Trong họ - những cựu binh ấy- vẫn sáng lên tinh thần đồng đội bất diệt

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Câu chuyện nghĩa tình về các cựu chiến binh huyện Phú Xuyên đi tìm, sưu tập, nâng niu gìn giữ kỷ vật đồng đội gơi cho chúng ta những cảm xúc, suy nghĩ và sự biết ơn sâu sắc.

Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội với hơn 4.000 hiện vật, di vật, hình ảnh đang được lưu trữ, trưng bày nhằm tái hiện lại  thời hoa lửa của những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trong 2 cuộc kháng chiến.

Bảo tàng là tâm huyết bao năm nay của những cựu chiến binh với mong muốn tri ân đồng đội, những anh hùng ngã xuống vì độc lập tự do của đất nước. Câu chuyện nghĩa tình về các cựu chiến binh huyện Phú Xuyên đi tìm, sưu tập, nâng niu gìn giữ kỷ vật đồng đội gơi cho chúng ta những cảm xúc, suy nghĩ và sự biết ơn sâu sắc.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 Hơn 45 năm sau ngày được trao trả tự do bên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị, 1973) ông Lâm Văn Bảng - Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (vốn là cựu tù binh bị giặc bắt và tù đày tại nhà tù Phú Quốc hơn ai hết hiểu rõ sự khốc liệt của chiến tranh. Đến hôm nay chưa ngày nào ông ngơi nghĩ về đồng đội.

Trong họ - những cựu binh ấy- vẫn sáng lên tinh thần đồng đội bất diệt - ảnh 1 Cựu chiến binh Lâm Văn Bảng, cựu tù binh bị giặc bắt và tù đày tại nhà tù Phú Quốc. Ông là giám đốc Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở huyện Phú Xuyên, Hà Nôi. Ảnh Hà Linh.

Và, những ký ức một thời hoa lửa cứ hiện về trong từng câu chuyện kể của ông: Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi chứng kiến không biết bao lần đồng đội hi sinh và  được giao làm công tác về tử sĩ. Khi  bị địch bắt và ở tù, tôi tận mắt nhìn thấy đủ mọi hình thức tra tấn dã man với những chiến sĩ cách mạng bị bắt. Trong đó, tôi không thể quên một đồng đội cùng quê Phú Xuyên với tôi. Đó là anh Dương Bá Ngải, Bí thư chi bộ. Sau nhiều lần chết đi sống lại, trước khi ra đi đã dặn lại chúng tôi, tg tôi “Nếu đồng chí nào còn sống hãy về báo cáo với Đảng là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ một người Đảng viên, về nói với vợ con tôi là người chồng chung thủy, người cha mẫu mực. Dù có gian nan vất vả nhưng các đồng chí hãy đoàn kết nhau, giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng."

Trong họ - những cựu binh ấy- vẫn sáng lên tinh thần đồng đội bất diệt - ảnh 2 Khuôn viên Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở thôn Nam Triều,  xã Nam Quất, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội

Những lời trăng trối của người chiến sĩ kiên trung đó đã thấm sâu vào trái tim, in hằn trong khối óc của người cựu binh ấy đặc biệt khi trái gió trở trời bệnh cũ tái phát. Điều đó càng ngày thôi thúc ông phải làm gì đó để nhắc nhớ và tri ân. Ban đầu, bác Bảng chỉ sưu tập những kỷ vật rồi trưng bày ở phòng truyền thống tại gia đình, để hàng năm là nơi tụ tập những người lính ôn lại kỷ niệm xưa. Rồi đi đâu bác cũng mang khoe, dần dần mỗi người hiểu và cùng góp sức cho công việc ý nghĩa đó. Hơn 20 năm nay bác Lâm Văn  Bảng và các cựu binh rong ruổi khắp mọi miền đất nước tham gia kiếm tìm đồng đội và gom nhặt kỷ vật chiến trường. 

Trong họ - những cựu binh ấy- vẫn sáng lên tinh thần đồng đội bất diệt - ảnh 3 Kỷ vật đồng đội. Ảnh chụp tại bảo tàng/ HL

“Bản thân tôi là thương binh,sức khỏe gặp nhiều khó khăn, kinh tế cũng không dư dả lắm. Đi sưu tầm kỷ vật cũng khó và gìn giữ càng khó khăn. Từ năm 1985, với phương châm 4 tự: Tự nguyện- tự túc- tự quản-tự chịu trách nhiệm, chúng tôi đi khắp vùng miền sưu tầm hình ảnh tư liệu, kỷ vật. Khi có hiện vật rồi lại không có nơi trưng bày buộc tôi phải vận động vợ con ra sống ở tập thể, để nhường lại hơn 2000m2 làm nơi tri ân, trưng bày hiện vật. Một việc làm nói thế thôi nhưng là một quá trình vô cùng khó khăn. Vượt qua tất cả tôi vẫn quyết làm công việc nghĩa tình đồng đội này.’ Bác Bảng tâm sự,

Trong họ - những cựu binh ấy- vẫn sáng lên tinh thần đồng đội bất diệt - ảnh 4 Nơi làm lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ hi sinh vì Tổ quốc.

