Ngày 15/3/2021 là tròn 10 năm nổ ra cuộc nội chiến đẫm máu tại Syria, một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của phong trào “Mùa xuân A rập” khởi phát từ Tunusia tháng 1/2011. Sau một thập kỷ, đất nước Syria vẫn chìm trong bất ổn và chia rẽ sâu sắc. Quá trình kiến tạo hòa bình và tái thiết đất nước vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức nghiêm trọng.
10 năm nội chiến đã để lại tổn thất không hề nhỏ với Syria - Ảnh: Reuters |
Sau tròn một thập kỷ, cuộc nội chiến Syria trở thành một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trên thế giới trong thế kỷ XXI. Đến nay, chiến sự tại Syria đã cướp đi sinh mạng của khoảng 400.000-500.000 người, khiến hơn 1/2 dân số đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, cùng khoảng 200.000 người mất tích. Tuy nhiên, căn cứ cục diện thực tế, những con số kể trên chắc chắn chưa phải là những thống kê thiệt hại cuối cùng về cuộc nội chiến Syria.
Cục diện phức tạp
Trong phát biểu mới đây nhân kỷ niệm 10 năm ngày nổ ra cuộc nội chiến Syria, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, tình hình ở Syria "là một cơn ác mộng kinh hoàng". Kể từ đầu cuộc chiến, khoảng một nửa số trẻ em Syria chưa bao giờ được sống một ngày mà không có chiến tranh và khoảng 60% người Syria có nguy cơ bị thiếu đói trong năm 2021. Còn theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNCEF), Syria đang cùng lúc phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng là bạo lực, suy giảm kinh tế và đại dịch Covid-19. Cứ 3 gia đình người Syria thì có đến 2 gia đình không thể đáp ứng được những nhu cầu cơ bản cho cuộc sống.
Trên chiến trường, quân đội Syria đã giành lại phần lớn các vùng lãnh thổ mà phe nổi dậy được một số thế lực bên ngoài hậu thuẫn đã chiếm giữ trong những năm qua. Thế nhưng, hầu như toàn bộ cơ sở hạ tầng trên toàn lãnh thổ đã bị phá hủy hoặc hư hại nặng nề, đòi hỏi một nguồn lực tài chính khổng lồ lên tới hàng tỷ USD để tái thiết, khôi phục. Trong khi đó, sự chia rẽ giữa các phe phái, lực lượng vẫn rất nghiêm trọng, nên chưa thể tiến tới hòa giải.
IS đã gây hỗn loạn tại Syria và Iraq trong một khoảng thời gian - Ảnh: Politico |
Chưa hết, trên lãnh thổ Syria vẫn còn sự hiện diện quân sự của nhiều lực lượng quốc tế dưới các danh nghĩa khác nhau, bên cạnh hàng chục nhóm vũ trang tự xưng, trong đó có một số tổ chức cực đoan và khủng bố. Các lực lượng quốc tế hoạt động gần như riêng rẽ và độc lập với nhau, phục vụ các toan tính và lợi ích khác nhau, chứ không hoàn toàn vì sự khôi phục hòa bình và ổn định cho Syria. Thực tế này khiến cho tiến trình tập hợp nỗ lực quốc tế để chấm dứt chiến tranh, tái thiết đất nước Syria gặp nhiều thách thức nghiêm trọng.
Đường hầm chưa thấy ánh sáng
Theo giới phân tích, trở ngại lớn nhất cho quá trình tái lập hòa bình và khôi phục đất nước Syria chính là sự chia rẽ giữa các quốc gia và thế lực quốc tế có ảnh hưởng, chứ không phải là sự chia rẽ trong nội bộ người Syria. Bởi lẽ, cả thế và lực của chính quyền Syria cũng như các lực lượng đối lập đều hạn chế, phụ thuộc và chịu sự chi phối đáng kể từ bên ngoài.
Trong cục diện đó, hai cường quốc có tiếng nói và sức ảnh hưởng lớn nhất là Nga và Mỹ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Cho đến nay, sự can dự của Nga vào cuộc khủng hoảng là nhất quán và rõ ràng, đó là giúp Chính quyền của Tổng thống Bashar Al Assad chống lại các lực lượng phiến quân và khủng bố, khôi phục ổn định đất nước. Trái lại, lập trường tiếp cận cơ bản của Mỹ là chống lại sự tồn tại của Chính quyền Bashar Al Assad và ủng hộ một số lực lượng nổi dậy. Bên cạnh đó, một số quốc gia có ảnh hưởng trong khu vực như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiếp tục can dự sâu vào cuộc nội chiến với những tính toán khác biệt nhau, chưa tìm được tiếng nói chung.
Một cô bé 10 tháng tuổi người Syria tại trại tị nạn ở Majdal Anjar, Lebanon - Ảnh: Getty Image |
Hệ quả tất yếu của sự thiếu thống nhất trong cách tiếp cận vấn đề của các bên liên quan là vẫn chưa thể mang lại hòa bình và ổn định cho Syria, dù rất nhiều vòng đàm phán đã được xúc tiến dưới sự bảo trợ quốc tế. Trong đó, đáng chú ý nhất là tiến trình đàm phán Astana do Nga, Iran và Thổ Nhỹ Kỳ khởi xướng năm 2017 đã giúp giảm đáng kể bạo lực, nhưng cũng chưa thể đạt được những giải pháp căn cơ cho vấn đề. Một phần nguyên nhân là do thiếu sự tham gia của Mỹ, một phần là do giữa Nga, Iran và Thổ Nhỹ Kỳ còn vướng những vấn đề gai góc chưa thể vượt qua.
Bởi vậy, cuộc nội chiến Syria được dự báo sẽ chưa thể sớm kết thúc để sớm chấm dứt nỗi thống khổ của hàng triệu dân thường vô tội nước này.