Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 28/2 đã ký ban hành luật đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START), 1 tuần sau khi ông tuyên bố quyết định này khi đọc Thông điệp liên bang (21/2). Đạo luật có hiệu lực ngay sau khi ký. Động thái mới của Nga cho thấy niềm tin ngày càng bị xói mòn giữa hai quốc gia nắm giữ 90% số đầu đạn hạt nhân trên thế giới, đồng thời làm dấy lên lo ngại về nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới trên toàn cầu.
Một hệ thống bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của quân đội Mỹ - Ảnh: GETTY IMAGES |
New START là Hiệp ước kiểm soát hạt nhân duy nhất ở thời điểm hiện tại giữa Moscow và Washington. Hiệp ước này do Tổng thống Dmitry Medvedev và Tổng thống Barack Obama ký vào năm 2010, giới hạn mỗi quốc gia triển khai không quá 1.550 đầu đạn, 700 tên lửa và máy bay ném bom hạt nhân...Hiệp ước quy định việc thanh sát trực tiếp để xác nhận mức độ tuân thủ của các bên tham gia. Từ năm 2020, hai bên đã ngừng hoạt động thanh sát do đại dịch Covid-19.
Tín hiệu rõ ràng gửi đến Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương
Nguyên nhân dẫn đến quyết định trên, theo Moscow, là do Mỹ đang sử dụng chính Hiệp ước này như một công cụ để làm suy yếu nước Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang nhắm vào Nga; đồng thời lo ngại về dự án phát triển các loại vũ khí mới của họ. Tổng thống Nga cũng cho biết, thật "vô lý" khi Mỹ yêu cầu quyền kiểm tra các cơ sở hạt nhân tại Nga, trong khi NATO lại đang giúp Ukraine tấn công chúng. Nhà lãnh đạo nước Nga muốn đề cập đến các cuộc tấn công hồi tháng 12/2022, vào sân bay Engels, cách Moscow 730 km về phía Đông Nam, nơi các máy bay ném bom chiến lược của Nga đặt căn cứ, mà ông cho là phía Ukraine thực hiện.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov - Ảnh: Tass |
Lý giải rõ hơn, hôm qua (2/3), tại Hội nghị Giải trừ quân bị của Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nêu rõ Mỹ đã giúp Ukraine tấn công các địa điểm chiến lược của Nga. Theo ông Ryabkov, tình hình càng xấu đi sau khi Mỹ nỗ lực thăm dò an ninh các cơ sở chiến lược của Nga theo New START bằng cách hỗ trợ Ukraine tiến hành các cuộc tấn công vũ trang nhằm vào những cơ sở này. Nga không có sự lựa chọn nào khác ngoài tạm ngừng hiệp ước. Đặc biệt, ông Ryabkov cảnh báo, việc Mỹ và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tham gia ngày càng nhiều vào các cuộc đối đầu vũ trang có thể dẫn đến đụng độ quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân, và điều này đem lại hậu quả vô cùng thảm khốc.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga và Mỹ đang sở hữu 90% số đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới. Tính đến đầu năm ngoái, Nga có 5.977 đầu đạn, trong đó hơn 1.600 có thể sẵn sàng được sử dụng. Mỹ có 5.428 đầu đạn, với 1.750 đầu đạn sẵn sàng chiến đấu.
Giới phân tích Nga cho rằng việc Moscow tuyên bố ngừng tham gia New START là tín hiệu rõ ràng tới Mỹ nói riêng và NATO nói chung: Nga sẵn sàng làm bất cứ điều gì để bảo vệ lợi ích, an ninh quốc gia. Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng tuyên bố sẽ không thảo luận về Hiệp ước New START với Mỹ chừng nào Washington còn tiếp tục trang bị vũ khí cho Kiev.
Thế giới quan ngại
Giới quan sát lo ngại việc New START bị đình chỉ dẫn đến Nga và Mỹ không còn bất cứ khuôn khổ pháp lý ổn định nào để kiểm soát năng lực hạt nhân của nhau. Điều đó có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới, song song với chiến sự Nga - Ukraine. Động thái này cũng sẽ xóa bỏ những thành quả mà các hiệp ước hạt nhân giữa Nga và Mỹ đem lại trong hơn 5 thập kỷ. Trước đó, Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) đã sụp đổ khi Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, đơn phương từ bỏ, khiến New START trở thành công cụ duy nhất giúp hai bên kiểm soát vũ khí hạt nhân của nhau.
Theo ông William Alberque, Giám đốc chiến lược, công nghệ và kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, việc chấm dứt hiệp ước New START cũng đồng nghĩa với việc số lượng đầu đạn sẽ được nhân lên nhiều lần. Cả hai bên có thể tăng từ 1.550 đầu đạn hiện nay lên 4.000 đầu đạn chiến lược triển khai chỉ trong một đêm.
Còn ông James Cameron, một nhà nghiên cứu của Dự án hạt nhân Oslo, chia sẻ New START bị đình chỉ sẽ đánh dấu sự trở lại của những kiểu phỏng đoán thời kì Chiến tranh Lạnh - về tiềm lực và ý đồ của đối phương; dẫn hai phía đến một tình thế chông chênh và làm gia tăng nguy cơ sử dụng hạt nhân.
Mặc dù tuyên bố đình chỉ tham gia Hiệp ước New START nhưng Nga đồng thời cũng khẳng định vẫn tuân thủ giới hạn đầu đạn hạt nhân, giữ số lượng không vượt quá quy định. Moscow cũng nêu rõ sẽ không rút khỏi Hiệp ước hoàn toàn, điều này có nghĩa còn có khả năng để đàm phán - không chỉ với Mỹ mà với cả phương Tây. Tuy nhiên, theo giới phân tích quốc tế, con đường hàn gắn niềm tin giữa Nga và Mỹ là không hề dễ dàng.