Cuộc gặp Mỹ - Triều lần 3 và cơ hội nối lại đàm phán hạt nhân

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) -Tất cả những tín hiệu tích cực này mở ra hy vọng đàm phán hạt nhân sẽ có nhiều tiến triển trong thời gian tới.

Ngày 30/6/2019 đã chứng kiến dấu mốc lịch sử tại địa điểm lịch sử Bàn Môn Điếm. Hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia “luôn đối đầu” Mỹ và Triều Tiên đã gặp nhau trong thời gian, tuy ngắn nhưng hiệu quả. Đặc biệt, ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiền khi bước qua đường phân giới Khu phi quân sự liên Triều (DMZ). Tất cả những tín hiệu tích cực này mở ra hy vọng đàm phán hạt nhân sẽ có nhiều tiến triển trong thời gian tới.

Sau cuộc gặp, hai bên nhất trí liên lạc trong tương lai và thúc đẩy các cuộc đối thoại trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và quan hệ song phương. Tổng thống Trump thông báo Washington sẽ lập một nhóm công tác mới do Đặc phái viên về Triều Tiên Stephen Biegun dẫn đầu trong 2-3 tuần tới để nối lại đàm phán, đồng thời bày tỏ hy vọng cấm vận nhằm vào Bình Nhưỡng có thể được dỡ bỏ vào một ngày nào đó. Những diễn biến mới này được cộng đồng quốc tế đón nhận tích cực và xem đây là “bước ngoặt” trong quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Cuộc gặp Mỹ - Triều lần 3 và cơ hội nối lại đàm phán hạt nhân - ảnh 1Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại DMZ.- Ảnh TTXVN

Những biến chuyển tích cực trong 365 ngày qua

Hơn 1 năm trước, tháng 6/2018, ông D.Trump và ông Kim Jong-un gặp nhau lần đầu tiên tại Singapore. Dù còn rất nhiều vấn đề song cuộc gặp đầu tiên kết thúc với kết quả không tồi, khi hai bên đưa ra các nguyên tắc cho việc giải trừ hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên và hướng tới bình thường hoá quan hệ Mỹ-Triều. Sau 8 tháng, hai nhà lãnh đạo lại có cuộc gặp thứ hai, sau khi Chủ tịch Kim  Jong-un đưa tín hiệu mong gặp lại trong phát biểu đầu năm mới và được Tổng thống D.Trump hưởng ứng.

Lần này, dù không đạt được kết quả như kỳ vọng và không đưa ra được tuyên bố chung, nhưng cách mà hai nhà lãnh đạo nói về nhau, dành cho nhau sự tôn trọng nhất định, thậm chí gọi nhau là bạn, khiến dư luận quốc tế không thể tin rằng tiến trình ngoại giao có thể bị ngưng trệ. Bất ngờ, trong lúc chương trình nghị sự của ông chủ Nhà Trắng đang hết sức bận rộn về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và các hoạt động dày đặc tại Hội nghị thượng đỉnh G20, ông D.Trump đã đưa ra lời đề nghị cho cuộc gặp lần 3 tại Khu phi quân sự DMZ nhân dịp thăm Hàn Quốc.

Như vậy, có thể thấy, trong một năm qua, hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia “thù địch” đã tái lập tiến trình ngoại giao một cách ngoạn mục, đưa bán đảo Triều Tiên từ căng thẳng, liên tục các vụ thử hạt nhân, với sự đổ bể của đàm phán 6 bên, đến các cuộc tiếp xúc trực tiếp đầy ý nghĩa. Những vụ thử hạt nhân, tên lửa tạm ngừng, việc trao trả các hài cốt quân nhân Mỹ từ chiến tranh Triều Tiên đã được khởi đầu và tiếp tục, các ngôn từ đe dọa, kích động được thay thế bằng những thái độ xây dựng hơn, vun vào đối thoại. Đây không phải là điều dễ dàng, nhất là trong bối cảnh mỗi bên đều phải chịu những sức ép từ nội bộ.

Nhìn lại quá khứ, các tổng thống Mỹ trước đây, từ Tổng thống Reagan đến B. Obama đã không ai tạo được dấu ấn nào trong mối quan hệ với Triều Tiên. Việc ông D.Trump nỗ lực cho mối quan hệ với Chủ tịch Kim Jong-un có thể là cách mà ông Trump mong muốn trong việc tạo dấu ấn của riêng mình khi thể hiện rõ quan điểm rằng các mối quan hệ quốc tế đang khủng hoảng cần có một cách tiếp cận mới và ông đang theo đuổi cách tiếp cận đó.

Chặng đường dài còn nhiều thử thách

Việc Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên vượt qua phân giới DMZ đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên và mời Chủ tịch Kim thăm Nhà Trắng, không chỉ có tính lịch sử, mà còn là biểu tượng mang ý nghĩa sâu sắc, được coi là động lực cho các bước thương lượng khó khăn sắp tới.

Chặng đường phía trước còn dài và còn nhiều thử thách. Đó là điều chắc chắn, vì hai bên không dễ dàng vượt qua những hệ lụy sâu sắc của 7 thập kỷ chiến tranh, cấm vận, đối đầu nghi kị. Chính vì vậy, trong gặp gỡ lần này, cả hai phía đều khẳng định sẽ tiếp nối những đàm phán và hiểu biết đã đạt được trong thời gian vừa qua với tinh thần xây dựng, song không vội vàng.

Ngay sau cuộc gặp Bàn Môn Điếm hôm 30/6 vừa qua, hai bên đã bắt tay vào khẩn trương chuẩn bị cho đàm phán ở cấp chuyên gia, được dự kiến vào trung tuần tháng này. Nếu suôn sẻ, một Hội nghị cấp cao Mỹ-Triều tại Nhà Trắng rất có thể sẽ diễn ra trong thời gian không xa. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi hai bên phải quyết tâm rất nhiều. Trở ngại lớn nhất hiện nay vẫn là làm sao giải quyết song hành các vấn đề, không chỉ giữa hai nước mà còn cho cả Bán đảo Triều Tiên. Làm sao để cân bằng giữa các yêu cầu về lộ trình phi hạt nhân hoá và dỡ bỏ cấm vận, bình thường hoá quan hệ.

Tất cả những vấn đề này đều cần có sự nhân nhượng từ cả hai phía, dù điều này không dễ. Nhưng, với đà hiện nay, với những tín hiệu tích cực đang lan tỏa từ cuộc gặp Mỹ-Triều vừa diễn ra, hy vọng về việc hai phía có thể đối thoại thẳng thắn, sẵn sàng nói và nghe, cả với những vấn đề khó nhất dù còn nhiều khác biệt, là hoàn toàn có cơ sở. Đối thoại, ngoại giao, thay thế cho căng thẳng, đối đầu, đòi hỏi hai bên tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, từ đó có những bước đi mới, cho một quá trình có thể dẫn đến giải pháp lâu dài.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu