Đúng 1 tuần sau khi Thượng viện Pháp chính thức thông qua dự luật áp thuế kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ lớn, trong đó có các gã khổng lồ của Mỹ, ngày 17/7, giới chức Tây Ban Nha cho hay nước này sẽ thúc đẩy một dự luật thuế đối với các công ty công nghệ lớn, sớm nhất ngay khi chính phủ mới tuyên bố nhậm chức. Động thái mới này chắc chắn sẽ khiến nhiều nước châu Âu có quyết định tương tự nhưng đồng thời cũng làm gia tăng chiến tranh thương mại giữa Mỹ với châu Âu.
Ảnh minh họa
|
Đề cập quyết định này, Quyền Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Nadia Calvino khẳng định biện pháp này là nhằm tìm kiếm một giải pháp toàn cầu bởi đây là vấn đề toàn cầu, và cần phải có hành động để giảm thiểu tác động đối với nền kinh tế nước này.
Trước đó, hồi tháng 1 vừa qua, chính phủ của Thủ tướng Pedro Sanchez đã đề xuất một dự luật, theo đó đánh thuế 3% đối với tổng thu nhập của hãng công nghệ lớn như Goole và Facebook chuyên cung cấp dịch vụ kỹ thuật số tại Tây Ban Nha. Tuy nhiên, ông Sanchez đã không thể thúc đẩy thông qua dự luật trên sau khi Quốc hội Tây Ban Nha hồi tháng 2 bác bỏ dự thảo ngân sách 2019 của ông, buộc nhà lãnh đạo này phải kêu gọi cuộc bầu cử sớm.
Không ngẫu nhiên áp thuế
Không phải ngẫu nhiên mà Pháp và Tây Ban Nha đã quyết định hoặc sẽ thúc đẩy việc áp thuế vào các công ty kỹ thuật số có doanh thu lớn. Mục đích đều là nhằm giảm thiểu tác động đối với nền kinh tế từng nước, là bước đi hướng tới một mức thuế công bằng và hiệu quả hơn. Nếu nhìn vào các con số thống kê có thể thấy rõ lý do này. Những “ông lớn” công nghệ (hầu hết có trụ sở tại Mỹ, như Google, Apple, Facebook, Amazon…) thu được khoản lợi nhuận khổng lồ nhờ cung cấp dịch vụ tại Pháp và các nước châu Âu khác, trong khi các khoản đóng thuế lại rất khiêm tốn hoặc được nộp ở nước có chính sách ưu đãi hơn. Số liệu của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy các công ty này nộp thuế ít hơn các công ty khác ở châu Âu khoảng 14%.
Sau khi thất bại trong việc thành lập một "mặt trận chung" của liên minh châu Âu để xử lý các công ty công nghệ đa quốc gia, ngày 11/7, Thượng viện Pháp đã thông qua quyết định áp thuế 3% doanh thu đối với tất cả công ty công nghệ có doanh thu toàn cầu đạt ít nhất 750 triệu euro (khoảng 845 triệu USD) và doanh thu ở Pháp đạt trên 25 triệu euro. Tỷ lệ thuế 3% này giúp Pháp thu về khoản ngân sách dự kiến là 500 triệu euro mỗi năm. Đáng chú ý, quy định này được "hồi tố" kể từ ngày 1/1/2019. Trong khi đó, theo dự luật đang chờ chính phủ mới thông qua, Tây Ban Nha dự định đánh thuế 3% đối với tổng thu nhập của hãng công nghệ lớn như Google và Facebook chuyên cung cấp dịch vụ kỹ thuật số tại Tây Ban Nha.
Song song với quyết định đánh thuế lên các ông lớn công nghệ, Pháp cũng đang hối thúc nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tìm kiếm một giải pháp mang tính quốc tế về đánh thuế kỹ thuật số đối với các tập đoàn công nghệ lớn. Tuy nhiên tại hội nghị bộ trưởng Tài chính của nhóm diễn ra ngày 17 -18/7, ở Paris, các bên liên quan chưa đạt được sự nhất trí.
Bóng dáng căng thẳng thương mại Mỹ - EU
Là đồng minh lâu đời và thân cận nhất của Mỹ, động thái của Pháp và Tây Ban Nha trong việc đánh thuế các đại gia công nghệ được cho là có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Âu. Quan ngại trên càng gia tăng khi một số quốc gia EU khác cũng thúc đẩy các kế hoạch riêng để áp thuế lên Facebook và Amazon. Tại Vương quốc Anh, theo dự thảo luật của chính quyền Thủ tướng Theresa May, thuế 2% sẽ áp lên các công ty công nghệ có doanh thu toàn cầu trên 500 triệu bảng và doanh thu hơn 25 triệu bảng từ người dùng Anh. Dự thảo luật này đang chờ tham vấn. Và nếu được áp dụng từ tháng 4/2020, dự kiến đem về 1,5 tỉ bảng cho người Anh trong 4 năm. Đề xuất áp thuế tương tự cũng đã xuất hiện ở Áo và Italy. Với các nước nhỏ hơn trong Liên minh châu Âu (EU) như Ireland và Luxemburg thì vẫn đang chờ sự nhất trí chung trong EU.
Những diễn biến trên khiến chính quyền Tổng thống Trump không thể ngồi yên. Ông Donald Trump nhanh chóng mở cuộc điều tra nhằm vào kế hoạch của Pháp, căn cứ theo điều khoản của đạo luật thương mại 1974. Đáng chú ý, đây là luật Mỹ đã dùng làm cơ sở để khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, theo đó cho phép tổng thống sử dụng thuế quan làm công cụ chống lại các hành động liên quan tới thương mại của các quốc gia khác, nếu nó làm tổn hại lợi ích của công ty Mỹ. Giới phân tích nhận định điều này có thể xảy ra với các nước châu Âu muốn áp thuế với các ông lớn công nghệ của Mỹ. Đến nay có vẻ vũ khí mang tên thuế nhập khẩu của Mỹ không chừa đối tượng nào, vì trong danh sách đa số là những đồng minh và đối tác chiến lược của Nhà Trắng. Vì vậy, việc nhiều nước châu Âu đã và đang thúc đẩy việc áp thuế đối với các công ty công nghệ lớn trên thế giới báo hiệu một thời kỳ căng thẳng thương mại mới trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương.