Đúng như dự đoán của giới phân tích, nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cuối cùng đã được hóa giải sau khi 2 bên kết thúc vòng đàm phán thứ 2 về thương mại tại Washington cuối tuần qua. Tuyên bố chung được đưa ra sau đàm phán khẳng định 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tìm cách giải quyết các lo ngại về kinh tế và thương mại theo cách thức chủ động. Tuy nhiên, thực hiện mục tiêu giảm đáng kể tình trạng nhập siêu của Mỹ trong thương mại song phương là nhiệm vụ không đơn giản đối với cả 2 bên.
Ảnh minh họa: Reuters |
Thời gian qua, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế khi hai nước liên tục đưa ra các đòn trả đũa lẫn nhau liên quan đến mức thuế áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu. Diễn biến căng thẳng này làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến thương mại không chỉ gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên mà còn ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới.
Nỗ lực tháo gỡ căng thẳng
Để đi đến sự đồng thuận trên, trong mấy tuần qua, các nhà đàm phán Mỹ - Trung đã rất nỗ lực tìm tiếng nói chung trong vấn đề thâm hụt thương mại. Kết quả là trong tuyên bố chung, hai bên nhất trí sự cần thiết thực hiện các biện pháp hiệu quả để giảm đáng kể mức thâm hụt thương mại hàng năm hơn 300 tỷ USD của Mỹ với Trung Quốc. Trung Quốc cam kết nhập thêm "số lượng lớn" các mặt hàng nông sản từ Mỹ. Đây là lần đầu tiên phía Trung Quốc đồng ý giảm các rào cản và các loại thuế nhập khẩu hàng hóa Mỹ. Theo đánh giá của người đứng đầu Nhà Trắng Donald Trump, cam kết của Trung Quốc là một trong những điều tốt lành nhất với người nông dân tại Mỹ trong nhiều năm qua. Hoa Kỳ sẽ cử 1 đoàn quan chức tới Trung Quốc để trao đổi chi tiết về việc tăng xuất khẩu hàng nông nghiệp.
Nhìn lại lịch sử căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, dù do bên nào khơi mào, cũng chừa lại "một không gian để thỏa hiệp". Và kết quả đàm phán lần này đã cho thấy căng thẳng tuy được đẩy cao nhưng cuối cùng 2 quốc gia đều phải tính đến lợi ích sâu xa khi Mỹ và Trung Quốc hiện đang là những đối tác quan trọng, là thị trường chủ chốt của nhau và đóng góp hơn 40% tổng GDP toàn cầu. Bởi vậy, điều cốt yếu trong quan hệ kinh tế, thương mại Mỹ-Trung là "hợp tác cùng thắng". Đối với Mỹ, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới và là điểm đến đầu tư với lợi nhuận tối đa nhất. Mặt khác, Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ Mỹ. Điều này có thể tạo động lực thúc đẩy thương mại giữa hai nước.
Khó khăn cần giải quyết
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng với tổng giá trị hàng hóa mà Trung Quốc mua từ Mỹ vào năm ngoái là 130 tỷ USD, Trung Quốc khó có thể giảm được thâm hụt thương mại với Mỹ trong thời gian ngắn. Ngay cả đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Phó thủ tướng Liu He thừa nhận rằng đàm phán lần này 2 bên tuy đạt được nhận thức chung nhưng vấn đề giữa 2 nước không phải phát sinh trong ngày một ngày hai. Giải quyết vấn đề mang tính kết cấu nhiều năm nay trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung phải cần thời gian.
Muốn thỏa mãn yêu cầu của Mỹ, Trung Quốc cần phải nhập khẩu thêm hơn 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ mỗi năm. Thế nhưng, nghịch lý là những thứ mà Mỹ muốn bán cho Trung Quốc chỉ đem lại nguồn thu không đáng kể so với con số 200 tỷ USD, trong khi những sản phẩm công nghệ đắt tiền mà Trung Quốc muốn mua thì Mỹ lại không muốn bán. Trước hết là về những hàng hóa mà Mỹ muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, con số bổ sung 200 tỷ USD vượt ngoài khả năng của Bắc Kinh.
Theo ước tính, ngay cả khi Trung Quốc ngừng mua các sản phẩm nước ngoài khác, như máy bay Airbus của Liên minh châu Âu hay đậu tương của Brazil, và chỉ mua sản phẩm Mỹ, thì cũng chỉ có thể giúp giảm thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc khoảng 50-60 tỷ USD. Bản thân Mỹ cũng khó có thể sản xuất thêm đủ số lượng hàng hóa mới để đáp ứng mục tiêu xuất khẩu thêm 200 tỷ USD mỗi năm sang Trung Quốc, nhất là về ngắn hạn. Hơn nữa, dự kiến cuối tháng này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ sẽ công bố những biện pháp mới hạn chế Trung Quốc đầu tư và mua lại trong các lĩnh vực chiến lược của Mỹ như công nghệ. Ngoài ra, Mỹ còn đang tạo rào cản đối với các công ty công nghệ của Trung Quốc.
Những dẫn chứng trên cho thấy vấn đề kinh tế và thương mại vẫn đang là một trong những thách thức lớn trong việc duy trì mối quan hệ Mỹ - Trung. Tuy nhiên kết quả đàm phán tại Washington cuối tuần qua phần nào phản ánh sự xuống thang của 2 bên để giải quyết vấn đề về thâm hụt thương mại. Vì suy cho cùng không bên nào muốn đẩy tranh chấp hiện nay thành cuộc chiến thương mại một mất một còn.