Thỏa thuận hạt nhân Iran đổ vỡ và những hệ lụy khó lường

Chia sẻ
(VOV5) -Thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện được ký năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức).

Bất chấp xác nhận của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) rằng Iran tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân, Mỹ vẫn kiên quyết tuyên bố ý định rút khỏi thỏa thuận này, đồng thời cân nhắc các biện pháp áp đặt cấm vận mới. Động thái này khiến quan hệ Mỹ-Iran rơi vào vòng xoáy căng thẳng với những hệ lụy nguy hiểm khó lường.

Thỏa thuận hạt nhân Iran đổ vỡ và những hệ lụy khó lường - ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump 

Thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện được ký năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức). Theo thỏa thuận này, Iran đồng ý thu hẹp chương trình hạt nhân để đổi lại cộng đồng quốc tế xóa bỏ phần lớn lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt với quốc gia này. Đây được xem như một thắng lợi ngoại giao, một dấu ấn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy niên, kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Trump đã tìm các lý do để đơn phương rút hoặc hủy bỏ thỏa thuận này. Thậm chí, Tổng thống D.Trumph còn gọi thỏa thuận hạt nhân với Iran là “nực cười” và “là thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử”.

Căng thẳng leo thang

Kể từ khi thỏa thuận hạt nhân được ký, IAEA, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động của Iran đều liên tục đưa ra những báo cáo cập nhật. Theo đó, xác nhận Tehran tuân thủ thỏa thuận này. Mới đây nhất, báo cáo của IAEA ngày 9/10 khẳng định Tehran đã đóng băng một số hoạt động hạt nhân của mình còn kho dự trữ Uranium của Iran, loại được dùng vào mục đích dân sự, hiện cũng không vượt qua giới hạn đã thỏa thuận là 300kg. Báo cáo cũng cho biết thêm Iran không có ý định xây dựng lò phản ứng hạt nhân Arak vốn có thể chế tạo đến cấp độ vũ khí.

Tuy nhiên, những báo cáo này là vô giá trị trước quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trumph. Phát biểu trong một cuộc họp với các quan chức quân sự tại Nhà Trắng hôm 5/10, ông Trumph tuyên bố Mỹ không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Việc chính phủ Iran ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và là nguyên nhân gây ra tình trạng bạo lực, đẫm máu, hỗn loạn ở Trung Đông. Đó là lý do tại sao Mỹ cần chấm dứt tham vọng hạt nhân của Iran. Washington thậm chí cáo buộc Tehran không làm theo tinh thần của bản thỏa thuận. Bất chấp lo ngại của cộng đồng quốc tế và những nỗ lực kêu gọi hòa giải, Mỹ tuyên bố khả năng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào ngày 12/10 tới và Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết định liệu có tái áp đặt lệnh trừng phạt với Tehran hay không.

Thỏa thuận hạt nhân Iran đổ vỡ và những hệ lụy khó lường - ảnh 2 Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố sẽ không nhượng bộ Mỹ (AP)

Trong khi đó, đáp trả lại tuyên bố của Mỹ, Iran cảnh báo Mỹ rằng họ sẽ trả đũa lực lượng Mỹ trong khu vực nếu bị Washington áp đặt thêm cấm vận. Trước đó, phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Iran Hassan Rouhani lên án Tổng thống Mỹ Donald Trump có thái độ và phát ngôn thù địch về Iran.

Theo ông Rouhani, những cáo buộc của Mỹ không mang tính xây dựng, không thúc đẩy hòa bình và tôn trọng giữa các nước với nhau. Ông cũng cảnh cáo Iran sẽ không chủ động phá vỡ thỏa thuận hạt nhân nhưng sẵn sàng rút khỏi thỏa thuận và quay trở lại chương trình hạt nhân “chỉ trong vài giờ” nếu Mỹ làm khó và “sẽ đáp trả quyết liệt bất kỳ vi phạm nào từ bất kỳ nước nào”.

Không chỉ lên tiếng chỉ trích Mỹ, Iran còn cáo buộc Israel, đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông là mối đe dọa với an ninh khu vực và toàn cầu khi sở hữu kho vũ khí hạt nhân khổng lồ và chính liên minh Mỹ-Israel mới là những kẻ đang thực hiện chiến dịch xâm lược Trung Đông.

Hệ lụy nguy hiểm khó lường

Những cảnh báo đáp trả qua lại lẫn nhau làm dấy lên làn sóng lo ngại trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định không có lựa chọn nào khác ngoài thỏa thuận hạt nhân đã ký kết với Iran vào năm 2015. Nếu Mỹ hủy thỏa thuận hạt nhân, Mỹ sẽ tự đẩy mình vào thế bị cô lập bởi châu Âu vẫn ủng hộ thỏa thuận này.

Nga cảnh báo về những "hậu quả tiêu cực" nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump không duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong khi đó, nhiều ý kiến chuyên gia phân tích cho rằng nếu Mỹ kiên quyết hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, các cuộc đua vũ trang sẽ ngay lập tức xuất hiện đồng thời làm tình hình căng thẳng ở Trung Đông gia tăng.

Tất cả những diễn biến trên đang khiến quan hệ Mỹ-Iran vô cùng căng thẳng và bất kỳ hành động nào của chính quyền Trump cũng có thể khiến mối quan hệ này đi xa khỏi tầm kiểm soát. Nếu thỏa thuận hạt nhân chấm dứt, Iran có thể tiếp tục chương trình làm giàu urani. Nước này cũng sẽ phải chịu hậu quả từ các biện pháp trừng phạt mới.

Theo các nhà quan sát, một quyết định đơn phương của Chính quyền Trump tuyên bố Iran không tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hoặc hỗ trợ khủng bố sẽ chỉ có tác dụng cô lập Mỹ và tạo cho Iran cái cớ để nối lại các hoạt động hạt nhân. Điều này chỉ càng làm mở rộng và kéo dài cuộc khủng hoảng ở Trung Đông trong thời gian tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu