Những ngày qua, tình hình tại khu vực Trung Đông đột ngột gia tăng căng thẳng sau khi quân đội Mỹ tiến hành vụ không kích đẫm máu vào một số mục tiêu ở miền Đông Syria. Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã lập tức đưa ra phản ứng, trong khi giới phân tích lo ngại tình hình có thể leo thang nguy hiểm trong giai đoạn tới.
Theo các nguồn tin quốc tế, vụ không kích được quân đội Mỹ tiến hành sáng sớm 26/2 theo chỉ thị của Tổng thống Mỹ Joe Biden, khiến ít nhất 17 người thiệt mạng. Mục tiêu của vụ không kích là "nhằm vào các cơ sở mà Lầu Năm Góc cho là do Iran hậu thuẫn ở Đông Syria... để đáp trả các vụ tấn công gần đây chống lại quân nhân Mỹ và liên quân tại Iraq, cũng như các mối đe dọa nhằm vào các lực lượng này”. Đây là vụ tấn công gây nhiều thương vong nhất mà quân đội Mỹ tiến hành trên lãnh thổ Syria trong nhiều tháng qua, đồng thời đánh dấu sự can dự trở lại một cách mạnh tay của quân đội Mỹ tại quốc gia A rập. Ngay lập tức, cộng đồng quốc tế đã có phản ứng.
Phản đối
Ngay sau vụ không kích, chính quyền Syria đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công, gọi đây là "dấu hiệu xấu" từ chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden. Tiếp đó, trong bức thư gửi Hội đồng bảo an LIên hợp quốc Liên hợp quốc ngày 27/2, Bộ Ngoại giao Syria cáo buộc Mỹ “vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời kêu gọi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc lập tức có các biện pháp để ngăn chặn các vụ tấn công của Mỹ trên lãnh thổ Syria.
Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Syria Faisal Mekdad, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bày tỏ tình đoàn kết với chính phủ Syria, đồng thời kêu gọi các nước phương Tây tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về Syria.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy một khu vực gần biên giới Iraq - Syria trước và sau khi bị Mỹ không kích ngày 25/2. Ảnh: Maxar |
Trên cùng quan điểm phản đối, Nga và Trung Quốc cũng đã chính thức lên tiếng chỉ trích cuộc không kích của Mỹ vào Syria, coi đó là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, tránh làm phức tạp thêm tình hình ở quốc gia Trung Đông này. Trong đó, Sputniknews dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Cuộc tấn công được thực hiện trên vùng lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền, một nước thành viên của Liên hợp quốc. Đây là sự vi phạm luật pháp quốc tế không thể chấp nhận”.
Đặc biệt, ngay trong nội bộ nước Mỹ cũng có nhiều ý kiến không đồng tình với việc chính quyền Tổng thống Biden vì hành động tấn công vào lãnh thổ Syria. Một số nghị sỹ Dân chủ nói rằng Quốc hội Mỹ không thông qua việc ủy quyền cho Tổng thống sử dụng vũ lực tại Syria. Trong đó, Hạ nghị sỹ Ro Khanna nêu rõ “hoàn toàn không có lý do gì để Tổng thống ra lệnh tấn công không nhằm mục đích tự vệ trước mối đe dọa sắp xảy ra mà không có sự cho phép của Quốc hội”. Trong khi đó, nhiều người dùng mạng xã hội Mỹ đã chia sẻ lại thông điệp trên mạng xã hội được Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đưa ra đầu tháng 7/2017 khi Mỹ tiến hành không kích vào Syria, trong đó chỉ trích việc Tổng thống Donald Trump phê chuẩn cuộc tấn công.
Lo ngại
Lý giải về hành động không kích, Bộ Quốc phòng Mỹ ngay trong tối 26/2 đã ra thông báo khẳng định vụ không kích là nhằm đáp trả những vụ tấn công gần đây nhằm vào lực lượng Mỹ và đồng minh tại Iraq, đồng thời nhấn mạnh rằng hành động này được tiến hành theo phương châm làm giảm căng thẳng chung tại Syria và Iraq.
Tuy nhiên, dưới bất kỳ lý do gì, vụ không kích của Mỹ vào miền Đông Syria ngày 26/2 đã vấp phải nhiều phản đối từ cả dư luận quốc tế cũng như nước Mỹ. Trong đó, giới phân tích cho rằng phản ứng của nội bộ Mỹ phản ánh những lo ngại về rủi ro mà quân đội và nước Mỹ có thể phải đối mặt từ vụ không kích. Theo đó, trước tiên, vụ tấn công có thể là tín hiệu hay thông điệp cho thấy Mỹ dường như đang can thiệp trở lại một cách sâu sắc vào cuộc khủng hoảng Syria vốn đang diễn biến cực kỳ phức tạp, đồng nghĩa với nguy cơ lực lượng Mỹ có thể bị sa lầy trong cuộc khủng hoảng chưa thể đoán định hồi kết này.
Tiếp đến, hành động leo thang quân sự này có nguy cơ làm sự gia tăng sự thù địch từ các lực lượng thân Iran trong khu vực nhằm vào Mỹ và đồng minh. Điều này sẽ tạo ra sự đe dọa đối với các lợi ích cũng như nỗ lực kiến tạo hòa bình của Chính quyền Mỹ trong khu vực, nhất là tiến trình hòa bình Palestine-Israel và vấn đề hạt nhân Iran vốn đang có những tiến triển tích cực thời gian qua.