số tác nhân chính có thể định hình cục diện thế giới năm 2023

Một trong những vấn đề được dư luận quốc tế dành sự quan tâm lớn nhất khi thế giới bước vào năm mới 2023 là diễn biến của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Bùng phát ngày 24/2/2022, cuộc xung đột đã và đang tác động sâu sắc tới nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội tại nhiều quốc gia và cộng đồng trên toàn thế giới. Trong đó, chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đẩy giá năng lượng và lương thực tăng vọt, làm tăng tỷ lệ lạm phát và gây ra nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế. Xung đột nổ ra cũng khiến cấu trúc quan hệ quốc tế có sự biến động sâu sắc. Mỹ, châu Âu và các đồng minh đã áp đặt nhiều lệnh cấm vận và trừng phạt chưa từng có chống Nga, đẩy quan hệ Nga-phương Tây rơi vào tình trạng đối đầu căng thẳng nhất kể từ sau thế chiến thứ II.

Với việc phương Tây ngày càng tham gia sâu hơn vào các vấn đề liên quan đến cuộc xung đột, diễn biến tiếp theo của cuộc khủng hoảng này sẽ quyết định trạng thái quan hệ giữa Nga và phương Tây trong năm 2023. Hơn nữa, chừng nào các bên còn chưa đàm phán để tiến tới thỏa thuận hòa bình, xung đột sẽ tiếp tục tác động lên nguồn cung hàng hóa toàn cầu, nhất là các mặt hàng năng lượng, lương thực, phân bón…, từ đó ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát lạm phát và nỗ lực phục hồi kinh tế của các quốc gia.

Ngoài xung đột Nga-Ukraine, cục diện thế giới năm 2023 còn có thể bị tác động, chi phối bởi một số nguy cơ tiềm ẩn khác, nhất là nguy cơ xung đột vũ trang và bất ổn an ninh ở cả châu Âu (không gian hậu Xô-viết), Trung Đông (Syria, Iraq, Palestine-Israel..…,), châu Phi (Lybia, Yemen…) và châu Á (khu vực Tây Á, Đông Á…).

Bên cạnh đó, cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc, nhất là về kinh tế-thương mại và công nghệ, được dự báo tiếp tục diễn ra gay gắt trong năm 2023. Dù được nhận định vẫn trong tầm kiểm soát và khó có khả năng bùng phát thành khủng hoảng, sự cạnh tranh này vẫn có thể có những tác động nhất định đến dòng chảy đầu tư, hoạt động thương mại toàn cầu và thậm chí cả cấu trúc quan hệ quốc tế.   

Một nhân tố đáng chú ý khác là nguy cơ tái bùng phát của dịch bệnh Covid-19 với khả năng xuất hiện những biến thể mới của virus corona trong năm 2023. Tuy nhiên, với việc đạt được độ phủ vaccine cao trên toàn cầu cùng sự phục hồi tốt của hệ thống y tế các nước, khả năng tác động của các làn sóng dịch mới nếu xảy ra, được cho là không đáng quan ngại như trong giai đoạn vừa qua, dù vẫn gây nhiều khó khăn cho các quốc gia bị ảnh hưởng.   

Đặc biệt, tình trạng biến đối khí hậu toàn cầu, nhất là các hình thái thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, nắng nóng bất thường…, được dự báo tiếp tục diễn biến khó lường trong năm 2023, có thể gây thiệt hại lớn cả về người và tài sản tại nhiều nơi, đồng thời tác động tới sinh kế của hàng triệu cư dân.

Giải pháp và hy vọng  

Với viễn cảnh đầy thách thức đó, các quốc gia, nhất là các nước và cộng đồng dễ bị tổn thương, được khuyến cáo tăng cường nguồn lực và triển khai giải pháp phù hợp để hạn chế, giảm thiểu tác động từ các biến động địa chính trị - xã hội trong khu vực và trên toàn thế giới. Mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các giải pháp ứng phó là phục hồi và tăng trưởng kinh tế; đảm bảo nguồn cung năng lượng phục vụ hoạt động sản xuất và ổn định xã hội. Đồng thời, các quốc gia cũng cần có sự chuẩn bị cần thiết để ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát các làn sóng dịch Covid-19 mới cũng như khả năng xảy ra một đại dịch mới; tăng cường nỗ lực giảm thiểu tác động và thiệt hại từ các hình thái thời tiết cực đoan, thảm họa thiên nhiên; kiên trì chiến lược phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu…

Cũng bởi các thách thức đó, nhu cầu hợp tác và liên kết quy mô vùng, khu vực và toàn cầu trở nên cấp thiết hơn và được các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển và kém phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Vai trò của các tổ chức, thể chế đa phương, nhất là Liên hợp quốc và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, cũng vì vậy được kỳ vọng sẽ củng cố và phát huy tốt hơn, đóng góp rõ ràng và hiệu quả hơn vào tiến trình xử lý các cuộc khủng hoảng và phát triển kinh tế-xã hội trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, dư luận đặc biệt kỳ vọng đàm phán tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ được ưu tiên thúc đẩy mạnh. Bởi lẽ, việc tiến tới giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột không chỉ để chấm dứt nỗi thông khổ cho hàng triệu cư dân vô tội, mà còn tạo lập môi trường hòa bình cho phát triển kinh tế và hợp tác quốc tế trong khu vực, đồng thời lan tỏa tinh thần hòa giải và hợp tác trên phạm vi toàn cầu…

Những ngày đầu năm mới 2023, niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn cho thế giới được tiếp thêm động lực quan trọng khi Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Giáo hoàng Francis cùng nhiều nhà lãnh đạo thế giới liên tiếp phát các đi thông điệp năm mới với tinh thần nổi bật là: quyết tâm lập lại hòa bình và thúc đẩy thịnh vượng chung cho tất cả quốc gia trên toàn thế giới trong năm 2023 đặc biệt này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu