Đại dịch COVID-19 kéo dài hơn 1 năm qua đã ảnh hưởng đến mọi ngành nghề và mọi lĩnh vực của đời sống ở các mức độ khác nhau. Song thiệt hại nặng nề nhất, xét từ góc độ kinh tế, là doanh nghiệp. Để giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, trong khả năng của mình, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất.
Tính đến tháng 7/2021, Việt Nam có khoảng 840.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta, đặc biệt bắt đầu từ tháng 7/2021, đã khiến cho cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trong 8 nhóm khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối diện, đáng lưu ý là tổng cầu giảm mạnh khiến đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm; doanh thu giảm mạnh trên diện rộng dẫn đến dòng tiền bị thiếu hụt; chuỗi sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu bị gián đoạn; lưu thông hàng hóa gặp khó khăn do mỗi địa phương có chính sách phòng, chống dịch khác nhau; nguy cơ thiếu lao động khi giãn cách xã hội kéo dài…
Vào cuộc nhanh, chủ động
Với tinh thần đồng hành với doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, đưa ra giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khả năng cho phép, Chính phủ đã thu xếp, bố trí nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất thông qua các chính sách tài chính, tài khóa như việc miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, giảm tiền điện, nước, cước viễn thông…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ngày 8/8/2021 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chính phủ cũng chủ động ban hành các biện pháp hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp thông qua việc ban hành Nghị định 52 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, Nghị quyết 84 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Nghị quyết số 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID và cắt giảm nhiều thủ tục hành chính. Một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đã có kết quả như chính sách cho vay doanh nghiệp (hoãn giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí). Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thẩm quyền của Chính phủ tới đâu, Chính phủ sẽ tận dụng tối đa tới đó để gỡ khó cho doanh nghiệp.
Chính phủ đang và sẽ nỗ lực hết sức trong điều kiện có thể
Mỗi người dân khỏe mạnh, mỗi doanh nghiệp khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh. Trên tinh thần đó, Chính phủ Việt Nam tiếp tục, kiên trì giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã đề ra. Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng với đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua,Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Chính phủ đang nỗ lực, làm hết sức có thể. Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn nhất quán tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ". Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường phân cấp, cá thể hoá trách nhiệm cá nhân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nắm tình hình, phản ánh khó khăn, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng đưa ra giải pháp kịp thời. Bộ Y tế khẩn trương tiêm vaccine kịp thời, điều chỉnh quy trình phòng, chống dịch, để các doanh nghiệp tuỳ điều kiện thực tế áp dụng để sản xuất, kinh doanh. Bộ Tài chính khẩn trương triển khai giải pháp miễn giảm thuế, có giải pháp về thị trường chứng khoán, dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực ngoài nhà nước".
Chính phủ cũng chỉ đạo các địa phương đảm bảo hàng hóa được vận chuyển thông suốt, giữ ổn định chuỗi cung ứng, tạo điều kiện phát triển kinh tế. Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: "Hiện nay không có việc cản trở hàng hóa khi lưu thông, với những hàng phục vụ cho xuất khẩu, thiết yếu cho đời sống người dân, hoặc cứu trợ thì chúng tôi sẽ cấp một mã QR trên đường đi không có một chút nào chặn lại. Chúng tôi khẳng định là những văn bản hiện nay lại thông suốt hết toàn bộ".
Chính phủ và chính quyền địa phương sẽ luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, cũng như tri ân sự đóng góp, chung tay của doanh nghiệp để cùng đất nước bước qua những thời điểm khó khăn. Với sự đồng hành từ Chính phủ, hy vọng đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay không chỉ vượt qua được dịch COVID-19 mà còn tạo dựng được thương hiệu riêng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.