Hiện nay, tại bảo tàng có 16 cựu chiến binh thường trực đảm nhận mọi công việc. Họ chính là hướng dẫn viên am hiểu nhất về những hiện vật tại bảo tàng. Có những bác tuổi đã ngoài 80 nhưng hàng ngày vẫn đạp xe hàng chục cây số đến bảo tàng để làm công việc như dọn dẹp, thắp nhang hương khói cho đồng đội. Bữa ăn của những người lính già bao giờ cũng vậy, luôn đơn sơ đạm bạc nhưng thật ấm áp. Mỗi người 2 bát, 2 đôi đũa, một của mình, một dành mời hương hồn đồng đội cùng ăn. Gắp mời đồng đội trước rồi mới đến lượt mình. Vào một giờ cố định trong ngày, các bác thường nấu một nồi nước nóng, thay xô nước, bàn chải , khăn mặt để phục vụ các hương linh chiến sĩ.

Trong tâm thức của những cựu binh già này, hình ảnh đồng đội như luôn hiện hữu ở khắp nơi đây. Cứ thế, suốt bao năm, không quản ngại mưa nắng, họ vẫn lụi cui  đều đặn làm công việc thầm lặng tri ân như thế.

Bác Kiều Văn Uỵch, cựu tù ở Côn Đảo- Phú Quốc, chia sẻ, có lẽ những năm tháng chiến tranh khốc liệt, gian khó bên nhau đã tạo ra trong những người lính một tinh thần đồng đội bất diệt: “Tôi vẫn thường nói với vợ con tôi rằng, đồng đôi tôi đã ngã xuống, hi sinh  để cho tôi được sống, được trở về với quê hương và có được ngày hôm nay. Lúc nào, chúng tôi cũng cảm thấy còn nhiều lắm những chiến sĩ đã hi sinh. Các anh, vẫn còn nằm đâu đó trong rừng, hay bờ suối,... chưa về được với quê hương, gia đình, Vì thế  chúng tôi xin chân hương tại các nghĩa trang, mời các anh về đây để chúng tôi được tri ân’. 

Bác Kiều Văn Uỵch cho biết, mỗi kỷ vật ở đây tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng trong đó biết bao kí ức, câu chuyện sống động, bi hùng về những ngày tháng tù đày gian khổ nhưng kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Đó là là câu chuyện về lá cờ Tổ quốc bằng máu của ông Nguyễn Thế Nghĩa – một cựu chiến binh ở Bắc Giang khi trao tặng lá cờ này cho bảo tàng, đã rưng rưng dặn dò: “Đó là sinh mạng chính trị cả đời ôngkhi mà trong lúc mọi người đang mưu sinh với cuộc sống để có xe hơi nhà lầu, nhưng ông chỉ có lá cờ này như mạng sống của mình…”.

Mỗi một hiện vật thấm đẫm máu của đồng đội, được lấy từ trại giam như là những hòn đá ở hố chôn tập thể, đinh, búa, gậy tra tấn, búa biệt ly.. và đặc biệt lá cờ Đảng nhuộm máu. Chúng tôi suy nghĩ là chừng nào còn sức khỏe là phải tiếp tục phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Bằng việc duy trì thật tốt hoạt động bảo tàng, đón tiếp khách rồi kể cho họ nghe. Mục đích là nói lên tinh thần đấu tranh trung thành vô hạn của của chiến sĩ với Đảng, thà hi sinh chứ không chịu khuất phục. Mục tiêu nữa của bảo tàng là truyền lửa cho thế hệ trẻ hiểu về các cuộc kháng chiến, sự kiên cường bất khuất của dân tộc ta như thế nào’. Chú Kiều Văn Uỵch nói,

Trong họ - những cựu binh ấy- vẫn sáng lên tinh thần đồng đội bất diệt - ảnh 5Bảo tàng là nơi các chi bộ Đảng viên sinh hoạt chuyên đề, học nghị quyết, tìm hiểu truyền thống cách mạng. 

Trải qua những năm tháng khốc liệt nhất của thời bom đạn, hơn ai hết bác Lâm Văn Bảng và những đồng đội của mình hiểu được giá trịcủa hòa bình, của độc lập tự do. Vì vậy, theo bác Lâm Văn Bảng giáo dục truyền thống cách mạng là trách nhiệm của toàn Đảng toàn dân trong đó một phần trách nhiệm của những cựu binh như bác: Chúng tôi là những người cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương, từng bị tù đày, bị hành hạ về thể xác, tinh thần. Chúng tôi cảm thấy độc lập tự do giá trị biết nhường nào. May mắn được trở về được sống, được thấy đất nước bình yên, chúng tôi càng trân trọng giá trị đó. Không có gì quý hơn độc lập tự do, quý giá biết nhường nào. Tất cả những hiện vật ở đây còn ẩn hiện đâu đó linh hồn của đồng đội chúng tôi. Chúng tôi rất trân trọng và gìn giữ để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay mai sau về công lao trời biển của Đảng, của Bác Hồ và biết được lớp người đi trước đã đổ xương máu giữ gìn đất nước Việt Nam, để chúng ta có cuộc sống ngày hôm nay".

Trong họ - những cựu binh ấy- vẫn sáng lên tinh thần đồng đội bất diệt - ảnh 6 Phòng truyền thống " Anh Bộ đội Cụ Hồ"

Đất nước thống nhất, mang trong mình những vết thương cả về thể xác lẫn tinh thần, những người lính khi trở về như bác Lâm Văn Bảng, bác Kiều Văn Uỵch vẫn luôn giữ vững phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ.

Và, biểu tượng bất diêt của ý chí kiên cường của những chiến sĩ cách mạng luôn là tấm gương để thể hế trẻ noi theo, phát huy, hun đúc thành ngọn lửa của niềm tin, ý chí và sức mạnh trong thời đại mới”.

Feedback