Không thể chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Khu vực Biển Đông

Minh Hiển/Từ Washington
Chia sẻ
(VOV5) - Tại Hội thảo thường niên về An ninh Biển Đông với chủ đề  “Biển Đông và Châu Á Thái Bình Dương trong thời kì quá độ, tìm kiếm các giải phải để giải quyết tranh chấp” diễn ra hôm cuối tuần tại thủ đô Washington (Mỹ),

(VOV5) - Tại Hội thảo thường niên về An ninh Biển Đông với chủ đề  “Biển Đông và Châu Á Thái Bình Dương trong thời kì quá độ, tìm kiếm các giải phải để giải quyết tranh chấp” diễn ra hôm cuối tuần tại thủ đô Washington (Mỹ), bên cạnh việc khẳng định việc Trung Quốc mời thầu thăm dò, khai thác tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vô căn cứ, các học giả quốc tế còn cho rằng Trung Quốc không có cơ sở để tuyên bố chủ quyền của nước này trên đường lưỡi bò tại khu vực Biển Đông. Các học giả và chính khách quốc tế cũng nhấn mạnh các nước trên thế giới không thể chấp nhận những tuyên bố vô lý này của Trung Quốc. 

Không thể chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Khu vực Biển Đông - ảnh 1
Thượng nghị sỹ Joe Lieberman phát biểu tại Hội thảo Biển Đông
 được tổ chức tại Mỹ (Ảnh: Minh Hiển)

Điểm chung trong kết luận của các học giả và chính khách quốc tế tại Hội thảo về An ninh Biển Đông lần này đó là những tuyên bố và chính sách Trung Quốc đang thực thi tại khu vực này là những việc làm không có cơ sở rõ ràng và không theo đúng luật pháp quốc tế. Dẫn chứng cho lập luận này, Giáo sư Carlyle, của Học viện Quốc phòng Australia, chỉ ra rằng về luật pháp, đường lưỡi bò trong bản đồ do Trung Quốc vẽ ra từ năm 1948, trước khi có Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc, do đó bản đồ này không liên quan tới Công ước Luật Biển. Và các chuyên gia luật pháp quốc tế cũng nhận định cách vẽ đường lưỡi bò này không phù hợp với cách vẽ bản đồ quốc tế chuẩn. Như vậy, có thể nói, từ năm 2009, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại khu vực đường lưỡi bò trên Biển Đông theo bản đồ do nước này tự vẽ là không hợp lý.


Ông Marvin Ott, giáo sư trường đại học Johns Hopkins cho rằng Trung Quốc đang bỏ rất nhiều sức lực, thậm chí cả uy tín của mình để biện hộ tuyên bố chủ quyền không có tính hợp pháp. Theo giáo sư Marvin Ott, Trung Quốc đưa ra tuyên bố như vậy khiến các nước không còn có sự lựa chọn nào khác là thể hiện sự không đồng ý và điều đó thực sự tạo ra một tình trạng nguy hiểm. Giáo sư Marvin Ott nhấn mạnh: “Các luật sư, các học giả, các chuyên gia ở các nước khác, bất kỳ ai nhìn vào tuyên bố này đều tin rằng đường lưỡi bò chín đoạn của Trung Quốc không có tính hợp pháp dựa theo luật pháp quốc tế, điều đó gây ra rắc rối. Bằng cách tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông thông qua đường lưỡi bò, có nghĩa rằng toàn bộ  khu vực này thuộc về Trung Quốc thì không có một nước lớn nào trên thế giới có thể ủng hộ đòi hỏi này. Mỹ không thể ủng hộ, Ấn Độ không thể ủng hộ, Cộng đồng châu Âu không ủng hộ, Australia, không ủng hộ, Nhật Bản không ủng hộ, không có nước nào ủng hộ  tuyên bố này của Trung Quốc.”

Thượng Nghị sỹ Joe Liberman, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa và Các vấn đề của Chính phủ Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ ngày càng bị cô lập hơn trong khu vực cũng như trên thế giới nếu còn tiếp tục thực hiện những chính sách của nước này tại Biển Đông. Thượng nghị sỹ Joe Liberman nêu rõ:   “Những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông quá rộng đó là hành động gây hấn đầu tiên khiến các nước khác buộc phải hành động, đó chính là lý do tại sao tôi hy vọng Trung Quốc cần phải dừng lại và không có thêm hành động nào thì mới có thể giúp giải quyết được các tranh chấp này.”


Đồng quan điểm với các học giả, trước khi diễn ra Hội thảo, thượng nghị sỹ John McCain, một chính khách từng là ứng cử viên tổng thống Mỹ, cho rằng Trung Quốc đang trở thành một cường quốc kinh tế do vậy nước này đang cần rất nhiều nguyên liệu thô, trong đó có dầu mỏ. Trung Quốc thấy rằng có một trữ lượng dầu mỏ rất lớn tại khu vực Biển Đông nên đã tăng cường tuyên bố chủ quyền tại khu vực này. Thượng nghị sỹ John McCain cho rằng: “Thời gian vừa qua, Trung Quốc đã tuyên bố đường 9 đoạn, họ cho rằng khu vực Biển Đông là thuộc về lãnh thổ của Trung Quốc. Đó là một tuyên bố không đúng. Khu vực Biển Đông là khu vực lãnh hải quốc tế. Chính vì thế mà tất cả chúng ta đều mong muốn có sự thương lượng hòa bình giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực để giải quyết tranh chấp này một cách hòa bình. Thời gian gần đây, trong khu vực đã diễn ra xung đột, căng thẳng tăng lên, những căng thẳng đó cần phải được loại bỏ và đàm phán chính là câu trả lời cho vấn đề này.”  

Vấn đề về Biển Đông không chỉ là một chủ đề nóng mà đây còn rất nhạy cảm khi nó liên quan trực tiếp đến lợi ích của các quốc gia có đường bờ biển tại khu vực này. Và Hội thảo về An ninh Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) tổ chức lần này chính là cơ hội để học giả các nước đi sâu phân tích cũng như thể hiện quan điểm của mình về vấn đề này. Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, học giả quốc tế đều cho rằng, các yêu sách do phía Trung Quốc đưa ra thường trong tình trạng mơ hồ và dễ gây hiểu lầm. Trong khi đó, hành động của họ trên thực tế đang đẩy mạnh việc tăng cường kiểm soát Biển Đông.  

Theo giáo sư Carlyle Thayer, Hội thảo về An ninh Biển Đông lần này sẽ giúp các học giả Trung Quốc hiểu hơn về những điểm chưa đúng khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại khu vực Biển Đông để khi họ quay về nước có những giải thích rõ ràng cho chính phủ và người dân về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc./.

 

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu