Trong những ngày tháng 7, nhiều tổ chức, hội đoàn trong đó có Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội thực hiện các hoạt động tri ân các thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, những người đã bỏ lại một phần thân thể ở chiến trường, dành trọn cuộc đời cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Thiếu tướng Lê Như Đức (thứ ba từ phải sang), Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội, tặng quà cho thương binh Phạm Văn Hồng ở xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Ảnh: Trần Đức/VOV5 |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội được thành lập cách đây hơn 30 năm. Thời điểm mới thành lập, Hội có 20.000 hội viên, đến nay, Hội đã có trên 270.000 hội viên trong đó có 23.000 thương binh. Các cựu chiến binh thành phố luôn giữ vững và phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống của cựu chiến binh Việt Nam “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu và đổi mới”.
Các cựu chiến binh Thủ đô, những người đã từng chiến đấu và cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, khi trở về với đời thường, tham gia tích cực vào các cuộc vận động, chương trình quốc gia, các phong trào xây dựng đời sống văn hóa- xã hội. Họ đã thực hiện tốt phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bỏ lại phía sau”, động viên, giúp đỡ cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho các đồng đội.
Thiếu tướng Phùng Đình Thảo, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội, phát biểu trong buổi thăm hỏi các thương binh ở tỉnh Hà Nam. Ảnh: Thành Trung/VOV5 |
Thiếu tướng Phùng Đình Thảo, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội, cho biết, vào tháng 7 hàng năm, Hội thường xuyên tổ chức đi thăm, tặng quà các Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng khu vực miền Bắc, các gia đình thân nhân liệt sĩ, các thương binh…
Hoạt động này nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đến thăm và trao tặng 10 triệu đồng cho các thương binh nặng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, Thiếu tướng Phùng Đình Thảo bày tỏ: “Theo đạo lý uống nước nhớ nguồn, chúng tôi đến thăm các thương binh ở Trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng thương binh Duy Tiên. Nhìn thấy những thương binh nặng, chúng tôi rất trân trọng bởi trong một thời điểm lịch sử, họ đã hiến dâng xương máu của mình để bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc. Bây giờ, họ chấp nhận thương tật nặng phải đi điều dưỡng ở trung tâm. Tôi mong muốn các thương binh nặng ở trung tâm luôn động viên nhau giữ gìn sức khỏe để kéo dài tuổi thọ và là tấm gương để cho các thế hệ mai sau học tập”.
Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên là một trong sáu đơn vị nuôi dưỡng thương binh của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Hiện trung tâm đang nuôi dưỡng gần 60 thương bệnh binh của 13 tỉnh, thành từ Quảng Trị trở ra. Bà Mã Thị Bích Nhạn, Giám đốc Trung tâm, cho biết các thương bệnh binh tại trung tâm đều có thương tật từ 81% trở lên. Do di chứng của vết thương, nhiều thương binh phải đi nằm viện tuyến trung ương dài ngày hoặc nằm bất động trên giường bệnh tại trung tâm. Ông Nguyễn Tiến Lực, 64 tuổi, bị thương năm 1979, là thương binh hạng ¼, bị chứng liệt cột sống hành hạ gần nửa thế kỷ qua, cho biết: “Tôi chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Tôi bị một viên đạn bắn xuyên vào cột sống. Phải mổ đi mổ lại nhiều lần để gắp viên đạn ra. Quanh năm suốt tháng bị cơn đau hành hạ ghê gớm”.
Y tá Đặng Thị Cẩm Vân đã gắn bó với trung tâm, với các bác thương binh được hơn chục năm nay. Với tinh thần “kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, chị luôn tuân thủ đúng quy trình và phác đồ điều trị cho từng bệnh binh. Vừa thực hiện lấy thuốc cho thương binh, chị vừa nói: “Buổi sáng, y tá xuống tận nơi để điều trị cho từng bác thương binh. Mới đầu làm ở trung tâm chưa quen, rồi sau cũng quen dần. Có nhiều bác thương binh phải uống nhiều thuốc, ngày nào cũng phải điều trị ví dụ như bệnh cao huyết áp thì luôn phải cần đến thuốc”.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV5, thương binh hạng 1/4 Lê Đình Ẩn cho biết trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, ông bị thương, phải cắt cụt cả hai chân. Về điều dưỡng ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên gần bốn chục năm nay, ông coi Trung tâm như mái nhà chung của mình. - Ảnh: Thành Trung. |
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, các tổ chức, cá nhân thiện nguyện trong và ngoài nước, những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của thương bệnh binh từng bước được cải thiện, như lời bà Mã Thị Bích Nhạn: “Cứ vào những ngày này, nhiều đoàn đến thăm hỏi, động viên tinh thần và được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể cũng như các đoàn thiện nguyện. Rất nhiều đoàn về thăm hỏi động viên tinh thần để giúp các bác có thêm nghị lực, vượt qua được thương tật, bệnh tật giúp các bác sống khỏe, sống vui, lạc quan, yêu đời xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ”.
Các thương binh nặng của Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên, Hà Nam. Ảnh: Thành Trung/VOV5 |
Chứng kiến các thương binh nặng, người thì bị vết thương cột sống, người thì liệt hoàn toàn hai chi dưới, mọi sinh hoạt, di chuyển hàng ngày phải bằng xe lăn, xe lắc, Thiếu tướng Phùng Đình Thảo xúc động cho biết: “Chúng tôi bùi ngùi cảm động khi thực hiện các hoạt động tri ân. Với khẩu hiệu mãi mãi là bộ đội Cụ Hồ với 8 chữ vàng “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới” mà Đảng, nhân dân trao tặng, chúng tôi hứa quyết tâm giữ gìn để phát huy tốt 8 chữ vàng ấy và cũng mong giữa cựu chiến binh thành phố Hà Nội với lãnh đạo trung tâm và các thương binh ở đây có mối quan hệ gắn kết, trở thành nguồn động viên lẫn nhau giữa các cựu chiến binh trong cuộc sống”.
Hôm 22/07 vừa qua, Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội cũng tổ chức gặp mặt hơn 105 thương binh tiêu biểu để ôn lại lịch sử truyền thống. Trong thời gian này, Hội còn tặng quà các đối tượng là cựu chiến binh trên địa bàn Hà Nội có hoàn cảnh khó khăn. Đây là những hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020) nhằm tri ân những người có công với cách mạng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.