Khoảng lặng tạm thời trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Chính quyền Tổng thống Trump đến nay đã áp thuế bổ sung đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ. 

Sau thời gian căng thẳng xung quanh các quyết định áp thuế, những ngày đầu tháng 7, các quan chức Mỹ và Trung Quốc bắt đầu khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại. Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí ngừng việc áp thuế lên hàng hóa của nhau nhằm tạo điều kiện cho 2 bên thương lượng. Tuy nhiên, việc ngừng áp thuế chỉ là khoảng lặng tạm thời nếu Mỹ - Trung không tháo gỡ được những bất đồng then chốt.                  Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu cách đây 1 năm. Chính quyền Tổng thống Trump đến nay đã áp thuế bổ sung đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Trước cuộc hội đàm giữa 2 nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), ở Nhật bản, Mỹ cảnh báo áp thuế bổ sung 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 300 tỷ USD, bao gồm điện thoại, máy tính và hàng may mặc.

Tạm ngừng, không phải là chấm dứt

Tại cuộc gặp ngày 29/6, bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổng thống Trump đã đồng ý nới lỏng một số hạn chế đối với tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc, cho phép các công ty công nghệ Mỹ xuất khẩu linh kiện cho tập đoàn này đồng thời sẽ lùi vô thời hạn việc áp dụng thuế quan đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cố vấn thương mại của Nhà Trắng cho biết đây không phải là sự nhượng bộ, đồng thời nhấn mạnh chính sách của Washington liên quan đến hệ thống 5G của Huawei không thay đổi. Tất cả những gì Mỹ làm cơ bản là cho phép bán con chip cho Huawei và những sản phẩm công nghệ thấp này không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Bán chip cho Huawei, với số lượng nhỏ, chưa đầy 1 tỉ USD/năm, về ngắn hạn chỉ là một phần nhỏ trong chuỗi các vấn đề. Tổng thống Trump thì cho biết vấn đề Huawei sẽ chỉ được thảo luận vào "phần cuối" đàm phán thương mại. Điều đó ngụ ý rằng số phận của Huawei sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.

Khoảng lặng tạm thời trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung  - ảnh 1 ảnh minh họa. Tapchitaichinh.vn

Về thuế quan, giới phân tích cho rằng, việc Tổng thống Trump lùi thời hạn áp thuế 25% với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ mang tính tạm thời, nhằm tạo thuận lợi cho tái khởi động lại đàm phán thương mại. Điều này không thể coi là một sự đột phá và cũng không có gì đảm bảo rằng Mỹ từ bỏ ý định áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. 

Đang đi đúng hướng nhưng còn nhiều bất ổn

Hiện Mỹ - Trung bắt đầu chuẩn bị cho các cuộc đàm phán thương mại sau khi đàm phán bị đình trệ từ tháng 5/2019 với việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc quay lưng với các cam kết pháp lý quan trọng về các vấn đề như tiếp cận thị trường, bảo vệ sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc. Cố vấn thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro cho biết đang có diễn biến tích cực trong cuộc đối thoại thương mại mới giữa nước này với Trung Quốc. Tuy nhiên, vòng đối thoại lần này rất khó khăn và vẫn còn xa mới đạt đến một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Vị cố vấn được cho là có quan điểm cứng rắn về thương mại với Trung Quốc nhấn mạnh rằng quá trình đàm phán sẽ cần thêm nhiều thời gian vì Washington muốn thỏa thuận phải hợp lý. Trong khi đó, Tổng thống Trump ngày 1/7 cũng khẳng định Trung Quốc đã “hưởng lợi lớn” từ mối quan hệ thương mại với Mỹ trong nhiều năm nên không thể có một thỏa thuận cân bằng. Nó phải là một thỏa thuận với lợi thế nghiêng về phía Mỹ.

Các phát biểu của giới chức Mỹ cũng như nhìn vào tiến trình đàm phán trước đó, cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thực sự có dấu hiệu thỏa hiệp trong các vấn đề then chốt. Bất chấp những tuyên bố đầy lạc quan của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trước thềm hội nghị G20 rằng đàm phán về thoả thuận thương mại Mỹ - Trung đã hoàn thành tới 90% nhưng việc giải quyết 10% còn lại mới là một vấn đề hóc búa. Các cuộc đàm phán trước đó đổ bể chính là do không thể giải quyết được 10% mang tính quyết định này, trong đó bao gồm yêu cầu Trung Quốc giảm trợ cấp ngành nghề, chấm dứt hành động mà Mỹ cáo buộc là vi phạm sở hữu trí tuệ... Nhưng khó khăn nhất là cơ chế thực hiện và giám sát thỏa thuận vì việc này liên quan tới vấn đề chủ quyền của Trung Quốc.

Việc Mỹ - Trung Quốc tạm dừng áp thuế mới và quay trở lại đàm phán chỉ tạm thời giúp các thị trường và nhà đầu tư có một khoảng thời gian “dễ thở”, cũng như làm dịu đi mối đe dọa hiện đang phủ bóng nền kinh tế toàn cầu. Khó khăn, gian nan trong đàm phán vẫn đợi 2 bên ở chặng đường phía trước và vẫn không có gì có thể đảm bảo rằng thoả thuận thương mại sẽ đạt được.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu