ASEAN - Trung Quốc: Khi niềm tin đã mất

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Hành động của Trung Quốc được xem như là một sự bội ước với cả khối ASEAN, kéo lùi lòng tin của các nước trong khu vực.
(VOV5) - Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngay trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN 24 và Đối thoại an ninh châu Á (Shangri-La), khiến thế giới không khỏi bất ngờ. Riêng với ASEAN, giữa lúc những nỗ lực ngoại giao hai bên đang có nhiều tiến triển để tiến tới ký kết một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), hành động của Trung Quốc được xem như là một sự bội ước với cả khối ASEAN, kéo lùi lòng tin của các nước trong khu vực về một hình ảnh Trung Quốc đang “trỗi dậy hòa bình”.
 
ASEAN - Trung Quốc: Khi niềm tin đã mất - ảnh 1


Chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố chung về tình hình tại Biển Đông, do lo ngại những hành động đơn phương nguy hiểm từ phía Trung Quốc.

 

Đây là động thái đặc biệt, chưa từng có tiền lệ trong cơ chế hoạt động của ASEAN, phần nào thể hiện rõ lập trường của ASEAN với tư cách là một khối thống nhất. Dù lợi ích của các bên khác nhau cũng như ảnh hưởng bao trùm của Trung Quốc tại khu vực, tuyên bố thêm một lần nữa xua tan hoài nghi về khả năng khối chia rẽ liên quan đến chủ đề phức tạp này.

 

Lời nói và hành động bất nhất của Trung Quốc
Còn nhớ vào thời điểm cuối năm 2013, tại Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị giữa ASEAN với các đối tác, nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đã có một phát biểu khá ấn tượng rằng: Trung Quốc với các nước ASEAN “cùng chung vận mệnh, sướng khổ cùng nhau”. Hai bên cần “xây dựng lòng tin và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt, giữ vững đoàn kết”. Thêm nữa, tại lễ kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc, ASEAN thực sự vui mừng khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề xuất đưa quan hệ ASEAN-Trung Quốc từ “thập kỷ vàng” sang “thập kỷ kim cương” bằng việc ký kết Hiệp ước 3 tốt “Láng giềng tốt, Hữu nghị tốt và Hợp tác tốt”. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn đưa ra sáng kiến xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, nhằm mục đích phát triển thương mại và mở rộng ảnh hưởng của nền văn minh Trung Quốc chứ không nhằm mở rộng lãnh thổ.

 

Trước đó, tháng 5/2013, việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chọn thăm ASEAN trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng đã làm ASEAN dấy lên hy vọng rằng Trung Quốc sẽ dành ưu tiên cao nhất cho ngoại giao láng giềng và coi ASEAN là đối tác chiến lược quan trọng.

 

Đáp lại thiện chí từ Trung Quốc, ASEAN cũng tranh thủ mọi thời cơ để củng cố quan hệ với đối tác láng giềng, đặt niềm tin vào những đề xuất của Bắc Kinh về tương lai khu vực. Không những hoan nghênh và đánh giá cao đề xuất về Hiệp ước “3 tốt”, nhất trí xây dựng Đối tác hợp tác hàng hải ASEAN-Trung Quốc, ASEAN còn tích cực đề xuất các biện pháp xây dựng lòng tin, nhằm nắm bắt các cơ hội quý giá trên con đường tăng cường hợp tác chặt chẽ và sâu rộng hơn nữa trong thập kỷ thứ hai của mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc. ASEAN nhất trí thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố DOC, tích cực tham vấn xây dựng COC. Hơn thế, ASEAN còn hy vọng “giấc mơ Trung Hoa” cũng có thể trở thành “giấc mơ Đông Nam Á” bằng việc Trung Quốc sẽ thay đổi cách tiếp cận về các tranh chấp trên biển với một số nước khu vực.

 

Chính vì vậy, việc Trung Quốc thể hiện “tình hữu nghị” với ASEAN khi hạ đặt giàn khoan “khủng” vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, đâm va và bắn vòi rồng vào các tàu lực lượng chấp pháp của Việt Nam, đâm chìm tàu cá Việt Nam, đồng thời truyền thông Trung Quốc còn kêu gọi “dạy cho Việt Nam một bài học nếu phản kháng”, đã thực sự gây sốc với ASEAN và cả cộng đồng quốc tế.

 

Hành động của Trung Quốc đe đọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định khu vực, trái với luật pháp quốc tế, vi phạm những cam kết của Bắc Kinh về việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đặc biệt, hành động của Trung Quốc đã phủ nhận sạch trơn những cam kết trước đó của Trung Quốc với ASEAN, rằng nỗ lực cùng nhau xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

 

Đơn độc trong giấc mơ “trỗi dậy hòa bình”
Trên thực tế, bằng cách hành xử hăm dọa và khiêu khích trên biển đối với Việt Nam, Trung Quốc đã thất bại trong việc trấn an thế giới nói chung, các nước láng giềng nói riêng rằng họ đang nổi lên một cách hòa bình. Cùng với việc Trung Quốc phớt lờ những yêu cầu chính đáng của Philippines và nghĩa vụ phải thực hiện trước Tòa án quốc tế liên quan đến tranh chấp bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, dư luận đang đặt câu hỏi Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc kiểu gì khi mà nước này bất chấp luật pháp quốc tế để thiết lập một trật tự bá quyền ở khu vực? Liệu việc tự hủy hoại uy tín và hình ảnh của mình bằng những hành động đi ngược lại lời cam kết của lãnh đạo cấp cao nhất có phải là lợi ích lâu dài của Trung Quốc?

 

Với mỗi quốc gia, một môi trường hòa bình, ổn định để phát triển là điều kiện không thể thiếu. Nhưng nay, môi trường hòa bình đó đã bị phá vỡ, niềm tin của các nước láng giềng không còn, Trung Quốc sẽ trở nên đơn độc trên con đường trở thành cường quốc, theo cách gọi là “trỗi dậy hòa bình”./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
Nguyễn Bá Hiển

Cái gì cũng có giá của nó. Rồi đây TQ sẽ bị cô lập, thậm chí cả thế giới ghê tởm cả những người dân TQ vô tội không những bây giờ mà thế... Xem thêm