Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục có diễn biến mới khi ngày 8/8, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ áp mức thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có tổng trị giá 16 tỷ USD từ 23/8. Quyết định được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Chính phủ Mỹ ra thông báo tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Những động thái trên của Washington và Bắc Kinh cho thấy dường như hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không muốn giảm căng thẳng trong cuộc chiến thương mại đang leo thang hiện nay.
Danh mục hàng hóa của Mỹ bị Trung Quốc đánh thuế lần này chủ yếu là các mặt hàng về nhiên liệu như than đá, dầu mỏ, đồng phế liệu, các sản phẩm chế biến từ gỗ.... Thời gian áp dụng bắt đầu từ 0h (giờ Bắc Kinh) ngày 23/8/2018. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, đây là hành động "tự vệ" cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích của Trung Quốc và cơ chế thương mại đa bên.
Liệu Trung Quốc có thể thắng cuộc chiến thương mại với Mỹ? Ảnh VOV/Reuters |
Trong khi đó, danh mục hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế lần này nhắm vào các thiết bị bán dẫn. Các mặt hàng khác như đồ điện, nhựa, hóa chất và thiết bị đường sắt trong kế hoạch công nghiệp tới năm 2025 nhằm gia tăng sức cạnh tranh của Trung Quốc cũng phải chịu mức thuế nhập khẩu 25%.
Trả đũa lẫn nhau
Hơn 1 tháng qua, kể từ khi mức thuế 25% của Mỹ đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực (6/7), dư luận liên tục chứng kiến những động thái trả đũa thuế quan giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu như Mỹ luôn là bên khởi xướng các mức thuế thì Trung Quốc lại chọn cách đáp trả tương xứng, cả về mức thuế và giá trị hàng hóa.
Danh sách các mặt hàng Mỹ đưa ra để trừng phạt rất mạch lạc, dựa trên hệ thống các ngành, danh mục bị cấm rất rõ ràng. Lý do được Mỹ viện dẫn là Trung Quốc thực thi các chính sách thương mại không công bằng và vi phạm bản quyền công nghệ từ các tập đoàn của Mỹ. Tổng thống Trump cũng cam kết giảm thâm hụt mậu dịch với Bắc Kinh.
Dự báo việc đánh thuế 25% của Mỹ sẽ không dừng lại ở lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD vừa qua và tăng thêm 16 tỷ USD vào 23/8 tới. Đây mới chỉ như một thí nghiệm, lời cảnh báo đối với Bắc Kinh. Chính quyền Trump cần một áp lực mạnh hơn để đưa Bắc Kinh vào bàn đàm phán. Trong trường hợp mạnh tay hơn, rất có thể Mỹ sẽ mở rộng đánh thuế 25% đối với cả 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Nếu điều này thành hiện thực thì đây sẽ là cú sốc rất mạnh với cả Mỹ, Trung Quốc và toàn cầu.
Cùng với biện pháp thuế, Ủy ban Quản lý đầu tư nước ngoài của Mỹ thời gian qua cũng mạnh tay hơn khi can thiệp vào đầu tư. Năm qua, 25% các vụ bị từ chối trong danh sách của Ủy ban này là dự án đầu tư từ Trung Quốc. Rõ ràng chính quyền Trump muốn chặn sự đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược công nghệ cao của Trung Quốc vào đất Mỹ.
Cuộc chiến liên quan đến cạnh tranh
Tuy nhiên căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có lẽ không đơn thuần chỉ là cuộc "cãi cọ" để giảm thâm hụt thương mại mà là cuộc chiến liên quan đến cạnh tranh về công nghệ và năng lực quốc gia trong những năm tới. Nguyên nhân có thể là ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc, cụ thể hơn là những ngành công nghiệp được xác định trong “Sáng kiến sản xuất tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025 Initiative). Đây là một chiến lược quốc gia nhằm thúc đẩy 10 lĩnh vực quan trọng về mặt chiến lược và công nghệ như mạng lưới 5G và an ninh mạng, robot và các công cụ chính xác công nghệ cao, hàng không vũ trụ…Với việc triển khai chiến lược quốc gia này, Trung Quốc bị coi là đang trở thành một mối đe dọa đối với Mỹ trên “sân chơi” mà lâu nay Washington nắm thế thượng phong.
Ngoài ra, không thể phủ nhận là kinh tế Trung Quốc hiện do thị trường điều phối theo rất nhiều cách. Nhưng Mỹ cho rằng vẫn có quá nhiều bộ phận vô cùng quan trọng của nền kinh tế kế hoạch ở Trung Quốc được giữ lại. Và điều này bị coi là khiến cho các đối thủ của Trung Quốc chịu những bất lợi.
Trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa Trung Quốc và Mỹ trị giá khoảng 650 tỷ USD mỗi năm. Đây là một trong ít mối quan hệ thương mại song phương lớn nhất trên thế giới. Việc giảm thâm hụt thương mại với con số 375 tỷ USD/năm xuống mức 100 tỷ USD là điều bất khả thi. Vì vậy theo nhiều chuyên gia, căng thẳng thương mại có lẽ chỉ là cái cớ để Mỹ chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh kế tiếp trong tương lai gần./.