Xung đột Nga-Ukraine với những diễn biến leo thang căng thẳng

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Giới phân tích cảnh báo đối với cả Nga và Ukraine, dù cuộc xung đột có kết thúc thế nào cũng đều để lại những tổn thất cho cả đôi bên. 

Triển vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraine đang rất mong manh với hàng loạt diễn biến căng thẳng mới, nhất là khi các động thái quân sự chiếm ưu thế. Cùng các phát ngôn cứng rắn, việc chuyển giao thiết bị quân sự hạng nặng hiện đại hỗ trợ Ukraine từ các nước phương Tây có thể khiến xung đột kéo dài.

Chỉ còn chục ngày nữa, cuộc xung đột Nga - Ukraine tròn 1 năm diễn ra. Tuy nhiên, triển vọng chấm dứt chiến sự hết sức mờ nhạt và dự báo cuộc xung đột này khó có thể sớm kết thúc.  

Xung đột Nga-Ukraine với những diễn biến leo thang căng thẳng - ảnh 1Lính Ukraine khai hỏa pháo Pion gần Bakhmut, ngày 16/12/2022. Ảnh: AP

Triển vọng đàm phán mờ nhạt

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2/2022, Nga nhiều lần tuyên bố theo đuổi chiến dịch cho tới khi nào hoàn thành các mục tiêu mà Tổng thống Vladimir Putin đề ra và không nhượng bộ bất kỳ điều kiện tiên quyết nào với Ukraine. Trong khi đó, với mục tiêu không để Ukraine thua, phương Tây đã đáp lại thỉnh cầu của Kiev và hỗ trợ vũ khí để nước này tiếp tục chiến đấu. 

Ngày 11/2 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin đã đưa ra điều kiện để nối lại các vòng đàm phán với đại diện Ukraine. Theo đó, Nga sẽ chỉ quay lại đàm phán với Ukraine nếu các yêu cầu của chính quyền Kiev được bãi bỏ. Thêm vào đó, đàm phán với Ukraine sẽ chỉ diễn ra theo hướng phù hợp với tình hình thực tế. Ông S.Vershinin đồng thời cáo buộc các nước phương Tây đã can thiệp và tác động vào quyết định đàm phán của Kiev.

Trước đó, hồi tháng 11/2022, Tổng thống Ukraine Zelensky cũng đưa ra những điều kiện để đi đến đàm phán với Nga, trong đó có khôi phục toàn vẹn lãnh thổ, bồi thường mọi tổn thất... Ukraine cho biết không phản đối đối thoại với Nga nếu đối thoại dựa trên các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế, đó là tôn trọng HIến chương Liên hợp quốc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Trong năm 2022, Nga và Ukraine đã nhiều lần đàm phán song không mang lại kết quả. Thực tế hiện nay cho thấy hầu như có rất ít khả năng các bên tiến hành đàm phán. Diễn biến trên thực địa những ngày qua càng cho thấy triển vọng chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine trong năm 2023 vẫn chỉ là một triển vọng mờ nhạt. Chỉ tính riêng trong ngày 12/2, đã có 424 vụ pháo kích và 23 cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine.

Nguy cơ tất cả cùng thua khi xung đột kéo dài

Trong bối cảnh chiến sự tiếp diễn và đàm phán bế tắc, Mỹ và các nước phương Tây đang tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine.

Ngày 14/2, Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine có gần 40 quốc gia và tổ chức thành viên họp tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại tây dương (NATO) ở Brussels, Bỉ để thảo luận về việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine.

Xung đột Nga-Ukraine với những diễn biến leo thang căng thẳng - ảnh 2Đoàn xe bộ binh của Nga bị phá hủy trong trận chiến tại Kharkiv. Ảnh: AFP

Trước đó, ngày 11/2, Anh thậm chí còn tính đến khả năng sản xuất vũ khí và xe bọc thép ở ngay tại Ukraine. Một số quan chức quốc phòng Anh đã đến thăm Kiev để tìm hiểu về cơ hội thành lập các liên doanh sản xuất vũ khí tại Ukraine. Trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 8/2 tại Anh trước khi ông Zelensky tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU), tại Brussel, Bỉ, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng Anh nghiên cứu vấn đề cung cấp chiến đấu cơ cho Kiev. Trước đó, tháng 1/2023, một nhóm 11 quốc gia châu Âu gồm Estonia, Anh, Ba Lan, Latvia, Litva, Đan Mạch, Séc, Đức, Hà Lan, Slovakia và Tây Ban Nha đã cam kết cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, đồng thời cho biết họ sẽ gửi xe tăng chiến đấu chủ lực, pháo hạng nặng, phòng không, đạn dược và xe chiến đấu bộ binh.

Đáp lại các động thái trên, Nga nhiều lần cảnh báo việc vũ khí nước ngoài đổ dồn về Ukraine sẽ chỉ làm căng thẳng leo thang, gây đau thương thêm cho Ukraine.

Giới phân tích cảnh báo đối với cả Nga và Ukraine, dù cuộc xung đột có kết thúc thế nào cũng đều để lại những tổn thất cho cả đôi bên. Lập trường cứng rắn và quan điểm đàm phán có điều kiện của cả Nga và Ukraine khiến cho triển vọng các bên cùng ngồi lại để tìm kiếm một giải pháp hòa bình ngày càng khó khăn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu